Công văn ghi: "Do sơ suất kỹ thuật, xin đính chính sai sót tại khoản 5 điều 6 nghị định 35 ngày 20/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng như sau: Khoản 5 điều 6 nghị định 35 viết: "Bãi bỏ khoản 2 điều 5, khoản 2 điều 9", nay xin sửa lại: "bãi bỏ khoản 2 điều 9"…
Như vậy, Nghị định 35 nói trên của Chính phủ khi thực thi phải kèm theo công văn nói trên.
Theo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta, cao nhất là Hiến pháp, kế đó là luật (hoặc Nghị quyết của Quốc hội), kế đó nữa là pháp lệnh (hoặc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tiếp theo là lệnh (hoặc quyết định) của Chủ tịch nước, tiếp theo nữa là nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ rồi mới đến các văn bản quy phạm pháp luật khác. Nhưng công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Muốn sửa đổi một nghị định thì phải có một nghị định khác thay thế hoặc bằng một văn bản pháp lý cao hơn.
Việc ban hành một nghị định có thể có “sai sót kỹ thuật”, nhưng không nên dùng một công văn để “đính chính”. Việc “đính chính” như thế này sẽ gây rắc rối, thậm chí có thể gây rắc rối lớn trong thi hành, nhất là tại các phiên tòa xét xử những vụ án có liên quan. Tòa án sẽ không căn cứ vào một văn bản hành chính không phải là văn bản quy phạm pháp luật để thêm hay bớt bất cứ nội dung gì đã ghi trong nghị định.
Theo quy định hiện hành, nếu nghị định ban hành nếu có sai sót về căn cứ ban hành, thể thức và kỹ thuật trình bày thì đính chính bằng công văn của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản. Thực tế cũng đã có những sai sót về kỹ thuật đã được đính chính.
Bài này không đề cập đến trình độ hoặc trách nhiệm cá nhân của người ký văn bản, cũng không đề cập đến sự “tiến bộ” của công văn 333 so với Nghị định 35, nhưng nếu Nghị định 35 có chỗ nào không phù hợp thì phải dùng môt văn bản quy phạm pháp luật cao hơn hoặc một nghị định khác để sửa đổi, chứ không nên dùng một công văn đính chính, dù nghị định 35 mới được ban hành được 25 ngày.
HOÀNG HẢI VÂN