Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Lê Hoài Trung.

Xin Thứ trưởng cho biết những điểm nổi bật trong công tác quản lý, thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế về biên giới trên đất liền trong năm qua?

Việt Nam và các nước liên quan đã tuân thủ nghiêm túc việc thực hiện các điều ước, thỏa thuận về biên giới, giữ gìn khu vực biên giới hòa bình, ổn định; đường biên, mốc giới được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, hai bên cùng phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý và bảo vệ biên giới theo 03 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu). Các cơ chế quản lý biên giới song phương: Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Ủy ban hợp tác cửa khẩu, Ủy ban công tác liên hợp bốn tỉnh, Đại diện biên giới... tiếp tục phát huy tốt vai trò nhiệm vụ được giao. Các hoạt động tuần tra song phương, phối hợp phát quang đường thông tầm nhìn biên giới, trao đổi thông tin, hợp tác đấu tranh chống tội phạm xuyên biên giới, điện đàm, hội đàm định kỳ, kết nghĩa thôn bản hai bên... được duy trì hiệu quả.

Tháng 3/2017, hai Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc đã gặp gỡ và thảo luận về các vấn đề biên giới, hợp tác cùng phát triển giữa hai bên. Tháng 9/2017, Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Trung Quốc tổ chức thành công giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ 4 tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Cũng trong tháng 9/2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong chuyến thăm Quảng Tây, Trung Quốc, đã tham dự lễ khánh thành cầu Bắc Luân II tại tỉnh Quảng Ninh và lễ khai trương đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan tại tỉnh Lạng Sơn.

Về tuyến biên giới Việt Nam - Lào, hai bên đã hoàn thành các thủ tục đối nội và đối ngoại để hai văn kiện pháp lý quan trọng về biên giới là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào” và “Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào” có hiệu lực từ ngày 05/9/2017. Hai bên cũng đã tổ chức thành công Cuộc họp thường niên lần thứ XXVII giữa hai Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện Hiệp định Quy chế biên giới quốc gia, Biên bản Cuộc họp thường niên lần thứ XXVI và thống nhất phương hướng phối hợp năm 2018 trong các lĩnh vực của công tác quản lý nhà nước về biên giới lãnh thổ.

Trong năm 2017, các địa phương biên giới, các lực lượng chức năng hai bên đã tích cực phối hợp triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm soát, hợp tác, trao đổi, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh trên biên giới. Giao lưu nhân dân, hợp tác, trao đổi hàng hóa, khám chữa bệnh, học tập giữa hai bên biên giới được duy trì đúng quy định của pháp luật hai bên. Về nội bộ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 13/9/2017 về việc tổ chức triển khai 2 văn kiện pháp lý mới. Ngày 19/9/2017, ta đã tổ chức thành công "Hội nghị tổng kết hoàn thành Kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào", với sự tham dự và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Về tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tính đến cuối năm 2017, hai bên đã phối hợp tiến hành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa và đã hoàn thành khoảng 84% khối lượng công việc. Về mặt nội bộ, các Bộ, ngành và địa phương liên quan tích cực triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia trong giai đoạn hiện nay: quán triệt về tầm quan trọng của công tác quản lý đường biên giới theo thực tế; bảo vệ vững chắc thành quả phân giới cắm mốc đã đạt được. Ta và Campuchia phối hợp quản lý biên giới theo Hiệp định về quy chế biên giới năm 1983, Thông cáo báo chí năm 1995 và các thỏa thuận liên quan khác; phối hợp xử lý tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới.

Năm 2017, chúng ta đã làm những gì để giải quyết tranh chấp về biên giới lãnh thổ, biển đảo, bảo vệ các quyền và lợi ích của quốc gia?

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XII về “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, năm 2017, ta đã nỗ lực giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về biên giới lãnh thổ, biển đảo, bảo đảm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.

Trên tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia, hiện nay ta và Campuchia đang tích cực thúc đẩy các công tác nhằm pháp lý hóa 84% thành quả phân giới cắm mốc, cụ thể là: Quyết tâm hoàn thành việc xác định, xây dựng 1722 cột mốc phụ, cọc dấu bổ sung trong Quý I/2018 (cuối năm 2017, hai bên đã phối hợp hoàn thành được hơn 80% khối lượng công việc này); đồng thời lập và hoàn thiện các hồ sơ phân giới cắm mốc liên quan…, tiến tới đàm phán để ký văn kiện pháp lý phù hợp và hoàn thiện bộ bản đồ đính kèm để ghi nhận 84% khối lượng công việc phân giới cắm mốc đã đạt được trong thời gian sớm nhất theo thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước.

Đối với các đoạn biên giới còn tồn đọng, vướng mắc, trên cơ sở các Hiệp ước, Hiệp định, Thỏa thuận liên quan đã ký kết, hai bên đã và đang tiếp tục tích cực trao đổi, tìm giải pháp giải quyết công bằng, hợp lý để sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa hai nước, cùng nhau xây dựng đường biên giới chung thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác toàn diện vì sự phồn vinh của nhân dân hai nước.

Năm 2017, tình hình Biển Đông nhìn chung tương đối ổn định, tuy không có các vụ việc nghiêm trọng song tiếp tục có những diễn biến phức tạp mới đáng chú ý, tiềm ẩn những nguy cơ và thách thức khó lường, thu hút sự chú ý và quan tâm của dư luận quốc tế và khu vực. Trong bối cảnh đó, ta tiếp tục kiên trì, kiên quyết đấu tranh (trên thực địa, chính trị và ngoại giao) với các vi phạm, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, vì hòa bình, hợp tác, phát triển tại Biển Đông; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản bác các hành động gây phức tạp tình hình.

