Tiền tệ, múi giờ, quốc kỳ, nguồn nước, tàu thuyền… Đây chỉ là số ít trong hàng loạt vấn đề khi một khu vực ra khỏi một quốc gia, sáp nhập với nước khác.
Vấn đề đau đầu nhất mà giới lãnh đạo Crưm hiện phải đối mặt là địa lý: Crưm
không có biên giới đất liền với Nga. Phần gần nhất là một bến phà lộng gió ở góc
phía đông bắc xa xôi của Crưm, nối Kerch với đại lục Nga. Thị trưởng thị trấn
này cho biết, một cây cầu sẽ được xây dựng bắc qua eo biển Kerch rộng 4,5km nối
với Nga theo đúng cam kết của Thủ tướng Dmitri Medvedev. Nhưng đó là dự án kéo
dài nhiều năm.
Ngoài ra, còn rất nhiều thách thức khác.
Quân sự
Còn hàng nghìn binh lính Ukraina đóng tại Crưm, đây cũng là nhà của rất nhiều
người trong số họ. Số phận của họ giờ đây vẫn chưa rõ ràng. Chính quyền Crưm nói
rằng, họ có thể vẫn tiếp tục phụng sự nếu thề trung thành với Crưm hoặc ra đi.
Những người muốn “trở về” với Ukraina sẽ được đảm bảo đi lại an toàn nhưng không
được mang theo vũ khí.
Người Crưm cầm cờ Nga chào mừng phía trước toà nhà quốc hội ở Simferopol.
Ảnh: CNN
Trong khi đó, chính phủ tạm quyền Ukraina tiếp tục nhấn mạnh các căn cứ trên
không được sơ tán. Phó thủ tướng tạm quyền Ukraina Vitaliy Yarema hôm thứ hai
tuyên bố “nếu nhà cầm quyền Crưm cố bắt buộc binh lính Ukraina rời đi, thì nước
này có quyền sử dụng vũ lực”.
Chính quyền Crưm nói rằng, họ có ý tiếp quản các tàu hải quân Ukraina hiện ở
vùng biển Crưm. Một số tàu đã bị phong toả. Nói chung hải quân Ukraina không có
nhiều tài sản. Thực tế là trong tháng này, họ cũng thừa nhận chỉ có 4 tàu hải
quân sẵn sàng chiến đấu.
Tiền tệ
Gần đây, các máy ATM tại Crưm vẫn sử dụng tiền Ukraina. Đồng rúp ít được sử dụng,
người đổi tiền thì thích đồng đô la hoặc euro hơn.
Crưm có kế hoạch thiết lập ngân hàng trung ương riêng, liên kết chặt chẽ với Nga,
và thông qua việc sử dụng đồng rúp làm loại tiền tệ chính thức vào tháng 4.
Trong thực tế, một số ngân hàng tại Crưm sẽ giao dịch bằng đồng rúp, một số khác
sử dụng tiền Ukraina. Lãnh đạo Crưm Sergei Aksyonov cho hay, ông hy vọng Crưm sẽ
sử dụng hai loại tiền tệ trong một thời gian. Hôm thứ hai, quốc hội Crưm đã bỏ
phiếu cho phép đồng tiền Ukraina sẽ tiếp tục là tiền tệ chính thức cho tới 2016.
Thứ trưởng Tài chính Nga Sergei Shatalov đã đưa ra ý tưởng về một hệ thống thuế
đặc biệt giúp Crưm thích nghi với các quy định, điều luật thuế của Nga. Nhưng
Crưm cũng sẽ cần nguồn tiền mặt của Nga đặc biệt nếu lệnh cấm vận phương Tây
được mở rộng và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong khu vực.
Trong quá khứ, khu vực này được nhận khoản trợ cấp lớn từ chính phủ Ukraina khi
là một trong những vùng nghèo nhất nước. Mức lương trung bình tại Crưm là 240
USD/tháng - thấp hơn nhiều so với Nga. Theo các nhà phân tích, Nga có thể phải
bơm từ 1-3 tỉ USD mỗi năm vào ngân khố của Crưm nếu khoản lương hưu và các phúc
lợi khác gia tăng theo mức của Nga.
