Tại Việt Nam, dù nông nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân Việt Nam, đóng góp 12% GDP và gần 30% việc làm và đã đạt được những thành tựu lớn trong một vài thập kỷ qua, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần giải quyết.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thách thức đặt ra đối với chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam là cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở khu vực nông thôn chưa phát triển. Quy mô ứng dụng công nghệ số còn nhỏ (chưa đến 8% các hợp tác xã ứng dụng công nghệ số đến một mức độ nào đó). Đồng thời, nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn thấp. Doanh nghiệp nông nghiệp chưa đầu tư nhiều vào chuyển đổi số; và khả năng tiếp cận tài chính của nông dân vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu.
Vấn đề này đã được thảo luận tại Hội thảo với chủ đề "Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Hướng đi tiếp theo tại Việt Nam" được tổ chức nhằm tìm hướng phát huy tiềm năng của số hóa cho nông dân Việt Nam trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang ở ngưỡng cửa cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Theo đó, những giải pháp được đặt ra bao gồm số hóa chuỗi cung ứng để nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện cho việc cấp chứng nhận và nâng cao tính hấp dẫn của các mặt hàng nông sản đối với các nhà sản xuất lương thực, thực phẩm đa quốc gia và thị trường nước ngoài.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố dài hạn tất yếu. Và nông nghiệp không thể đứng ngoài cuộc.
"Chuyển đổi số không chỉ giúp cho người nông dân tiếp cận thị trường nhanh chóng mà còn giúp cho phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường sự quản lý, giám sát các quy trình sản xuất. Tạo sự minh bạch trong từng khâu sản xuất”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
công nghệ nông nghiệp chính xác để tạo ra sản phẩm tốt hơn và có chất lượng cao hơn. Các công cụ kỹ thuật số như máy bay không người lái, hình ảnh vệ tinh và hệ thống GPS có thể giúp thu thập dữ liệu về điều kiện thổ nhưỡng, sức khỏe cây trồng và sự phá hoại của sâu bệnh, nông dân có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực.
Hay các công nghệ kỹ thuật số như cảm biến, nền tảng điện tử và chuỗi khối có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng của các sản phẩm nông nghiệp.
Điều này đảm bảo tính minh bạch và tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng bằng cách cung cấp thông tin về nguồn gốc, phương pháp sản xuất và chất lượng sản phẩm. Việc cải thiện an toàn thực phẩm không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn mở ra cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường quốc tế.
Ngoài ra, nền tảng kỹ thuật số và trang web thương mại điện tử giúp kết nối trực tiếp nông dân với người tiêu dùng, cho phép nông dân bán sản phẩm trực tuyến mà không cần qua trung gian.
Góp phần làm giảm chi phí giao dịch, giúp nông dân thu được lợi nhuận cao hơn. Đồng thời giảm sự phụ thuộc vào giao dịch tiền mặt và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn.
Đặc biệt, AI có thể được tận dụng để cung cấp kiến thức nông nghiệp và hỗ trợ cho nông dân. Khi nông dân đặt câu hỏi, hệ thống Al có thể đưa ra phản hồi kịp thời, phù hợp và chính xác.