Về Sín Thầu những ngày sương giá cuối đông 2012, đi trên cầu mới Tả Kố Khừ bắc ngang dòng Mo Phí, thấy ở đây đã có đường, có thông thương, cuộc sống của bà con người Hà Nhì nơi ngã ba biên giới này đã được cải thiện.

Pờ Dần Xinh dẫn tôi đi thăm Tả Kố Khừ. Bản trù phú với những căn nhà gỗ lợp ngói mới đỏ tươi, ẩn hiện mờ ảo giữa làn khói bếp pha với sương mù lễnh loãng trong ráng chiều chạng vạng. Ánh nắng cuối ngày ở nơi vùng cao cực tây của Tổ quốc bừng lên rồi vụt tắt. Ánh mặt trời vẫn còn rực lên trên dòng Mo Phí hiền hòa ôm lấy bản, thoáng đã biến mất sau đỉnh A Nhù Hồ cao lẫn vào mây. "Ở chính nơi này, chỉ cách đây có vài năm lẻ, cuộc sống bà con vẫn còn khó khăn. Mà khó khăn vô kể...".

Pờ Dần Xinh, người Hà Nhì gốc sinh sống ở xã cực tây biên giới Sín Thầu. Vậy nên việc ông quen tới từng gốc cây, phiến đá nơi ngã ba biên giới tiếp giáp Lào và Trung Quốc cũng chẳng có gì lạ. Ông kể "Những năm 1952-1953 của thế kỷ trước, bộ đội đã có mặt ở vùng đất xa xôi này. Họ là những người thực hiện chiến dịch 800 đánh tướng Vàng Chung, người của vua phỉ Vàng Pao cùng với 800 quân phỉ phải bỏ đây mà chạy qua bên kia biên giới...".

Hồi ấy, người Hà Nhì vẫn nay đây mai đó kiếm ăn. Cây măng mọc khắp rừng, con cá đầy dưới suối. Người Hà Nhì cứ  dắt díu nhau đi. Đất tốt, họ dựng lán ở tạm. Đất không còn làm cho cây ngô ra bắp lớn, cây lúa không trổ đều bông, họ lại đi đến những vùng đất xa lập nên bản mới.

Người Hà Nhì khi ấy chẳng muốn hạ sơn. Họ ở mãi trên cao, nơi lưng chừng núi với nắng vàng và sương lạnh. "Xuống dưới chân núi, muỗi lắm, vắt nhiều mà thuốc men không có. Con ngựa thồ hàng, chở vũ khí cho bộ đội, đi xuống vùng thấp lâu, về còn ốm chết. Con người xuống suối toàn bị sốt rét nó hành, chữa bệnh bằng con giun đất, nước giải của con lợn sề... uống còn chả đỡ. Vậy nên chẳng ai có ý định hạ sơn".

Thiếu nữ bản Tả Kố Khừ

Năm 1958 -1959, Bộ đội Cụ Hồ  sau khi giải phóng Điện Biên mới cắt núi, băng rừng quay về vùng đất này để giúp bà con định cư lập bản. Ông cụ Pờ Pố Chừ (bố Pờ Dần Xinh) cùng với 19 hộ dân từ Tả Ló San kéo nhau xuống Sen Thượng, xa gần 20 cây số. Tại đó, cán bộ của Đồn Biên phòng 405 cùng với Phó Chủ tịch UBND xã Sen Thượng Lý Nhù Xá, Bí thư xã Giàng Pế Lòng băng rừng cắt núi đi khảo sát vùng đất mới giúp bà con. Họ đến Tả Kố Khừ (theo tiếng của người Hà Nhì nghĩa là vùng đất rộng nằm ở ngã ba) và quyết định thành lập bản. Tả Kố Khừ do dân của hai bản Phu Bì (hang đá) và Tả Ló San (vùng đất cao và lạnh) mà thành.

Năm 1970, Tả Kố Khừ chưa có  chữ. Người anh cả của Pờ Dần Xinh khi ấy là Pờ Xi Tài quyết định cho người anh thứ hai là Pờ Gia Tự đưa cậu em út của mình ra Mường Tè học chữ. Khi đi anh dặn "xã này, địa phương này rất cần chữ viết, ở đây, người mới học hết lớp 2, lớp 3 đã phải về để làm cán bộ. Quê mình rất cần người có trình độ. Các anh già rồi không đi học được nữa. Chú phải đi học, về còn xây dựng quê hương".

Đoàn đi ra Mường Tè (tỉnh Lai Châu) có bốn người. Anh thứ hai Pờ Gia Tự, anh Á Sinh và cậu Ló San. Họ dắt theo hai con ngựa để thồ hàng. Cắt rừng, lội suối, vượt núi mà đi. Tính cả đoạn đường rừng hồi đó chừng 150 cây số. Pờ Dần Xinh bé nhất, chỉ phải đeo ba-lô "quân tư trang" của bản thân.

