Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn trị giá 12 tỷ USD tại Mỹ là một chiến thắng lớn cho những nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm gia tăng sản xuất hàng hóa quan trọng trong nước, với mục đích giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng khoản đầu tư của TSMC là một dấu hiệu cho thấy tác động từ chính sách của Tổng thống Donald Trump đã dẫn đến sự phục hưng trong sản xuất của Mỹ và biến Mỹ thành nơi đầu tư hấp dẫn nhất trên thế giới.

Thông báo của nhà sản xuất chip có trụ sở tại Đài Loan được đưa ra ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DoC) thắt chặt kiểm soát xuất khẩu để lấp đầy khoảng trống trong các lệnh trừng phạt trước đây đối với quyền tiếp cận của Huawei vào các công nghệ quan trọng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của TSMC vì khoảng 13% doanh thu của công ty này đến từ nhà sản xuất thiết bị Huawei, các nhà phân tích ước tính.

{keywords}
Công ty nào sẽ theo chân TSMC để đầu tư vào Mỹ?

Các quan chức Mỹ cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận với một số công ty bán dẫn bao gồm Samsung và Intel về việc mở rộng khả năng sản xuất nhằm tăng cường chuỗi cung ứng nội địa của họ, vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cho thấy không có dấu hiệu giảm bớt.

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA) cũng đã tham gia cùng chính phủ Mỹ trong việc thúc đẩy nhằm kiềm chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc bằng việc đưa ra một loạt các chính sách để duy trì và tăng cường sự lãnh đạo toàn cầu trong công nghệ bán dẫn và đảm bảo Mỹ chiến thắng trong cuộc đua khai thác các công nghệ biến đổi và công nghệ bán dẫn trong tương lai.

Lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ như thế nào?

Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, Giám đốc điều hành của công ty sản xuất chip nhớ Micron Technology của Mỹ, ông Sanjay Mehrotra cho rằng: “Quốc gia nào dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trong công nghiệp bán dẫn thì cũng sẽ dẫn đầu trong làn sóng công nghệ tiên tiến tiếp theo, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế và đời sống”.

Sau những nỗ lực của SIA, Quốc hội Mỹ gần đây đã đề xuất hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước với 22,8 tỷ USD tiền trợ cấp, chủ yếu dưới hình thức giảm thuế cho các nhà sản xuất.

Bất chấp sự thúc đẩy mạnh mẽ từ chính phủ để nuôi dưỡng nền sản xuất chip trong nước, Tập đoàn tư vấn Boston đưa dự báo rằng, việc kiểm soát xuất khẩu của DoC có thể dẫn đến giảm đáng kể doanh thu và thị phần cho các công ty bán dẫn Mỹ trong vòng 3 đến 5 năm tới và đe dọa vị thế toàn cầu hiện tại của các công ty bán dẫn của Mỹ. Sự sụt giảm này có thể dẫn đến việc cắt giảm mạnh nguồn đầu tư và phát triển cũng như nguồn chi phí đầu tư, bên cạnh đó nó cũng tác động đến nguồn nhân lực, với dự báo sẽ mất tới 40.000 việc làm trong lĩnh vực này.

Hàn Quốc được coi là thị trường có khả năng nhất để lấp đầy khoảng trống trong thời gian tới.

Công ty phân tích thị trường toàn cầu Strateg Analytics ước tính rằng, Huawei là một trong những công ty mua chip lớn nhất thế giới với số tiền mua hàng năm là 20 tỷ USD, nghĩa là sự tăng trưởng chậm lại trong kinh doanh của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều công ty của Mỹ.

Strateg Analytics cũng dự báo các công ty bán dẫn của Mỹ có thể mất tới 7 tỷ USD từ việc làm ăn với Huawei, qua đó sẽ giảm khoảng 5% doanh số bán dẫn toàn cầu.

TSMC có được cấp phép từ DoC?

