Một chiều thứ Bảy tháng 11/2017, một người phụ nữ bước vào cửa hàng Wilco Farm ở Oregon và lấy cắp một đôi boot Georgia trị giá 130 USD.
Chỉ trong 24h, cô bị bắt giam tại nhà tù hạt Washington, không phải do khả năng điều tra thần sầu của cảnh sát hay sự can thiệp thần kì nào cả, tất cả là nhờ công cụ nhận diện gương mặt.
Tự do trong khuôn khổ cơ sở dữ liệu
Cuộc điều tra nhanh chóng được thực hiện bởi phần mềm Rekognition của Amazon. Phần mềm này đã giúp văn phòng cảnh sát trưởng hạt Washington (WCSO) tạo ra cơ sở dữ liệu tham vấn dựa trên hình ảnh phạm nhân trong nhà tù của hạt.
Một người đại diện của WCSO đã xem đoạn video giám sát cửa hàng ghi lại hình ảnh cô này ăn cắp đôi boot, sau đó chiết xuất gương mặt cô và nhập vào trong công cụ nhận diện. Kết quả số hóa nhanh chóng được gửi lại với một dãy các hình ảnh, sau đó tìm ra một ảnh có khả năng trùng khớp với thủ phạm.
Khi người đại diện liên hệ với người phụ nữ này ngày hôm sau, cô liền nhận tội và bị kết án ăn cắp cấp độ hai.
Nhận diện gương mặt là loại công nghệ cực kỳ hữu ích, đôi khi nó giúp các cơ quan chính quyền giải quyết vụ án chỉ trong vài giờ thay vì vài ngày. Ảnh: CNET. |
Các cơ quan khác bao gồm Chánh văn phòng Điều tra Liên bang cũng bắt đầu việc tạo cơ sở dữ liệu nhận diện gương mặt, trong khi một số đơn vị cảnh sát đang nghiên cứu sâu hơn về công nghệ này.
Việc sử dụng loại công nghệ phức tạp này có thể thúc đẩy phân tích hàng triệu hình ảnh dựa trên thị giác máy tính và deep learning, điều sẽ dần tước đi quyền tự do của con người một cách “tự nhiên”. Nỗi sợ bị giám sát, hay theo dõi ngầm đã củng cố lý do cho các nhóm hoạt động về tự do nhân quyền ngăn cản cảnh sát sử dụng công nghệ này.
Sự mâu thuẫn giữa an toàn cộng đồng với quyền riêng tư đã nhanh chóng trở thành vấn đề gây tranh cãi.
WCSO đã chính thức xác nhận rằng họ chỉ sử dụng công cụ này với những vụ án thông thường, như vụ một người phụ nữ ăn cắp bình xăng trị giá 12 USD từ cửa hàng Ace Hardware.
Điều này lại làm nảy sinh các vấn đề về giá trị của công nghệ mới trong công tác giữ gìn trật tự. Loại công nghệ đắt đỏ tốn nhiều công sức của Amazon lại không được sử dụng cho các vụ án nghiêm trọng hơn như tìm kiếm những đứa trẻ bị mất tích. Nhưng nếu được phép sử dụng, quyền tự do cá nhân dường như “bé lại vừa bằng một con chip”.
Nhận diện gương mặt đã được sử dụng làm bằng chứng bắt giữ trong ít nhất bảy trường hợp, theo thông tin từ các văn phòng cảnh sát trưởng. Trong đó, Rekognition đóng vai trò quan trọng trong năm vụ án, đặc biệt là những lúc nghi phạm từ chối khai ra danh tính.
Trong các vụ án đó, các nghi phạm bị bắt giữ vì những tội danh như đột nhập trái phép và ăn cắp xe đạp. Hai vụ án còn lại công cụ giúp giải quyết các vụ án trộm cắp vặt trong cửa hàng như vụ đôi boot và can xăng kể trên.
Một luật sư của Liên minh tự do dân quyền Mỹ Bắc California, Matt Cagle kêu gọi chấm dứt sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt trong việc giữ gìn trật tự. Ông cho rằng việc sử dụng công nghệ này là “không cần thiết”.
“Các vụ án phạm tội nhỏ lẻ không cần phải cho ra đời một cơ sở dữ liệu nhận diện gương mặt lớn như thế này”, ông nói.
Giết gà dùng dao mổ trâu?
Phản biện cho ý kiến này, người đại diện phòng thông tin đại chúng của hạt Washington Talbot tuyên bố WCSO đã phát lệnh bắt giữ trong nhiều vụ án ở nhiều cấp độ thông qua việc sử dụng Rekognition.
Việc tạo nên cơ sở dữ liệu gương mặt lớn như vậy dấy lên hoài nghi liệu những người đứng đằng sau đang âm mưu gì, bởi một cơ sở dữ liệu lớn như vậy ắt hẳn đã được xây dựng từ lâu.
