Trước tiên là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo mô hình chuỗi cung ứng (Supply chain) sang tập trung vào khách hàng, theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu (Digital value chain). Trước đây, một doanh nghiệp bán lẻ vận hành thuần túy bằng cách phân phối sản phẩm vật chất từ đơn vị sản xuất đến tay người tiêu dùng và tạo ra lợi nhuận bằng cách mua rẻ/bán đắt. Song cách này vốn không thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.
Cùng với sự dịch chuyển của thị trường và thói quen mới của người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ chuyển sang cạnh tranh bằng cách tối ưu và mở rộng chuỗi giá trị tới khách hàng. Chiến lược được chia thành 3 giai đoạn chính: Thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm bằng cách số hóa việc giao dịch với khách hàng (tư vấn online, bán hàng trên website, thanh toán online, lưu trữ dữ liệu khách hàng với CRM,...); Tối ưu các khâu dựa trên insight từ dữ liệu: tối ưu quy trình xử lý đơn hàng, tối ưu quy trình vận chuyển giao nhận, tối ưu quy trình lưu-xuất kho...; Thiết kế lại chuỗi giá trị và mô hình kinh doanh: mở rộng các dịch vụ mới nhằm gia tăng giá trị, kết hợp với các mô hình kinh doanh khác tạo thành hệ sinh thái...
Trong một tương lai chuyển đổi số, dữ liệu chính là trung tâm cho sự phát triển. Với việc chuyển sang mô hình chuỗi giá trị số cùng trọng tâm là dữ liệu khách hàng, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh nhau ở tốc độ và tính hiệu quả trong việc thu thập dữ liệu, chuyển dữ liệu đó thành thông tin hữu ích và hành động phù hợp nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Ngành bán lẻ là một trong 10 lĩnh vực được ứng dụng VR/AR nhiều nhất. (Ảnh minh họa: Internet) |
Bên cạnh đó, cần tăng cường trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ VR, AR. Theo một báo cáo từ Goldman Sachs, thị trường công nghệ VR (Virtual Reality - Thực tế ảo) và AR (Augmented Reality - Thực tế tăng cường) sẽ đạt 1.6 tỉ USD vào năm 2025. Ngành bán lẻ là một trong 10 lĩnh vực được ứng dụng VR/AR nhiều nhất và khoản đầu tư cho công nghệ này trong bán lẻ được dự báo là sẽ còn tăng mạnh.
Trong khi công nghệ AR có thể giúp khách hàng định hướng cũng như nhanh chóng truy cập nhiều thông tin về sản phẩm ngay trong gian hàng, thì công nghệ VR lại giúp khách hàng có thể có trải nghiệm “đi siêu thị” ngay khi đang ngồi nhà. Các công nghệ như AR/VR có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tìm kiếm, mua và bán đồ online.
Dữ liệu có được từ công nghệ này giúp ghi nhận thói quen mua sắm của khách hàng để tạo ra các trải nghiệm cá nhân hóa, đồng thời đem lại nhiều ý tưởng marketing mới cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị còn ứng dụng AR/VR trong đào tạo nhân viên mới, giảm thiểu số nhân viên vận hành cửa hàng. Một số lĩnh vực bán lẻ đang ứng dụng AR/VR nhiều nhất có thể kể đến là: mua sắm nội thất, thời trang, tạp phẩm...
Theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, năm 2020, 30% doanh số bán lẻ được thực hiện thông qua ứng dụng, 33% người tiêu dùng Việt Nam thực hiện chuyển tiền trực tiếp trên mạng khi mua sắm trực tuyến. Với tỷ lệ dân số trẻ cao, Chính phủ đang đặt mục tiêu đến năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số thương mại điện tử khoảng 35 tỷ USD.
Đông Phong
Kinh doanh online và hàng thiết yếu giúp nhà bán lẻ vượt đại dịch
Trong 6-7 tháng vừa qua, các nhà bán lẻ buộc phải đa dạng kênh giao thương và hình thức bán hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.