Hiện nay, việc áp dụng các công nghệ số đang trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong việc tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương. Công nghệ số không chỉ giúp sản phẩm địa phương tiếp cận với người tiêu dùng một cách nhanh chóng, hiệu quả mà còn nâng cao giá trị và thương hiệu.

Công nghệ số mở ra cơ hội cho các sản phẩm đặc sản địa phương không chỉ tiếp cận thị trường trong nước mà còn ra toàn cầu. Các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng mua sắm trực tuyến giúp sản phẩm địa phương vượt qua rào cản về khoảng cách địa lý, tiếp cận được với người tiêu dùng từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Ðiều này không chỉ giúp tăng trưởng doanh thu mà còn nâng cao độ nhận diện và giá trị của sản phẩm.

Nhận thức rõ vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế, thời gian qua, tỉnh đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số trên cơ sở thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, là địa phương có thế mạnh về nông lâm sản, tỉnh Bắc Kạn luôn xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Hiện nay, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về sản phẩm qua các kênh trực tuyến như trang web, mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Việc cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc, quy trình sản xuất và đặc điểm nổi bật của sản phẩm giúp củng cố niềm tin vào chất lượng của sản phẩm đối với khách hàng. Các doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ số để xây dựng và quản lý thương hiệu hiệu quả.

Nhằm hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, Sở Thông tin và truyền thông đã chủ trì phối hợp cùng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, đại diện các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cách tạo tài khoản và đăng ký gian hàng trực tuyến để giao dịch, mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử; cách tạo tài khoản ví điện tử của Viettel, VNPT, Mobiphone.

Sản phẩm miến dong Tài Hoan của Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì đăng bán trên website

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 70.000 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản và hoạt động tích cực trên sàn thương mại điện tử, được đào tạo kỹ năng số; gần 1000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. 182 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên trong đó có: 01 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao; 163 sản phẩm 3 sao. Sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao là Miến dong Tài Hoan của Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì. Sản phẩm này được bán rộng rãi trên cả nước và đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trên môi trường số, một số HTX đã chủ động ký kết tiêu thụ sản phẩm bí xanh… với các hệ thống siêu thị lớn.

Ngoài ra, công tác quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường số tại các HTX tập trung trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo,...) dưới dạng các fanpage, nhóm mua bán, trao đổi hàng hóa hoặc các trang cá nhân của các thành viên.

Theo Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 15% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động bình quân hằng năm tăng tối thiểu 7%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%; phấn đấu có 200 doanh nghiệp số hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7,5%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%; phấn đấu có trên 500 doanh nghiệp số hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bắc Kạn xác định thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cung cấp sản phẩm công nghệ số, phát triển nội dung số, quảng cáo số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh… qua đó thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ cập ứng dụng thương mại điện tử và xây dựng hệ thống hạ tầng, nền tảng thương mại điện tử. Xây dựng kế hoạch thúc đẩy thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh phát triển. Hỗ trợ, cung cấp kiến thức, giải pháp số và quy trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp và xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số.

Dù kinh tế số mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc áp dụng công nghệ số vào tiêu thụ sản phẩm  cũng đối mặt với một số thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là việc thiếu kỹ năng và kiến thức về công nghệ số trong cộng đồng sản xuất địa phương.

Ðể khắc phục, cần có các chương trình đào tạo và hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho các doanh nghiệp nhỏ. Bên cạnh đó, vấn đề bảo mật thông tin và dữ liệu cũng là một yếu tố quan trọng cần được chú trọng.

Công nghệ số đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương. Việc áp dụng công nghệ số giúp mở rộng thị trường, nâng cao nhận thức của khách hàng và tạo điều kiện cho các hoạt động marketing hiệu quả.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi ích này, bên cạnh nỗ lực kết nối của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh cần đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng số, bảo mật thông tin. Chỉ khi đó, sản phẩm đặc sản địa phương mới có thể phát triển bền vững và chinh phục thị trường trong nước, vươn ra thế giới.

 Theo Nguyễn Nga (TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH BẮC KẠN)