Trong khuôn khổ dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) triển khai trong giai đoạn 2020-2023, Khu công nghiệp Hiệp Phước được lựa chọn thí điểm chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái. Việc chuyển đổi này nhằm mục tiêu hướng tới sự bền vững về môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng, góp phần phát triển công nghiệp bền vững.

anh bai 12.jpg
Khu công nghiệp Hiệp Phước được lựa chọn thí điểm chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái.

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Dự án chuyển đổi Khu công nghiệp Hiệp Phước thành khu công nghiệp sinh thái đã cơ bản thực hiện được các mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là đã đề xuất bộ chỉ số bao gồm 23 chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp sinh thái phù hợp với Việt Nam; Hỗ trợ kỹ thuật đánh giá chuyên sâu về hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn (RECP) cho 31 doanh nghiệp, qua đó đưa ra 300 giải pháp về đánh giá tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), đề xuất 7 cơ hội cộng sinh công nghiệp và 4 cơ hội cộng sinh đô thị cho Khu công nghiệp Hiệp Phước. Tiềm năng giảm phát thải 22.845 tấn CO2 tương đương hàng năm, tiết kiệm điện 32.598 MWh/năm, và tiết kiệm nước 215.732 m3/năm.

Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hiệp Phước đã tổ chức các khóa đào tạo tập trung cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, đầu tư hệ thống RO tái sử dụng nước thải sau xử lý; tái sử dụng cát thải làm gạch không nung, tái sử dụng gỗ phế liệu làm nguyên liệu cho lò hơi sinh khối; Thu gom sắt thép, giấy phế liệu từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để tái chế…

Đặc biệt, đã có một số cộng sinh công nghiệp hoạt động khá hiệu quả trong Khu công nghiệp Hiệp Phước. Chẳng hạn, Công ty Thép Á Châu và Công ty Nhôm Tân Quang sử dụng sắt, thép phế liệu của một số nhà máy trong khu công nghiệp làm nguyên liệu đầu vào để tái chế chất thải thành phôi sắt, thép, nhôm; Công ty Giấy Xuân Mai sử dụng giấy phế liệu từ nhập khẩu và thu gom từ các nhà máy khác để tái chế giấy thành phẩm (cung cấp cho thị trường trong nước và ngoài nước) Công ty Hiệp Phước Thành: sử dụng nhựa phế liệu từ các đơn vị khác để tái chế thành sản phẩm nhựa; Công ty Đại Dũng sản xuất gạch không nung từ tro, xỉ thạch cao hỏng từ nhà máy sản xuất xi măng…

Có thể thấy, phương thức cộng sinh công nghiệp đã góp phần phần giảm các loại chất thải ra môi trường, tăng hiệu quả phòng ngừa sự cố chất thải.

Thực hiện cộng sinh công nghiệp là một trong những tiêu chí bắt buộc để được công nhận là khu công nghiệp sinh thái (được quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 37 Nghị định 35/2022/NĐ-CP). Vì vậy tăng cường tái sử dụng các chất thải giữa các doanh nghiệp cần được khuyến khích thực hiện. 

Khoản 2 Điều 58 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm “Hướng dẫn về việc xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải, phế liệu trong khu công nghiệp sinh thái theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường”. 

Khoản 2 Điều 65 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định các Bộ và cơ quan ngang bộ có trách nhiệm “Hướng dẫn việc tái sử dụng chất thải, phế liệu, nước và năng lượng dư thừa trong khu công nghiệp sinh thái thuộc quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan mình”.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về quản lý chất thải,  về loại chất thải được phép tái sử dụng (chẳng hạn như chưa có quy định cụ thể về danh mục chất thải rắn công nghiệp có thể tái chế); chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc tái sử dụng chất thải giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (chất thải của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác); chưa có hướng dẫn cụ thể cho phép được vận chuyển chất thải trong khu công nghiệp…

Cần sớm bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý để phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả của mô hình công nghiệp cộng sinh trong hoạt động phòng ngừa sự cố chất thải.

Bình Minh