Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.

Tuy nhiên, các yếu tố an ninh phi truyền thống, tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu dự báo diễn biến khó lường thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Quá trình đô thị hóa khiến cho chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số con sông… ngày càng tác động, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe nhân dân, trong khi đó nguồn lực về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Tình trạng buôn bán và sử dụng động vật hoang dã còn diễn ra khá phổ biến, sự xuất hiện của các loại hình dịch bệnh mới diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, có thể gây ra suy thoái và khủng hoảng kinh tế sẽ tác động lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, văn hóa, phong tục tập quán của người Việt cũng đặt ra những thách thức trong chăm sóc sức khỏe nhân dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường khiến cho nước ta cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Do vậy, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân cần phải có sự thay đổi phù hợp.

Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra những yêu cầu đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đặc biệt liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, tầm vóc người Việt, an toàn thực phẩm … ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình, dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới (các tổ chức phi lợi nhuận, bệnh viện tư …) đòi hỏi cần giải quyết hài hóa mối quan hệ giữa “Nhà nước”, “Thị trường” và “Xã hội” trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người và đề cao giá trị đạo đức bởi liên quan đến chất lượng nòi giống và an ninh con người. 

W-nganhyte.png
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người và đề cao giá trị đạo đức bởi liên quan đến chất lượng nòi giống và an ninh con người. 

Trong bối cảnh đó, tiếp nối tinh thần của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân được Quốc hội Khoá VIII ban hành, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới” (Nghị quyết số 20-NQ/TW). Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu những quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các văn bản liên quan đến việc triển khai bảo đảm việc khám chữa bệnh, bảo đảm tiếp cận thuốc như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Dược số 105/2016/QH13… liên tục được ban hành, sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân trong tình hình mới.

Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng; phát triển mạng y tế cơ sở, y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, hiệu quả các loại dịch bệnh mới; sắp xếp các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và trung ương, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở tất cả các cấp và kết nối với mạng lưới của thế giới.

Với quan điểm đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu. 

Không ngừng phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y. Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế. Tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển đông y; kết hợp đông y với tây y trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân; xây dựng nền y dược học Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng; từng bước quảng bá nền đông y Việt Nam ra nước ngoài. Xây dựng đội ngũ thầy thuốc đông y đông đảo về số lượng, giỏi về chuyên môn và trong sáng về y đức.

Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở. Công tác khám chữa bệnh được tăng cường gắn với việc thực hiện minh bạch, công khai; có như vậy thì chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện, quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế ngày càng được đảm bảo, việc mở rộng phạm vi thanh toán đã mang đến nhiều lợi ích cho người tham gia; hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, giám định điện tử được liên thông dữ liệu với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở; đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức và xây dựng cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.