“Số tôi lận đận, bị cuộc đời thử thách nhiều quá. Để đạt được điều gì tôi cũng phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người ta”, NSƯT Công Ninh từng nhận định về đời mình.
Tuổi thơ nghèo khó, bán trà mưu sinh
Hồi nhỏ, nhà Công Ninh nghèo, 13 tuổi phải nghỉ học, phụ gia đình bán trà đá, bánh cam, khoai mì... Được một năm, ông hết lời xin, mẹ phải cho ông trở lại trường.
Tốt nghiệp cấp 3, mẹ kỳ vọng Công Ninh vào Đại học Bách khoa, không ngờ con trai âm thầm nuôi mộng làm diễn viên. Ông lén thi Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM).
Không ngờ, buổi thi năng khiếu diễn ra hoàn toàn trái với tưởng tượng của nghệ sĩ. Ông diễn cảnh khóc khi chứng kiến mẹ chết mà người ngồi xem bên dưới cứ cười.
Trên đường về, Công Ninh tin chắc con đường theo đuổi nghề diễn viên đã bít lối nên cứ thế khóc nức nở. Không ngờ, một tháng sau, ông được thông báo trúng tuyển, thậm chí còn là á khoa.
Sau 4 năm, ông tốt nghiệp loại xuất sắc, giành 1 trong 2 suất học bổng tại Học viện Kỹ thuật điện ảnh Leningrad (nay là Đại học quốc gia Truyền hình và Điện ảnh Saint-Petersburg, Nga).
Vốn nhút nhát và khép kín, sự thay đổi môi trường sống, thời tiết, văn hoá, ngôn ngữ… khiến Công Ninh gặp khó khăn. Ông từng 2 lần suýt bị trả về nước.
Hoàn thành 5 năm du học, Công Ninh về nước, tiếp tục học thạc sĩ. Học cao, ông vẫn thất nghiệp, ngậm ngùi nhìn bạn bè cùng trang lứa như Thành Lộc, Hồng Vân, Thanh Hoàng, Quốc Thảo… đều đã thành danh.
Thầy của Trấn Thành và nhiều ngôi sao
Khi về lại Trường Nghệ thuật sân khấu 2 làm giảng viên với lương 800 nghìn đồng/tháng, Công Ninh tạm có cuộc sống ổn định, bắt đầu dồn hết tâm huyết vào việc đào tạo sinh viên.
Cứ thế, ông đào tạo thành tài bao thế hệ diễn viên nổi tiếng như Trấn Thành, Ngọc Trinh, Việt Hương, Thái Hòa, Thanh Thúy, Lê Khánh, Hòa Hiệp, Tiết Cương, Trí Quang... đến các đạo diễn tên tuổi như Vũ Ngọc Ðãng, Nguyễn Quang Dũng, Đức Thịnh.
Vận dụng phương pháp đào tạo của Nga, Công Ninh khuyến khích tuyệt đối sinh viên tự do sáng tạo, đồng thời tiếp nhận những sáng tạo từ họ. Bên cạnh đó, ông nắm bắt tâm lý của từng sinh viên để có sự truyền tải phù hợp đến mỗi người.
Nhờ vậy, nhiều học trò của Công Ninh nổi lên với những cá tính nghệ thuật khác biệt, không là bản sao của ai, kể cả thầy mình. Ngoài dạy nghề, NSƯT còn được ngưỡng mộ bởi cách đối xử, dìu dắt tận tâm của một người thầy.
Trong một talkshow năm 2019, Trấn Thành từng kể chuyện bị đuổi học vì chạy show và nợ học phí. Khi không thể thay đổi quan điểm của hội đồng kỷ luật, Công Ninh đã đến động viên học trò: "Em đã quá giỏi rồi. Tôi không còn gì để dạy em nữa" để Trấn Thành đỡ buồn, day dứt khi bị buộc thôi học.
Vũ Ngọc Đãng từng được Công Ninh định hướng học đạo diễn sau thời gian học khoa diễn viên. Khi học trò tốt nghiệp, ông đã đưa anh đến giới thiệu với Giám đốc Hãng phim TFS, để sau này anh được giao làm bộ phim Chuột và nổi tiếng. Vũ Ngọc Đãng thừa nhận nếu không có thầy, có thể anh sẽ mãi là người vô danh.
