Nhiều tập đoàn kinh tế Việt Nam đủ sức hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu, với nhiều loại sản phẩm Việt Nam có lợi thế trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. |
Vingroup là tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam, kinh doanh đa ngành, vài năm gần đây phát triển mạng lưới hàng trăm siêu thị trên cả nước và đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại nhiều địa phương. Vingroup đã xây dựng mô hình liên kết với các nhà sản xuất và thương mại với nhiều chính sách ưu đãi khá hấp dẫn, dựa trên phương châm “liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong từng ngành hàng để tạo ra sức mạnh nhằm cạnh tranh với doanh nghiệp FDI trên thị trường trong nước”. Vingroup hạ mức chiết khấu về 0 - 5% cho một số sản phẩm nông nghiệp khi đưa vào bán tại các siêu thị của tập đoàn này, trong khi không ít nhà bán lẻ như Big C sau khi thuộc sở hữu của người Thái đã tăng chiết khấu lên 25%, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không thể chấp nhận.
Vingroup đã ký hợp đồng với 250 nhà cung cấp và hàng trăm hợp tác xã nông nghiệp (kiểu mới) để hợp tác áp dụng công nghệ mới, công nghệ sạch, hướng dẫn nông dân canh tác, thu hoạch và tạo ra chuỗi cung ứng với chi phí thấp, thời gian rút ngắn từ nơi sản xuất đến siêu thị. Do vậy, người sản xuất, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, người tiêu dùng và Vingroup đều được hưởng lợi.
Câu chuyện Vingroup hình thành hệ thống phân phối, liên kết với nhà sản xuất, nhà phân phối là mô hình để doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong từng ngành hàng trên tinh thần hợp tác, liên kết, tự chủ phát triển mạng lưới, hình thành chuỗi cung ứng của Việt Nam nhằm khai thác và tận dụng cơ hội mới của thị trường trong nước và thị trường thế giới.
Hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu của Việt Nam
Vinamilk, TH true MILK, Viettel đang thực hiện có hiệu quả chuỗi cung ứng toàn cầu ở nhiều nước.
Sau 40 năm kể từ ngày thành lập, Vinamilk là tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam, có 18 năm kinh nghiệm xuất khẩu ra thị trường thế giới, hiện đã có mặt tại hơn 40 quốc gia như Mỹ, châu Âu, châu Phi, New Zealand, Myanmar và Thái Lan.
Vinamilk có 10 nông trại chăn nuôi bò và 13 nhà máy trên cả nước; nhà máy sữa tại tỉnh Bình Dương là một trong 2 siêu nhà máy của Vinamilk, có năng lực sản xuất 800 triệu lít sữa/năm và 3 nhà máy ở nước ngoài. Trong giai đoạn 2011 - 2015, năng suất lao động tăng bình quân 10,19%/năm và giá trị gia tăng 14,5%/năm, đạt 1,9 tỷ đồng (89.000 USD)/người/năm. Vinamilk dự kiến năm 2017 đạt doanh thu 3 tỷ USD. Với thương hiệu quốc tế, khi tiến hành cổ phần hóa, Vinamilk sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tiềm năng.
Tại Việt Nam, nếu như Vinamilk là kẻ thống trị thị trường sữa, thì kẻ đến sau là TH true MILK phải tìm hướng đi mới để hấp dẫn người tiêu dùng, đó là “sữa sạch”. Với một chương trình quảng bá truyền thông nhấn mạnh đến yếu tố “sữa sạch”, TH true MILK đã phần nào tạo được khác biệt với những nhãn hàng sữa khác trên thị trường.
Bà chủ tập đoàn này đã biến ý tưởng trở thành nhà sản xuất và cung ứng sữa sạch hàng đầu Việt Nam, biết chọn địa điểm thực hiện dự án ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), chọn nhà tư vấn là một công ty chuyên về sữa của Israel - nước đứng đầu thế giới về công nghệ nuôi bò và sản xuất sữa, giao cho công ty này mua bò tại New Zealand và Australia, nuôi bò, trồng cỏ, chế biến sữa; chỉ sau dăm năm đã trở thành tập đoàn sữa tư nhân lớn nhất Việt Nam. TH true MILK đang đầu tư tại Liên bang Nga, với diện tích trồng cỏ và nuôi bò hàng trăm ngàn héc-ta.
So với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) thì Viettel là “lính mới” trên thị trường viễn thông, nhưng nhờ chiến lược phát triển đúng đắn, Viettel đã vượt qua VNPT cả về doanh số, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước. Viettel hiện đã đầu tư tại 10 nước. Theo thống kê của GSMA Intelligence, đến giữa tháng 9/2016, Viettel nằm trong số 30 tập đoàn viễn thông có số lượng khách hàng nhiều nhất thế giới, đạt 26 triệu khách hàng ngoài Việt Nam (so với 10 triệu khách hàng vào năm 2013).
Từ những điển hình nêu trên, có thể thấy, năng lực của nhiều tập đoàn kinh tế Việt Nam đủ sức hình thành chuỗi cung ứng toàn cầu, với nhiều loại sản phẩm Việt Nam có lợi thế trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Vấn đề đặt ra cần được quan tâm xử lý là kết nối theo chuỗi cung ứng của các tập đoàn này với doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trên thị trường thế giới, như các công ty đa quốc gia của các nước khi đầu tư tại nước ta đã kéo theo nhiều nhà cung cấp và nhà phân phối của nước họ vào nước ta.
Để thực hiện được mục tiêu đó, các tập đoàn cần làm đầu tàu trong quá trình hợp tác trong từng chuỗi cung ứng, doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ động và trên tinh thần hợp tác tin cậy, cùng có lợi tham gia vào một số khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là định hướng quan trọng gắn với xuất khẩu lao động để mang lại giá trị gia tăng cao, thay thế dần phương thức xuất khẩu lao động hiện hành có nhiều nhược điểm cần khắc phục.
Thu Nga (lược ghi)
Còn tiếp