Rekognition được Amazon giới thiệu vào cuối năm 2016, hoạt động dựa trên việc xây dựng cấu trúc gương mặt và phân tích các đặc điểm nhận dạng, giống như công nghệ Face ID của Apple hay nhận diện người trong ảnh của Facebook.
Một ví dụ cho công cụ nhận diện gương mặt của WCSO. Ảnh: WSCO. |
Một trong những lợi ích của công nghệ này là không dễ bị đánh lừa bởi một kiểu đầu mới hay một cặp kính khác, những thứ thường dễ qua mắt được người bình thường. Ngoài ra, nó còn tạo nên lợi thế trong việc tìm kiếm các nghi phạm tiềm năng mà họ có thể đã bỏ qua.
Một số cơ quan như FBI còn sử dụng cơ sở dữ liệu nhận diện gương mặt trong việc tìm hình ảnh bằng lái của tài xế hay các ảnh trong tù. Hồi năm ngoái, giới chức Maryland đã nhận diện được danh tính hung thủ trong vụ bắn súng hàng loạt tại Annapolis, sau khi người đàn ông này từ chối khai báo danh tính lúc bị bắt giữ.
Trước khi công nghệ được áp dụng, văn phòng hạt Washington đã mất hàng giờ, thậm chí nhiều ngày để nhận diện các nghi phạm tiềm năng thông qua những bức hình.
Cơ quan này phải gửi mail cho các đồng nghiệp trong ngành, các phòng ban địa phương và đăng hình ảnh gương mặt lên các trang mạng xã hội, từ đó xử lý thủ công cho các kết quả nhận lại.
Trong các vụ án mà nghi phạm từ chối đưa ra danh tính khi bị bắt, việc sử dụng dấu vân tay để tìm sự trùng khớp có thể mất thêm hàng giờ điều tra nữa, với giả định rằng dấu vân tay đó có trong hệ thống của bang. Dù vậy, những phương pháp này vẫn được sử dụng.
Nhiều lợi ích không thể chối bỏ
Đối với Chris Adzima, trưởng phòng hệ thống phân tích thông tin, Rekognition thực sự là người hùng. Anh đưa 300.000 bức hình chụp phạm nhân từ hệ thống quản lý của nhà tù hạt Washington lên server đám mây Amazon, sau đó kết nối những bức hình này với Rekognition để tạo ra công cụ sử dụng nội bộ, cho phép các nhà điều tra đăng và tìm ra những bức ảnh tiềm năng tương thích trong vòng chưa tới một phút.
Công cụ này thực sự là món hời khi chỉ tốn 400 USD để tạo và chỉ 6 USD/tháng phí duy trì dịch vụ web.
Dù vậy hệ thống của WCSO vẫn chưa hoàn hảo. Đôi khi trí tuệ nhân tạo này đưa ra gợi ý về một người da trắng, trong khi tội phạm là người da đen như hình dưới.
Những lỗi sai như thế này có thể bị cảnh sát lợi dụng để đưa ra các lệnh giam giữ oan. |
Công cụ này chỉ sử dụng để gợi ý các đối tượng tiềm năng trong cuộc điều tra chứ không phải để tạo ra bằng chứng. Cho nên chính sách của WCSO không cho phép cảnh sát bắt một người nào đó chỉ dựa trên kết quả tương thích của Rekognition. Họ được yêu cầu phải điều tra kĩ hơn để kiểm chứng danh tính đối tượng.
Hầu hết vụ án được giải quyết nhờ Rekognition đều là các vụ án về nhỏ, khi máy quay giám sát được lắp ở cửa hàng hay ở nhà. Những vụ án lớn thường không có video nên vai trò của Rekognition bị giảm bớt.
Ngoài ra, các vụ án thường ít khi riêng lẻ, một nghi phạm bị bắt giữ trong các vụ án nhỏ có thể đóng vai trò lớn hoặc đã bị bắt giữ ở những vụ án tương tự trong quá khứ.
Nhiều cơ quan công lực đã liên hệ với WCSO để học hỏi cách sử dụng công cụ nhận diện này. Tuy nhiên áp lực từ Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ và các tổ chức nhân quyền khác đã gây được sự chú ý cho các nhà hành pháp.
Công nghệ nhận diện gương mặt này còn được ứng dụng theo thời gian thực. Ý tưởng này đã được sử dụng ở Trung Quốc để theo dõi người dân các nơi công cộng. Một nhóm cảnh sát Orlando đã phối hợp với Amazon để đưa Rekognition vào máy quay giám sát hành trình.
Tuy vậy, khả năng theo dõi nhất cử nhất động tất cả người dân vẫn chưa thể, do cần phải xây dựng mạng lưới camera an ninh khổng lồ. “Các chính sách hiện tại cho thấy rằng người ta có một sự sắp đặt lớn hơn cho dự án này”, đại diện Liên đoàn tự do dân sự Mỹ lưu ý.