Tháng 7 năm ngoái, Công Ninh - Chủ nhiệm khoa Đạo diễn trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chính thức về hưu. Từ đây, ông muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và vai trò nghệ sĩ.
Không chỉ là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ, Công Ninh còn là đạo diễn, diễn viên tài danh, có sự nghiệp đáng ngưỡng mộ.
Với vai trò đạo diễn, tác phẩm Dạ cổ hoài lang không chỉ là dấu son rực rỡ trong sự nghiệp của Công Ninh mà còn là hiện tượng trong lịch sử kịch nói Việt Nam. Vở diễn mang lại cho ông huy chương Vàng Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và giải Đạo diễn xuất sắc. Ông đã đạo diễn hơn 50 vở kịch sân khấu và truyền hình.
Công Ninh còn ghi dấu ấn ở vô số vai diễn, từ phim điện ảnh như Ai xuôi vạn lý, Đời cát đến phim truyền hình: Blouse trắng, Dưới cờ đại nghĩa, Cái bóng bên chồng, Gọi giấc mơ về...
Hôn nhân viên mãn bên vợ kém 21 tuổi
Công Ninh và vợ - diễn viên lồng tiếng Tuyết Vân kết hôn năm 2012. Họ có 1 con gái, năm nay lên 10 tuổi. Hành trình hôn nhân hơn 10 năm với đôi vợ chồng vừa ngọt ngào vừa nhiều gian nan.
Năm 20 tuổi, Tuyết Vân là sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Cô không học Công Ninh nhưng luôn ngưỡng mộ danh tiếng của ông. Ấn tượng của cô về ông là "người thành đạt như thế lại trông khắc khổ".
Có lần, Tuyết Vân chủ động chào hỏi Công Ninh. Không ngờ, ông về nhà bỗng thấy vương vấn sự thân thiện, ấm áp của cô sinh viên nên tìm cách liên lạc.
Ban đầu, Tuyết Vân e ngại khoảng cách tuổi tác nhưng dần trò chuyện cởi mở hơn với Công Ninh. Cô thấy nghệ sĩ gạo cội gần gũi, có nhiều điểm vụng về chứ không hoàn hảo như hình tượng bên ngoài.
11 năm hôn nhân và 15 năm bên nhau, Công Ninh và Tuyết Vân từng trải qua nhiều thăng trầm. Thời mới quen nhau, họ từng bị mỉa mai là "tình ông cháu".
Sau khi vợ sinh con đầu lòng không lâu, Công Ninh bị viêm phổi nặng, một phần phổi bị nám, có nguy cơ chuyển sang ung thư. Ông quyết định dọn ra ở riêng, tự lo chữa bệnh suốt 1 năm, để vợ tập trung nuôi con nhỏ.
Mỗi lần nhắc đến chuyện này, Tuyết Vân lại rơi nước mắt. "Tôi đến với anh để chăm sóc anh. Nhưng khi anh bệnh nặng, đối diện cửa tử, tôi lại không thể ở bên anh", diễn viên chia sẻ.
Làm cha ở tuổi 51, Công Ninh xem con là nguồn sống của mình. NSƯT thừa nhận giai đoạn "thập tử nhất sinh", con gái là động lực để ông vượt qua bệnh tật.
Có vợ con, ông cũng chăm chỉ làm việc hơn, kiếm tiền lo cho gia đình. Công Ninh hay bị Tuyết Vân phàn nàn vì chiều con quá mức. Cô từng chia sẻ: "Anh tốn quá nhiều chất xám để lo cho con, cả những điều viển vông. Vì anh ấy, bé nhà tôi ngày trước không sợ độ cao nhưng giờ sợ".
Trong showbiz, Công Ninh là nghệ sĩ hiếm hoi được ngưỡng mộ bởi sự nghiệp lẫn gia đình. Tuổi 61, ông chưa bao giờ thôi đau đáu, trăn trở cho sân khấu, phim ảnh. Thôi làm giảng viên, nghệ sĩ lại có thêm thời gian đầu tư cho nghề và gần gũi vợ con nhiều hơn - điều ông luôn áy náy trước đây.
Công Ninh trong trích đoạn phim 'Ai xuôi vạn lý'