Những kết quả tích cực
Đại diện Công ty ĐHĐ cho biết, trong 5 năm qua, hệ thống thiết bị, công trình trong toàn công ty hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả trong sản xuất điện. Nhờ công tác bảo trì, bảo dưỡng thực hiện đúng kế hoạch, nên các chỉ số kỹ thuật như: tỉ lệ điện tự dùng, hệ số khả dụng, tỉ lệ dừng máy sửa chữa… đạt kế hoạch hàng năm.
Cùng với đó, việc đưa vào vận hành các nguồn điện mới, bổ sung công suất cho toàn công ty là “điểm sáng” trong kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Khởi công vào tháng 12/2015, dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim đã đưa vào vận hành thương mại giai đoạn 1 với công suất 45MW từ ngày 22/4/2019. Bên cạnh đó, dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi có công suất 47,5 MWp bắt đầu thực hiện đầu tư năm 2017, đưa vào vận hành thương mại ngày 01/6/2019, vượt tiến độ 1 tháng. Đại diện Công ty ĐHĐ cho biết, với 2 nguồn điện mới đưa vào vận hành, tổng công suất Công ty ĐHĐ từ 642,5MW tăng lên 735MW năm 2019. Cùng với sự gia tăng công suất, điện lượng sản xuất từ Công ty ĐHĐ cung cấp cho Hệ thống điện Quốc gia cũng tăng lên tương ứng.
Trong đó, nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng đã sản xuất được khoảng 380 triệu kWh, nhà máy điện mặt trời Đa Mi cũng đóng góp hơn 110 triệu kWh kể từ khi đưa vào vận hành. Trong 5 năm qua, kết quả sản xuất kinh doanh của công ty vượt kế hoạch và đã sản xuất được khoảng 13,85 tỷ kWh điện. Nhà máy điện mặt trời Đa Mi (47,5 MWp) là nhà máy điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á tại thời điểm đưa vào vận hành.
Đại diện Công ty ĐHĐ chia sẻ, trong 5 năm, công ty cũng từng đối diện với nhiều khó khăn. Theo đó, tình hình thủy văn năm 2016 và 2020 đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng điện sản xuất và doanh thu. Bên cạnh sản xuất điện, công ty còn thực hiện cấp nước để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho các vùng hạ dung tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Trong nhiều năm qua, nguồn nước cung cấp từ công ty ĐHĐ đã phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và thâm canh nông nghiệp với diện tích hơn 33 nghìn hécta cho 2 tỉnh Ninh Thuận và Ninh Thuận. Theo đại diện Công ty ĐHĐ, việc cân đối giữa doanh thu sản xuất điện và nhiệm vụ cấp nước cho hạ du là “bài toán khó” đối với các nhà máy thủy điện.
4 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới
Công ty ĐHĐ đã đề ra những mục tiêu tổng quát trong kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021 - 2025. Trong đó, việc đảm bảo hệ thống thiết bị công trình, các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả; hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, tỉ lệ chia cổ tức và gia tăng giá trị doanh nghiệp… là những mục tiêu then chốt của công ty trong giai đoạn tiếp theo.
Đại diện Công ty ĐHĐ cho biết, để đạt được mục tiêu trên, Công ty ĐHĐ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, chú trọng nâng cao chất lượng công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị và các tổ máy phát điện, đảm bảo sẵn sàng cung cấp điện theo yêu cầu vận hành của thị trường.
Thứ hai, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Thứ ba, nghiên cứu, phát triển và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, đảm bảo kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và đào tạo lại, thực hiện chính sách thu hút nhân tài.
Với mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, Công ty ĐHĐ phấn đấu sản xuất khoảng 13,57 tỷ kWh trong 5 năm tiếp theo. Trong đó, các nhà máy thủy điện (bao gồm nhà máy thủy điện Đa Nhim mở rộng phát đủ công suất 80MW vào quý III/2021) sản xuất được 13,23 tỷ kWh và nhà máy điện mặt trời Đa Mi sản xuất được 340 triệu kWh.
Trong giai đoạn tiếp theo, công ty sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm giảm chi phí và nâng cao năng suất lao động. Trong đó, công ty đang hướng đến 2 mục tiêu lớn gồm: Tự động hóa hoàn toàn, hướng đến vận hành không người trực tại nhà máy thủy điện Sông Pha; và lập bản đồ vật tư kết nối với phần mềm PMIS để tối ưu hóa công tác quản lý vật tư.
H.Nam