Năm 2017, ta đã duy trì và thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển bao gồm 01 cuộc gặp hai Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc (tháng 3/2017), 03 cuộc đàm phán và 04 cuộc gặp không chính thức của 03 Nhóm công tác về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.

Ta tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề trên biển với các nước liên quan nhằm khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, khẳng định tinh thượng tôn của pháp luật; đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với In-đô-nê-xi-a; tiếp tục trao đổi với Malaysia về các vấn đề trên biển.

Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN và Trung Quốc đàm phán và thông qua Khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); chủ động trình bày quan điểm tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc.

Bên cạnh đó, ta cũng tích cực, chủ động trao đổi và mở rộng hợp tác biển với các nước trong và ngoài khu vực nhằm trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm tiếng nói chung trong các vấn đề trên biển, củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị, tăng cường xây dựng lòng tin với các nước có liên quan.

Đồng thời, để bảo đảm các hoạt động thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành hữu quan triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ và bảo vệ ngư dân trong vùng biển của Việt Nam; xử lý thỏa đáng vấn đề ngư dân, tàu cá ta vi phạm vùng biển các nước, ngăn chặn tàu cá các nước vào đánh bắt trái phép trong vùng biển của ta.

Thứ trưởng nhận định thế nào về công tác biên giới phục vụ phát triển?

Việc các nước láng giềng cùng nhau phối hợp quản lý đường biên, mốc giới và tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân hai nước nói chung, cư dân hai bên đường biên giới nói riêng sinh sống ổn định và phát triển sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác biên giới lãnh thổ, là bước phát triển của việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển bền vững.

Trong những năm qua, bên cạnh việc cùng các nước liên quan nỗ lực giải quyết các vấn đề biên giới để xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định, Việt Nam cũng tích cực trao đổi, phối hợp với các nước đề ra các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại khu vực biên giới.

Với Trung Quốc, tháng 11/2017, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về đẩy nhanh tiến độ đàm phán Thỏa thuận khung xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt - Trung, Bản ghi nhớ về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường". Năm qua, hai bên cũng đã tích cực phối hợp hoàn thành thủ tục mở chính thức một số cặp cửa khẩu song phương, lối mở, lối thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương biên giới phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Ngoại giao đang chủ trì xây dựng Đề án Quy hoạch về phát triển cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2035. Việc xây dựng và triển khai Quy hoạch sẽ giúp công tác mở, nâng cấp cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Với Lào, hai bên đang phối hợp xây dựng Quy hoạch và phát triển cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035, Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Tại Cuộc họp thường niên lần thứ XXVII giữa hai Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào, hai bên cũng thảo luận về hợp tác phát triển hệ thống cửa khẩu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới.

Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục ký kết nhiều Hiệp định, Thỏa thuận nhằm kết nối giao thông, khai thác vận tải qua biên giới, cơ bản hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, Đề án Chính sách tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao và phát triển du lịch giữa các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào giai đoạn 2016 - 2025.

Trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, hai bên đã thành lập Nhóm công tác hỗn hợp về cửa khẩu Việt Nam - Campuchia để cùng trao đổi về việc mở, nâng cấp và phát triển hệ thống cửa khẩu chung trên biên giới đất liền giữa hai nước theo hướng có quy hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội giữa hai nước nói chung và khu vực biên giới nói riêng.

Công tác biên giới, lãnh thổ trên đây đã đóng góp cho việc ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân khu vực biên giới, tạo dựng cơ sở vững chắc cho việc nâng tầm đường biên giới của Việt Nam và các nước láng giềng trở thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Xin Thứ trưởng cho biết những phương hướng chính trong công tác biên giới lãnh thổ năm 2018?

Năm 2017, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến với những cơ hội và thách thức đan xen, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và phát huy thành công của những năm trước, công tác biên giới lãnh thổ, biển đảo của ta đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu duy trì môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm 2018, công tác biên giới lãnh thổ vẫn còn một số tồn đọng cần giải quyết; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực nói chung, cũng như lợi ích của các quốc gia liên quan. Trong năm 2018, trọng tâm của công tác biên giới lãnh thổ là nỗ lực gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia.

Theo đó, chúng ta cần thực hiện tốt quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc theo các văn kiện pháp lý đã ký kết, theo dõi sát và xử lý kịp thời các vụ việc có thể nảy sinh trên biên giới; hoàn tất các công việc sau tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, tổ chức thực hiện công tác quản lý biên giới theo các văn kiện đã ký và Chỉ thị 36/CT-TTg; nỗ lực phối hợp với Campuchia đẩy mạnh pháp lý hóa 84% thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền đã đạt được giữa hai nước, tổ chức thực hiện công tác quản lý biên giới theo các văn kiện đã ký; tiếp tục triển khai các diễn đàn đàm phán để đạt thêm kết quả thực chất trong việc giải quyết các vấn đề trên biển với các nước liên quan; nỗ lực tham gia đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); thúc đẩy và tăng cường hợp tác trên biển với các nước liên quan trong khu vực Biển Đông, đấu tranh với những vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước cùng quyết tâm của toàn thể nhân dân, cán bộ và chiến sĩ, chúng ta đã tranh thủ được những thời cơ thuận lợi, hạn chế được những khó khăn, kiên trì giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, chủ quyền biển, đảo, các quyền và lợi ích hợp pháp của ta, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh, tạo thuận lợi cho ta hội nhập ngày càng sâu, rộng vào khu vực và quốc tế. Năm 2018, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu giải quyết các vấn đề tồn đọng, quyết tâm thực hiện tốt các kế hoạch đề ra.

Tôi tin tưởng trong thời gian tới, công tác biên giới lãnh thổ sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam.