Trong khi vị tỷ phú ngoại quốc gây xôn xao với ảnh "màng nhện" dây điện ở Việt Nam, nơi đây lại đang ồn ào về một "trai đẹp" ngoại quốc.

1. Bill Gates "lạc" vào xứ sở... cột điện?

Không, nhà tỷ phú không lạc, ông chỉ khiến cư dân mạng một phen hoa mắt khi đăng lên Facebook bức ảnh một cây cột dây điện chằng chịt, bùng nhùng như mạng nhện ở Việt Nam. Kèm theo đó là đoạn trạng thái (status) tạm dịch là: "Tại Việt Nam, nhu cầu năng lượng đang tăng 14% một năm. Lưới điện cũ này bị quá tải. Những đất nước như Việt Nam làm sao để giải quyết nhu cầu điện ngày càng tăng?".

Bức ảnh đã gây xôn xao ngay chính những người ở xứ dây điện, dù nó không gây kinh ngạc và dù người xứ này vốn vẫn hàng ngày ngược xuôi dưới một trời... các loại dây. Cái nhìn từ một người ngoài bao giờ cũng dễ "túm" được những điểm bất thường, dị biệt (ít nhất là với họ), và chúng luôn khiến "người trong" phải ngẫm lại mình.

Chợt nhớ trong một cuốn sách về du hành, tác giả khi đến Trung Quốc đã ngỡ ngàng như lạc vào vùng đất của dày đặc những bức tường. Và ông đặt ra một câu hỏi có thể khiến chúng ta bất ngờ, rằng nếu không xây Vạn Lý Trường Thành thì có lẽ người Trung Quốc đã có thời gian, công sức để làm rất nhiều việc khác?

Còn Bill Gates, người từng hơn 1 lần đến VN, nếu có thêm thời gian tìm hiểu nơi đây, có lẽ ông sẽ còn khám phá tiếp vô số "mạng nhện" chằng chịt, ngổn ngang khác chăng? Có những "mạng" hữu hình mà vị tỷ phú công nghệ có thể đăng hình minh họa, nhưng cũng có những "mạng" rất vô hình.

{keywords}
Bức ảnh chụp cột điện VN trên FB Bill Gates thu hút rất nhiều chú ý

Chẳng hạn, khi nhìn xuống đất (thay vì nhìn lên những búi dây), ông sẽ thấy một hệ thống giao thông đan cài như mắc cửi với cả rừng xe máy. Xe ngược, xe xuôi, xe ngang, xe dọc, chồng lấn, "vỡ" hàng lối hoàn toàn trong giờ cao điểm.

Nếu đi vào bệnh viện, ông sẽ thấy ngổn ngang bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đứng, ngồi, nằm, không chỉ trong phòng bệnh mà còn cả ngoài hành lang. Biết đâu, ông lại có cơ hội nghe bài ca "5 anh em trên một chiếc... giường bệnh".

Rồi nếu đi vào thế giới các cơ quan thủ tục hành chính, ông sẽ thấy cơ man là các "cửa". Một người ngoại quốc như ông sa vào đó, thì dù với một bộ óc công nghệ vĩ đại, cũng sẽ vẫn có nguy cơ lạc trong "ma trận" giấy tờ, thủ tục.

Và liệu Bill Gates có biết, không chỉ dây điện, giá điện ở Việt Nam cũng là một hệ thống vô cùng phức tạp. Đến nỗi, thỉnh thoảng giá tăng, người dân cũng không lý giải nổi, còn các nhà quản lý thì đã thôi không còn muốn giải thích.

V.v,...

2. Trong khi vị tỷ phú ngoại quốc gây xôn xao với ảnh cột điện Việt Nam, thì nơi đây lại đang ồn ào về sự xuất hiện của một anh chàng ngoại quốc.

Tên của chàng không mấy quan trọng. Chỉ biết rằng chàng được mệnh danh là "bị trục xuất vì quá đẹp trai" và đẹp trai cũng là tất cả lý do để chàng được mời (hay "mua" như từ một bài báo sử dụng). Chàng đã đến trong vòng tay chào đón rộng mở, dù không nồng nhiệt như mong đợi của nhà tổ chức.

Chàng sẽ tham dự một chương trình gọi là đêm "Kết nối ước mơ", cùng tham gia còn có 3 trai đẹp khác nữa. Trong một nỗ lực nghiêm túc nhằm tìm kiếm xem chương trình đó là gì, người viết đã mất kiên nhẫn với kết quả tìm kiếm thứ mấy chục trên cỗ máy Google. Cuối cùng đành hiểu rằng nó đại khái là kết nối... trai xinh gái đẹp.

