Bên cạnh chiến tranh thương mại, Mỹ và Trung Quốc còn đang đối đầu trong một cuộc “Chiến tranh lạnh” công nghệ. Vào tháng 5, Mỹ đưa Huawei Technologies vào danh sách đen cấm giao dịch công nghệ.

Lập tức đế chế của hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới chao đảo. Diễn biến đó phơi bày rõ điểm yếu của Trung Quốc. Đó là sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào công nghệ cao từ Mỹ.

Theo Bloomberg, Trung Quốc phụ thuộc vào công nghệ Mỹ nhiều nhất ở ngành bán dẫn, với các sản phẩm như chip máy tính, điện thoại và chip chuyển mạch. Đây đều là những thành phần không thể thiếu trong các thiết bị thông minh, và các hãng Trung Quốc gần như chưa có giải pháp thay thế hợp lý.

Bán dẫn hoàn toàn phụ thuộc

Trong các sản phẩm chip máy tính, Intel hay NVIDIA là những nhà cung cấp chip lớn nhất cho cả máy tính cá nhân và máy chủ, máy trạm. Đây đều là các công ty Mỹ. Sau 2 hãng này, nhà cung cấp lớn thứ 3 vẫn là một công ty Mỹ: AMD.

{keywords}
Trung Quốc phụ thuộc vào chip bán dẫn của Mỹ

Hầu hết nhà máy sản xuất chip của những hãng nói trên đều được đặt ở Đài Loan. Intel có một nhà máy tại Trung Quốc nhưng chỉ sản xuất chip nhớ.

Năm 2019, Huawei công bố chip dành cho máy chủ dựa trên thiết kế của ARM. Tuy là công ty có trụ sở tại Anh, ARM cũng có chi nhánh tại Mỹ.

Công ty ARM cho biết họ cũng phải tuân thủ lệnh cấm của chính phủ Mỹ. Không có công nghệ của ARM, Huawei khó lòng sản xuất chip của riêng mình.

Trong ngành smartphone, Huawei ít phụ thuộc vào các hãng Mỹ. Công ty này có thể tự sản xuất chip xử lý, modem để cung cấp cho 68% sản phẩm của họ. Tuy nhiên các nhà sản xuất khác của Trung Quốc thì vẫn phụ thuộc vào linh kiện từ Mỹ, đặc biệt là Qualcomm.

Chip chuyển mạch cũng là lĩnh vực mà một công ty Mỹ chiếm ưu thế lớn. Broadcom - có trụ sở tại San Jose, California - chiếm tới 80% thị phần chip chuyển mạch Ethernet.

{keywords}
Thị phần chip chuyển mạch

Chip chuyển mạch có chức năng điều tiết luồng thông tin trong các thiết bị mạng. Dễ hiểu khi Huawei - nhà cung cấp linh kiện mạng hàng đầu thế giới - cũng là khách hàng lớn của Broadcom.

Kể cả khi Huawei sử dụng chip chuyển mạch tự phát triển, họ vẫn cần công nghệ từ Mỹ, cụ thể là phần mềm thiết kế. Synopsys và Cadence Design Systems, 2 công ty hàng đầu cung cấp phần mềm thiết kế đều là công ty Mỹ, và đã dừng hợp tác với Huawei.

Chưa thay thế được hệ điều hành từ Mỹ

Windows của Microsoft vẫn là hệ điều hành máy vi tính phổ biến nhất thế giới, và hầu hết máy tính bán ra tại Trung Quốc sử dụng Windows. Hệ điều hành của Microsoft còn được sử dụng trên các máy tính ở các cơ quan thuộc chính phủ Trung Quốc.

Ngoài Windows, bộ phần mềm Office của Microsoft cũng rất phổ biến tại đất nước này.

{keywords}
Thị phần hệ điều hành máy tính để bàn

Đến giờ Microsoft vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức liệu có tiếp tục hợp tác với Huawei và các công ty khác của Trung Quốc không. Lenovo - nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới - cũng là khách hàng lớn nhất của Microsoft.

