Chiều 22/9, Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Công thương, UBND tỉnh Bình Định và Hội tin học Việt Nam tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu giữa đơn vị sử dụng, đơn vị cung cấp sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt với chủ đề: “Sản phẩm dịch vụ công nghệ số made in Viet Nam thúc đẩy du lịch Việt Nam".

Tại hội nghị, các đại biểu trình bày các tham luận, giải pháp để ngành du lịch phát triển thời đại công nghệ số. 

Ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định chia sẻ về đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch

Chia sẻ về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, Sở Du lịch tỉnh Bình Định xác định chuyển đổi số sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế từ ngành Du lịch nói riêng và phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Định nói chung. Sở đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 và tổ chức quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành.

Đến nay, Sở Du lịch tỉnh Bình Định đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp mạng Lan; kết nối Internet cáp quang băng thông rộng đáp ứng được yêu cầu về tốc độ và sự ổn định; mạng Lan của đơn vị tham gia kết nối mạng Wan của tỉnh để phục vụ công việc; đầu tư, duy trì các thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.

Ngành du lịch tỉnh Bình Định cũng đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bố trí sử dụng một cán bộ chuyên trách, phụ trách về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của Sở Du lịch. Rà soát và tạo điều kiện cho cán bộ trong cơ quan Sở được tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số…Thực hiện gắn mã QR-Code về các chương trình, sự kiện, lễ hội du lịch của tỉnh và của các địa phương…

“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để du lịch Bình Định ngày càng phát triển bền vững và hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh gắn với mục tiêu chuyển đổi số, Sở Du lịch tỉnh Bình Định tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch; hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin doanh nghiệp du lịch Bình Định. Chúng tôi duy trì, vận hành và cập nhật nội dung thông tin, hình ảnh, video trên Cổng thông tin du lịch Bình Định”, ông Huỳnh Cao Nhất, Phó giám đốc Sở du lịch tỉnh Bình Định chia sẻ.

Công nghệ số cách mạng hóa ngành du lịch

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin, Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam có thiên nhiên đa dạng, cuốn hút khách du lịch với nhiều di tích, thắng cảnh, các bãi tắm và các phong tục tập quán truyền thống, nền văn hóa độc đáo.

Toàn cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là sản phẩm du lịch thiếu sự đa dạng; các dịch vụ như lưu trú, thương mại, vận tải,... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ, thiếu liên kết; hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo chưa đồng bộ để tạo sức bật mạnh mẽ, nâng tầm vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Trong khi đó, khách du lịch ngày càng có xu hướng chủ động hơn trong việc lựa chọn dịch vụ, xây dựng chương trình và phương án đi du lịch; cũng như tự kết nối với các nhà cung cấp, tự trải nghiệm theo hướng dẫn của nhà cung cấp. Du khách cũng có thể tự đánh giá, chia sẻ về thông tin và những kinh nghiệm trong và sau chuyến đi thông qua các ứng dụng của doanh nghiệp công nghệ.

Doanh nghiệp công nghệ số đã cách mạng hóa ngành du lịch, từ việc giúp khách du lịch tìm kiếm, đặt chỗ online cho đến việc hỗ trợ di chuyển, thanh toán online và đánh giá, chia sẻ điểm du lịch... Điều này đã mang đến những cơ hội và thách thức mới trong việc quảng bá các điểm đến và trải nghiệm.

“Công nghệ số và công nghiệp công nghệ số đóng một vai trò thiết yếu trong cách tạo ra, tiếp thị và tiêu thụ các sản phẩm du lịch. Khi công nghệ phát triển chắc chắn sẽ mang đến những cách thức sáng tạo hơn nữa cho ngành du lịch để quảng bá điểm đến và nâng cao trải nghiệm của du khách”, ông Tuyên nói.

Hiện nay, công nghệ đóng góp rất lớn trong việc tăng trưởng của ngành du lịch. Công nghệ như một giải pháp giúp doanh nghiệp kết nối với du khách nắm trọn vẹn về các lĩnh vực, dịch vụ du lịch. Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Công ty ezCloud đã nêu ra các vấn đề và giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế du lịch trong việc quản lý cơ sở lưu trú.

Theo thống kê của ezCloud, hiện trên toàn quốc có 38.000 cơ sở lưu trú với khoảng 780.000 buồng. Cả nước có khoảng hơn 230 khu vui chơi với các loại hình khác nhau: từ công viên giải trí, công viên chủ đề, công viên nước đến các khu vui du lịch tâm linh, khu du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, có đến 80% trong số này vẫn sử dụng hình thức quản lý thủ công.

Ông Dương cho biết, công ty đưa ra giải pháp cho cơ sở lưu trú vận hành dựa trên công nghệ cloud-based, triển khai dễ dàng, thuận tiện chi phí rẻ. Đồng thời dễ dàng tích hợp với kênh tiếp thị sẵn có của khách sạn như Website, Fanpage, Tiktok,... tạo ra lượt booking trực tiếp từ khách hàng, giảm thiểu hoa hồng cho kênh OTAs…

“Với chiến lược tập trung vào nghiên cứu các giải pháp quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế và kết hợp với các đối tác hàng đầu thế giới như Sabre, Trip.com, Google, Sea Group để xây dựng một Nền tảng quản trị tổng thể ngành Du lịch Việt Nam. Vị thế của ezCloud đang dần được khẳng định thông qua tốc độ tăng trưởng trung bình 250%/năm và một mạng lưới khách hàng trải dài trên 80 tỉnh/thành phố trong nước và quốc tế với hơn 6,000 khách hàng tại 5 quốc gia”, ông Dương chia sẻ.

Diễm Phúc