"Mục đích chính của chúng tôi là muốn mang cảm xúc mới đến cho khán giả của mình. Đây là sự giao lưu, kết nối giữa các nhân vật được các bạn trẻ trên thế giới quan tâm với các bạn trẻ Việt Nam", kết quả tìm kiếm cũng cho ra phát biểu của đại diện nhà tổ chức như thế.

Rồi hình như còn mục đích quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới cũng đặt lên vai chàng.

Ồ, sẽ quảng bá cái gì? Rằng đây là xứ sở rất thân thiện, mà chỉ cần đẹp trai, xinh gái bạn sẽ được chào đón trọng vọng như những ngôi sao hàng đầu? Rằng đây là thiên đường của vô thiên lủng hot girl, hot boy. Rằng ở đây có những cô gái đi lên bằng... vòng 1 của chính mình?

{keywords}
"Trai đẹp bị trục xuất" tại sân bay. Ảnh: Tri thức

Sau những màn hôn ghế, ngất xỉu vì thần tượng Hàn, vụ ồn ào vì trai đẹp này càng củng cố thêm thành kiến về sự trống rỗng, nghèo nàn trong đời sống tinh thần của giới trẻ. Quả là một thời vắng bóng những thần tượng đích thực!

Tuy nhiên, nói đi cũng cần nói lại đôi chút. Cứ giả sử bây giờ cần chỉ ra cho giới trẻ cần thần tượng ai, liệu có dễ dàng?

Thần tượng những tấm gương dám dũng cảm đương đầu đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, bất cập...? Để nhận về sự tôn vinh vật chất tương đương khoảng 10 bát phở kèm vô số nguy cơ bị trù dập, tương lai bất ổn?

Thần tượng những doanh nhân thành đạt? Song e rằng ở VN, nhắc đến doanh nhân, liên tưởng đầu tiên của chúng ta sẽ là các "đại gia", được hình dung như những trọc phú giàu nổi vung tiền sắm siêu xe, mua giường tiền tỷ... Chưa kể con đường thành đạt của các doanh nhân Việt vẫn thường được coi là "bí mật" thay vì bí quyết.

Thần tượng những lương y hết lòng vì bệnh nhân, vì mục đích cứu người? Thực trạng y đức xuống cấp, phong bì lót tay... giờ đây dường như đang khiến những tấm gương như thế bị che lấp.

Trở thành những công chức, cán bộ vì dân phục vụ? Cách đây vài hôm một vị lãnh đạo nhà nước phải buồn bã chia sẻ: "Càng đi nhiều càng buồn. Người ta ăn của dân không từ một cái gì". "Cái gì" ở đây bao gồm từ tiền thương binh liệt sĩ, đến tiền của trẻ em vùng cao, tiền dành cho người nghèo... Vậy mà trong số những người vẫn quen "ăn" đó, bao nhiêu người vẫn hàng ngày ra rả lời lẽ về đạo đức, về nêu gương?

Giữa một thời đoạn mọi giá trị lẫn lộn, thông tin nhiễu loạn, đến người lớn còn thấy hoang mang để phân biệt đúng sai, thật giả, tốt xấu... thì sự trống rỗng của giới trẻ liệu có khó hiểu?

Ngẫm đi ngẫm lại càng thấy, đâu chỉ mạng dây điện ở VN rối răm, nhằng nhịt như tơ vò...

Hải Tâm

Bài cùng tác giả:

‘Vòng đối đầu’ khắc nghiệt của người rừng

Ánh mắt e dè, hoảng sợ của người con trai lớn lên trong rừng từ khi 2 tuổi khiến chúng ta liên tưởng vô vàn trở ngại anh sẽ gặp trong “vòng đối đầu” ở môi trường mới.

Tuyển sinh ngành y cần thi... y đức

 Nên chăng, các trường, khối ngành Y dược khi tiến hành thi đầu vào còn cần thi cả y đức?

Sân chơi trẻ con, luật chơi người lớn

Khi bắt đầu bước vào “sàn đấu” có nghĩa các em sẽ phải tuân theo những quy tắc “già” trước tuổi, để các em giữ nguyên sự hồn nhiên, trong trẻo là khó tưởng.