Daryl Schoolar, người đứng đầu bộ phận Mạng thông minh của Công ty nghiên cứu và phân tích chiến lược toàn cầu Omdia đã nói với Mobile World Live rằng, các nhà sản xuất chip ở nước ngoài khác có thể sẽ không vội đầu tư vào Mỹ vì đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị đang bất ổn, ngay cả khi Tổng thống Donald Trump được bầu lại vào tháng 11 tới.

Sravan Kundojjala, Phó Giám đốc công nghệ tại Strateg Analytics cũng đồng ý với nhận định trên của Daryl Schoolar. Nhưng ông cũng lưu ý rằng, Samsung có các nhà máy chế tạo ở Mỹ nhưng United Microelectronics - nhà sản xuất chip hợp đồng lớn thứ hai thế giới của Đài Loan và Công ty sản xuất bán dẫn quốc tế (SMIC) có trụ sở tại Trung Quốc dường như không thể xây dựng các nhà máy ở Mỹ.

Với việc TSMC bị mắc kẹt trong cuộc chiến địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, Kundojjala cho rằng khoản đầu tư vào Mỹ của TSMC có thể tạo ra sự khác biệt trong mối quan hệ với Huawei trong tương lai. Mặc dù các quan chức đã chỉ ra rằng nhà sản xuất chip TSMC sẽ không được cấp giấy phép xuất khẩu chip cho Huawei, tuy nhiên ông tin rằng cam kết đầu tư của họ có thể xoa dịu các cơ quan quản lý của Mỹ và giúp TSMC có được giấy phép từ DoC.

Liệu TSMC có theo chân Foxconn?

Theo dự kiến, TSMC sẽ đầu tư một khoản tiền khá lớn lên đến 12 tỷ USD trong thời gian 9 năm. Dây chuyền sản xuất chất bán dẫn sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2024 và chỉ chiếm khoảng 4% tổng sản lượng chất bán dẫn toàn cầu. Một số nhà phân tích cho rằng, do khả năng hạn chế về sản lượng sẽ dẫn đến tỷ suất lợi nhuận thấp hơn.

Việc đầu tư của TSMC vào Mỹ hoàn toàn giống với thương vụ Foxconn cam kết sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào một nhà máy ở Wisconsin vào năm 2017, với cam kết tạo ra khoảng 13.000 việc làm. Nhưng sau lễ khởi công và động thổ thì việc triển khai đột ngột chậm lại do công ty phải xem xét lại kế hoạch của mình khi giá màn hình LCD cỡ lớn lao dốc. Trong khi Chủ tịch Foxconn, Terry Gou khẳng định vào tháng 1 vừa qua rằng, một nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động trong năm 2020 này, dự án sẽ không bao gồm các cơ sở sản xuất LCD thế hệ mới nhất như đã cam kết và cũng chỉ tạo ra một phần nhỏ việc làm như cam kết ban đầu.

Kundojjala cho rằng, ngay cả khi có lãnh đạo mới của Mỹ vào năm 2021, TSMC vẫn có thể lựa chọn đầu tư vào nước này để gần gũi với các khách hàng Bắc Mỹ của mình, do đây là thị trường đã tạo ra một tỷ lệ lớn doanh thu cho công ty.

Trước nguy cơ gia tăng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc, động thái mới nhất của TSMC sẽ mang đến nguy cơ phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, không rõ chính phủ Trung Quốc sẽ làm gì khi nhà sản xuất chip tiếp tục là một nguồn sống còn cho các công ty không thuộc Huawei ở đại lục.

Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong bốn tháng tới và mối quan hệ giữa hai siêu cường ngày càng xuống thấp, có rất nhiều thời gian và cơ hội để TSMC suy nghĩ lại về các kế hoạch đầy tham vọng của mình ở Mỹ.

Phan Văn Hòa (theo Mobileworldlive)

Samsung tham vọng vượt mặt TSMC bằng quy trình sản xuất chip 3 nm

Samsung tham vọng vượt mặt TSMC bằng quy trình sản xuất chip 3 nm

Samsung nhiều khả năng đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng mới bằng cách bỏ qua quy trình sản xuất chip 4 nm để tiến lên thẳng 3 nm.