Tiềm năng kinh tế số của Việt Nam
Đây là thông tin được đại diện Google đưa ra tại hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam”chiều 18/10. Sự kiện do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Google tổ chức.
Theo đánh giá, Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để phát triển nền kinh tế số khi dân số trẻ và am hiểu công nghệ. Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy, nền kinh tế Internet tăng trưởng nhanh thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Dự đoán tổng giá trị giao dịch (GMV) các dịch vụ kinh tế Internet sẽ tăng trưởng 29% mỗi năm từ năm 2020 đến 2025.
Hội thảo về tiềm năng kinh tế số Việt Nam |
Báo cáo Tiềm năng số Việt Nam của Google đưa ra dự đoán, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại cho Việt Nam 1.733 nghìn tỷ đồng (74 tỷ USD) vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020.
Các công nghệ có tiềm năng có thể kể đến như: Internet di động; điện toán đám mây; dữ liệu lớn; trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ tài chính (fintech); Internet vạn vật (IoT) và viễn thám; robot…
“Thông qua các mô hình kinh doanh mới, các dòng doanh thu, tiết kiệm năng suất, và gia tăng GDP, các công nghệ này có thể tạo nên giá trị kinh tế đáng kể đối với các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam”, báo cáo khẳng định.
Chuyển đổi số không chỉ mang lại lợi ích cho lĩnh vực công nghệ, trên thực tế, phần lớn các lợi ích dành cho các lĩnh vực truyền thống, phi công nghệ. Một nghiên cứu mới đây cho thấy các lĩnh vực truyền thống như bán lẻ có thể thu được tới 75% lợi ích kinh tế từ Internet, do các lĩnh vực này có quy mô lớn trong tỷ trọng GDP.
Áp dụng kỹ thuật số cũng sẽ giúp Việt Nam ứng phó và khả năng phục hồi trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và cả sau đại dịch. Bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với khách hàng thông qua công nghệ số và giảm thiểu tắc nghẽn hậu cần (logistics) do gián đoạn chuỗi cung ứng, công nghệ có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát các tác động kinh tế nghiêm trọng của Covid-19. Ước tính khoảng 70 % tổng cơ hội kỹ thuật số của Việt Nam, trị giá 1.216 nghìn tỷ đồng có thể xuất phát từ những ứng dụng công nghệ như vậy.
Rào cản của kinh tế số ở Việt Nam
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định, Chính phủ đã xác định được tầm quan trọng và có quyết tâm thúc đẩy kinh tế số thông qua các Nghị quyết, chương trình hành động.
Chính phủ cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhằm hiện thực hóa những khát vọng, chủ trương, định hướng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thông qua các hoạt động hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh, quản lý sáng tạo.
Các chuyên gia cho biết, dù có nhiều thuận lợi nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số rào cản để có thể khai thác tối đa các lợi ích công nghệ số. Những rào cản này bao gồm: Các quy định pháp lý có thể hạn chế Việt Nam đạt đến tiềm năng tối đa của hệ sinh thái công nghệ trong nước, hạn chế khả năng kết nối kỹ thuật số, cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số hay các vấn đề về kết nối.
Ngoài ra, mặc dù nguồn nhân lực ngày càng được chú trọng nâng cao kỹ năng trong những năm gần đây, vẫn cần nỗ lực để hoàn thiện kỹ năng hơn nữa cho đội ngũ này.
“Đây là những rào cản trọng yếu cần được giải quyết để Việt Nam có thể khai thác tối đa tiềm năng kinh tế của mình bằng công nghệ”, báo cáo của Google nêu.
Duy Vũ
Xây dựng Bộ chỉ tiêu đo lường kinh tế số Việt Nam để ra chính sách phát triển
Bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số phản ánh đầy đủ từ hạ tầng số, mức độ phổ cập của phương tiện số, dịch vụ trực tuyến đến nguồn nhân lực. Đây sẽ là dữ liệu quan trọng trong việc đưa ra các quyết sách cụ thể.