Tương tự Windows trên máy tính, Android là hệ điều hành phổ biến nhất trên smartphone tại Trung Quốc. Những hãng sản xuất smartphone lớn nhất nước này, bao gồm cả Huawei, đều sử dụng nền tảng Android.

Tuy nhiên phiên bản Android tại thị trường Trung Quốc cũng có nhiều khác biệt khi không bao gồm những dịch vụ cơ bản của Google.

{keywords}
Doanh số smartphone Android toàn cầu

Đối với người dùng tại thị trường khác, các dịch vụ Google rất quan trọng. Khi Google quyết định dừng giấy phép sử dụng Android của Huawei, nhiều thông tin cho thấy hãng này đã đẩy nhanh quá trình phát triển hệ điều hành của riêng mình có tên HongMeng OS.

Huawei có thể thuyết phục cả các hãng khác sử dụng hệ điều hành của mình, nhưng chưa có gì đảm bảo HongMeng OS có thể thay thế Android một cách thuyết phục.

Shopping, mạng xã hội nội địa chiếm ưu thế

Trong lĩnh vực đời sống, các công nghệ và nền tảng của Trung Quốc đã đánh bật các đối thủ ngoại. Amazon có thể là gã khổng lồ với giá trị công ty nằm top thế giới, nhưng tại Trung Quốc công ty này sẽ đóng cửa nền tảng chợ trực tuyến, sản phẩm rất quan trọng của họ, vào tháng 7 tới.

Tại Trung Quốc, Alibaba và JD.com thống trị thị trường với hơn 70% thị phần. Amazon chưa bao giờ vượt quá 1% thị phần mua sắm trực tuyến, theo thống kê của iReseach.

{keywords}
 

Mạng xã hội cũng là lĩnh vực mà các công ty nước ngoài không có cửa đấu với sản phẩm nội địa. Facebook và Twitter bị chặn, gần như không hoạt động tại Trung Quốc. Người dùng nước này chủ yếu sử dụng WeChat, siêu ứng dụng với rất nhiều tính năng như nhắn tin, thanh toán, đặt chỗ của Tencent.

QQ - dịch vụ nhắn tin khác của Tencent - cũng được nhiều người trẻ ưa thích với 823 triệu người dùng hàng tháng. Weibo - mạng xã hội có cách hoạt động hơi giống Twitter - cũng có tới 203 triệu người dùng hàng ngày, nhiều hơn hẳn so với Twitter.

{keywords}
 

Trong lĩnh vực tìm kiếm, Baidu là cái tên nổi bật nhất tại Trung Quốc. Theo sau Baidu là Qihoo 360 và Sogou. Bing là cái tên nước ngoài duy nhất trong top 6 công cụ tìm kiếm, nhưng lượng người dùng ít hơn nhiều so với Baidu.

Điện toán đám mây cũng là lĩnh vực mà Trung Quốc khá tự chủ. Amazon, Microsoft và Google là những nhà cung cấp máy chủ và dịch vụ đám mây lớn nhất thế giới nhưng tại Trung Quốc họ còn không lọt vào top 6. Alibaba và Tencent là công ty đi đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây tại nước này.

Không dừng lại ở Trung Quốc, các hãng này có tham vọng mở rộng hoạt động sang nhiều nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo số liệu của Synergy Research Group, các công ty Trung Quốc hiện đã chiếm 40% thị phần điện toán đám mây trong khu vực.

Theo Zing

Thay thế Huawei ở khu vực nông thôn, bài toán khó của Mỹ

Thay thế Huawei ở khu vực nông thôn, bài toán khó của Mỹ

Hàng chục nhà mạng viễn thông của Mỹ ở khu vực nông thôn đều phụ thuộc vào các thiết bị do Huawei. Kể từ khi lệnh cấm vận Huawei được ban hành, bài toán thay thế các thiết bị viễn thông do Huawei sản xuất vẫn chưa có lời giải.