Nước và điện
Khoảng 80-90% nước của Crưm đến từ Ukraina. Có một con kênh mang nguồn cung cấp
nước từ sông Dnieper đi qua eo Perekop tới bán đảo Crưm. Với mùa hè nóng, khô và
lượng mưa thấp, Crưm cần nước để tưới tiêu đất và sinh hoạt. Ukraina tuyên bố
không có ý định cắt nguồn cung nước, có lẽ vì họ phụ thuộc vào nguồn khí tự
nhiên của Nga.
Nga có thể xây dựng hệ thống dẫn nước qua eo biển Kerch vào Crưm, sử dụng nước
từ sông Kuban, nhưng đây sẽ là một dự án dài hạn và đắt đỏ.
2/3 nguồn khí đốt của bán đảo đến từ nhà cung cấp Chernomorneftegaz của Ukraina.
Các nhà máy nhiệt điện của Crưm chỉ đảm bảo cho 1/10 nhu cầu điện. Phần còn lại
trông chờ vào Ukraina. Nếu Nga phải cung cấp cho Crưm phần lớn nhu cầu điện sử
dụng, hệ thống ống dẫn, đường điện cũng lại phải xây dựng
Nguồn năng lượng
Hôm thứ hai, quốc hội Crưm đã thông qua nghị quyết tịch thu các tài sản tại Crưm
của hai nhà sản xuất năng lượng Ukraina. Một trong số đó là tập đoàn nhà nước
Chernomorneftegaz đang có các giàn khoan ở ngoài khơi bờ biển phía tây Crưm và
trong vùng biển Azov.
Nghị quyết khẳng định việc tiếp quản sẽ bao gồm quyền sở hữu “thềm lục địa và
vùng đặc quyền kinh tế” của khu vực". Điều này là một vấn đề. Trong khi biên
giới đất liền tương đối dễ hình dung, thì tranh chấp biên giới hàng hải lại
không như vậy.
Biển Đen và biển Azov ước tính có gần 60 nghìn tỉ mét khối khí. Một số mỏ ngoài
khơi đang được khai thác gần với cả Crưm và Ukraina. Đây có thể là một điểm nóng
khi khủng hoảng leo thang.
Hôm thứ ba, Bộ trưởng Tư pháp
Ukraina Pavlo Petrenko, mô tả nỗ lực tịch thu các tài sản là “hành động trộm
cướp”. Cuộc khủng hoảng còn cản trở các tập đoàn dầu khí phương Tây đầu tư khai
thác.
Thực phẩm
Đi vào một siêu thị ở Simferopol sẽ dễ dàng nhận thấy phần lớn thực phẩm và hàng
hoá tiêu dùng gia dụng đều đến từ/hoặc qua Ukraina. Động cơ lợi nhuận và nhu cầu
tiêu dùng có thể đủ để đảm bảo dòng chảy này tiếp tục, nhưng còn phụ thuộc rất
nhiều vào việc vẽ lại đường biên.
Cơ sở hạ tầng của cảng Sevastopol xuống cấp, cần nhanh chóng hiện đại hoá nhưng
kế hoạch đầu tư 10 tỉ USD do một nhà tài phiệt Trung Quốc đề xuất có thể bị gián
đoạn bởi những rối loạn hoặc lệnh cấm vận gần đây.
Còn tương lai?
Đã có sự phân chia một cách trật tự trong quá khứ, nổi bật nhất là của Cộng hoà
Séc và Slovakia năm 1993 (mệnh danh là Cuộc ly dị Nhung). Nhưng nó được chuẩn bị
cẩn thận và có sự chỉ dẫn của các chuyên gia quốc tế. Sự chia cắt của Crưm khỏi
Ukraina bất ngờ hơn. Để tích hợp mọi thứ, Nga sẽ mất nhiều thời gian, tiền của
và công sức hơn.
Thái An (theo CNN)