Đi đường khó khăn. Đoạn nào thẳng, đoàn đi một ngày được 40 km. Đoạn nào mắc hủm (hố sâu), phải chặt cây bắc cầu cho ngựa đi qua. Cả ngày đi hơn chục km. Qua sông Đà đoạn Pắc Ma, Pha Khinh chỗ gần đến bản Pô Lếch thì người được lên thuyền, ngựa cứ thế bơi bên cạnh. Đến đoạn rừng rậm, cả đoàn vừa đi vừa lấy hai thanh nứa mà gõ vào nhau, hoặc chặt khúc cây vót thành sáo thổi vang để tránh bị voi, beo, hổ, gấu rình rập. Đoạn lên dốc Mã Ký, Pờ Dần Xinh bám đuôi hai con ngựa thồ vừa đi, vừa khóc. Anh Gia Tự phải dỗ "ra Mường Tè anh mua kẹo bánh cho ăn". Cậu bé Xinh mới thôi khóc mà đi tiếp.

Kể từ ngày đó, mãi đến bảy năm sau Pờ Dần Xinh mới có dịp về thăm nhà. Phần vì đường sá không có, xa xôi cách trở, đi lại cực kỳ khó khăn. Phần nữa, muốn về cũng chẳng có ai để đi cùng cho bớt phần nguy hiểm.

Học được vài ba năm, 37 người cùng đi hồi ấy bỏ học dần. Hết cấp ba, chỉ còn mỗi Pờ Dần Xinh theo học tại trường nội trú của Mường Tè. Học xong, có cơ hội ở lại công tác tại Viện kiểm sát nhân dân ngoài huyện, nhớ lời anh Xi Tài và anh Gia Tự dặn ngày còn đi học. Xinh lại quay về xã để nhận công tác.

Những năm 1998-1999, Sín Thầu còn nhiều người nghiện thuốc phiện. "Người mắc nghiện khổ sở lắm.  Ở gia đình người nghiện, con không thấy cha, vợ chẳng thấy chồng. Cứ tối đến là chồng nghiện, con nghiện lại trộm gạo, trộm gà đem bán rồi đốt hết với nàng tiên nâu. Đến bản có nhiều người nghiện, chỉ thấy tiếng khóc, không có tiếng cười". Thực hiện chủ trương của huyện (khi ấy là huyện Mường Tè, Lai Châu), Chủ tịch xã Pờ Dần Xinh cùng với cán bộ xã đưa 107 người xuống huyện để cai nghiện. Đi về bằng... chân mất 10 ngày, cai tập trung một tuần, hầu hết người đi hồi đó về đều... tái nghiện. Chẳng đành lòng, Pờ Dần Xinh cùng với cán bộ Đồn Biên phòng 405 ra xin thuốc ở huyện rồi đưa người nghiện về cai tại đồn.

Hằng ngày, bên cạnh việc phát thuốc  điều trị cho người mắc nghiện, tất cả những người nghiện có độ tuổi dưới 35 đều được huy động sức lực giúp đỡ bà con chuyển nhà từ vùng thấp lên lập lại bản Tả Ló San. Được điều trị tích cực, lại được vận động thường xuyên nên nhiều người đã bỏ được nàng tiên nâu, quay về "hùng hục làm ăn, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều" - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Sín Thầu Mạ Gió Tư, một trong số những người được cai nghiện hồi đó kể.

Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Trần Tuấn Anh không giấu sự nể phục khi nói về Sín Thầu: "Xã Sín Thầu hiện ngày một đổi thay, vừa rồi, tôi lên đấy ăn Tết Hồ Sự Chà của bà con người Hà Nhì trên đó thì thấy, nhà nhà đều có gà, có lợn để mổ, có bánh trái đầy mâm. Các cháu mặc quần áo tươm tất, sạch sẽ. Không khí đón Tết của bà con trong xã vui hơn...

Tôi gặp Pờ Hùng Sang, con trai của Bí thư, Chủ tịch xã Sín Thầu khi cậu là sinh viên Khoa Báo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Sang chắc và nhanh như con gấu ở trong rừng. Tôi hỏi "học xong, em có định về quê không?".

Sang trả lời ngay. "Học xong em về quê thôi, được đi học rồi, phải về xây dựng quê hương chứ".

Năm 2009, Sang tốt nghiệp, về nhận công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Nhé. Tết Hồ Sự Chà 2012, cậu điện cho tôi giọng bồi hồi lắm "Em được anh em tín nhiệm bầu làm Bí thư huyện đoàn Mường Nhé. Công việc mới rất bận. Mong anh hôm nào rảnh lên đây thăm ngã ba biên giới. Đường ô-tô đã đến tận Sín Thầu nhà em rồi".

Về Sín Thầu những ngày sương giá  cuối đông 2012, đi trên cầu mới Tả Kố Khừ bắc ngang dòng Mo Phí, thấy ở đây đã có đường, có thông thương, cuộc sống của bà con người Hà Nhì nơi ngã ba biên giới này đã được cải thiện. Và với nhiệt huyết của những cán bộ người Hà Nhì, với niềm tin và lòng quyết tâm xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn, văn minh hơn của chính quyền cơ sở và người dân nơi này, tin rằng xã cực tây của Tổ quốc sẽ sớm thoát nghèo.

Theo Mai Tâm Hiếu/ Thời nay số Xuân Quý Tỵ