Doanh nghiệp Mỹ phá sản đang tạo sức ép lên công ty dệt may Việt Nam về khả năng mất tiền, mất nguồn tiêu thụ sản phẩm, hệ quả là lợi nhuận lao dốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định cơ hội hồi phục vẫn nhanh sau khi dịch bệnh đi qua nếu thực thi chiến lược tốt, xây dựng mô hình linh hoạt, tận dụng công nghệ hướng đến sản xuất xanh.
Nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng
RTW Retailwinds, hãng bán lẻ thời trang Mỹ có trụ sở tại New York (Mỹ), vừa tuyên bố nộp đơn phá sản. Nguyên nhân, làn sóng đại dịch COVID-19 khóa chặt người Mỹ tại nhà khiến việc tiêu dùng các mặt hàng may mặc thời trang suy giảm.
Ngay lập tức công ty may Việt Nam lao đao. Theo đó, Công ty May Sông Hồng bị chốt cứng gần 220 tỉ đồng công nợ với RTW Retailwinds. Câu chuyện này không hề đơn giản vì khoản phải thu này lớn nhất và chiếm tỉ trọng không nhỏ trong doanh thu tính đến nửa đầu năm 2020 của May Sông Hồng.
Việt Nam cần phát triển các thương hiệu thời trang nội địa để tìm kiếm lợi nhuận. Ảnh: PM |
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho biết thực tế, RTW Retailwinds đang tiến hành phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản của Mỹ, được biết với tên gọi phá sản tái tổ chức. Điều này cho phép công ty có thời gian tái cấu trúc các khoản nợ, hoạt động kinh doanh cho phép con nợ có một khởi đầu mới với kỳ vọng có kết quả tốt đẹp hơn trong tương lai. Và trong giai đoạn này công ty vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nhiều hoạt động công ty không thể tự đưa ra quyền quyết định, mà cần có sự cho phép của tòa án như bán tài sản, cho thuê, thế chấp tài sản hay mở rộng quy mô kinh doanh.
“Tiến trình này có thể mất 120-180 ngày và sau thời gian này, RTW Retailwinds không giải quyết được các khoản nợ, tìm ra lối đi mới, mới bắt buộc tuyên bố phá sản. Và tiến trình trả nợ sau tuyên phá sản cũng tương tự luật Việt Nam, có nghĩa là trả nợ thuế, lương lao động, thanh toán cho các con nợ theo thứ tự ưu tiên quy định trong luật… Và cần lưu ý, nếu tiền trả nợ hết trước khi đến lượt con nợ được nhận cũng có nghĩa sẽ mất trắng” - ông Phương cho biết.
May Sông Hồng không phải là công ty duy nhất ở Việt Nam vướng vào tình cảnh doanh nghiệp Mỹ phá sản và không biết bao giờ mới lấy lại được tiền. Cách đây hai năm, vào năm 2018, tập đoàn bán lẻ Sears (Mỹ) nộp đơn xin bảo hộ phá sản vì không trả được khoản nợ 134 triệu USD đã đến hạn.
Lúc đó, Công ty Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) có khoản phải thu từ Sears lên đến cả trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2020, Sears vẫn nợ May Thành Công gần 101 tỉ đồng!
Theo tính toán của May Thành Công, khả năng đòi được nợ chỉ có thể gần 17 tỉ đồng và số tiền còn lại có khả năng mất nên May Thành Công hiện buộc phải trích lập dự phòng khoản tiền trăm tỉ này lên đến con số 84,1 tỉ đồng.
Vượt qua cửa hẹp
TS Nina Yiu, Chủ nhiệm ngành quản trị doanh nghiệp thời trang ĐH RMIT, cho biết nếu công ty may Việt Nam ký hợp đồng với những điều khoản chi tiết về thanh toán thì vẫn lấy được tiền. Tuy nhiên, trong trường hợp này thời gian thu tiền sẽ lâu hơn, có thể mất hơn nửa năm.
Nhìn về trường hợp của May Sông Hồng, có thể thấy ngành dệt may Việt Nam chịu tác động kép, đó là nguy cơ đối tác phá sản vì dịch bệnh dẫn đến liên lụy và chính dịch bệnh đang làm giảm cầu khiến sản xuất, kinh doanh đình trệ.
Nhìn ở góc độ kinh doanh, nhiều công ty dệt may Việt Nam đã nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Chẳng hạn, đại gia may mặc Việt Tiến báo lỗ trong quý I-2020 gần 23 tỉ đồng thì đến quý II-2020 đã báo lãi 50 tỉ đồng. Báo cáo bảy tháng kinh doanh, May Thành Công vẫn kiếm được khoản lãi lên đến gần 6 triệu USD (hơn 130 tỉ đồng). Hay Vinatex dù lợi nhuận có suy giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn có lãi 120 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020.
TS Nina Yiu cho biết các doanh nghiệp may mặc Việt Nam vẫn có lãi là điều đáng ghi nhận vì hiện nay mùa mua sắm thời trang đang bị chậm lại bởi COVID-19. Chẳng hạn, tại thị trường Mỹ, đơn hàng may mặc được dự báo giảm 70%-80%, ngoài nhu cầu tăng chậm thì COVID-19 còn tác động đến vòng đời thời trang cũng chậm đi.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết nhu cầu ngành dệt may phục hồi vào quý III-2020 nhưng tổng cầu toàn cầu của ngành trong năm nay vẫn sẽ giảm 20%-25%. Trong thời gian tới, thị trường may mặc bị chi phối bởi xu hướng người tiêu dùng chi tiêu ít và chủ yếu chọn các món hàng cơ bản.
Nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, ngành dệt may vẫn còn gặp nhiều thách thức và kỳ vọng hồi phục sẽ lâu hơn.
Thiết lập mức độ ưu tiên đơn hàng Để giành thắng lợi trong bối cảnh không ổn định như hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt xem xét cẩn trọng chiến lược kinh doanh, nhu cầu thị trường hiện tại, đồng thời thiết lập mức độ ưu tiên đơn hàng, thiết kế lại chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, chọn công nghệ 3D dễ thiết kế mẫu nhằm tiết kiệm chi phí; trong giai đoạn xử lý sợi và vải chọn màu sắc nhuộm hiệu quả; ở giai đoạn sản xuất tổ chức các tổ chức đội nhóm và giờ làm linh hoạt… Doanh nghiệp có thể cân nhắc kinh doanh các dòng sản phẩm khác nhau nhưng nên tập trung phục vụ nhu cầu ngách để phát triển thị trường. Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển các thương hiệu thời trang nội địa dựa trên các yếu tố văn hóa và nghề thủ công độc đáo của mình để tạo ra những sản phẩm độc đáo cạnh tranh và tìm kiếm lợi nhuận. TS NINA YIU, Chủ nhiệm ngành quản trị doanh nghiệp thời trang ĐH RMIT |
(Theo Pháp Luật TP.HCM)