Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông bị xử phạt nặng. Ảnh minh họa: Internet |
Thông tin trên được Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trực tuyến về xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn do Báo điện tử VnExpress tổ chức chiều nay, 7/1/2019.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quang Nhật, trong 6 ngày, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt hơn 23 tỷ đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe. Ông Nhật cũng cho biết riêng xử lý vi phạm nồng độ độ cồn là 2.673 trường hợp.
Cũng theo chia sẻ của đại diện Cục CSGT: Riêng đối với xử phạt nồng độ cồn, CSGT ở Việt Nam kiểm soát tiệm cận với các nước trên thế giới, chúng ta kiểm soát từ định tính đối với phương tiện đi qua, tách dòng để phát hiện nồng độ cồn.
Các máy đo đang sử dụng là các máy được nhập khẩu, từ Đức, Australia, theo đúng quy định nghị định 165 của Chính phủ, nó thỏa mãn tiêu chuẩn chất lượng, được cấp kiểm định. Máy đo nhập từ nhiều nguồn khác nhau, được dán tem kiểm định. Dù máy có kiểu dáng thế nào song đều đảm bảo về pháp lý, là căn cứ xử phạt nồng độ cồn.
Trả lời câu hỏi về trường hợp có nồng độ cồn trong khí thở khi uống siro ho, hoặc ăn hoa quả của độc giả, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cũng cho biết: Từ khi nghị định 100 ra đời, có nhiều người thắc mắc về tình huống này. Thực tế, máy đã cấp cho các địa phương thì sẽ đạt kiểm định và có thể phát hiện được tài xế có chất ethanol hay không. Khi ethanol trong cơ thể ở ngưỡng nào đó sẽ tác động tới hệ thần kinh người, có thể dẫn tới tai nạn giao thông.
Điều này có thể gây hoang mang và tranh cãi vì nhiều người sợ ăn vải bị phạt, nhưng để xử lý vi phạm, ngoài lập biên bản chúng tôi sẽ mời người vi phạm về trụ sở để làm rõ. Với những người có phản hồi lại, chúng tôi sẽ nhờ những lực lượng chuyên môn khác để làm rõ và chứng minh. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, với tinh thần trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông. Hiện, 84 người bị xử lý trong đợt ra quân vừa qua, biên bản đều thể hiện rất rõ. Có 14 trường hợp bị phạt kịch khung vì nồng độ cồn cao. Như vậy, chưa có trường hợp nào khiếu nại việc bị phạt vì uống siro, ông Long cho biết.
Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hànhNghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46, tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn kể cả xe máy và xe đạp. Cụ thể, tăng mức phạt tối đa với người đi ô tô có nồng độ cồn lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Nghị định 46 chỉ quy định phạt đến 16 – 18 triệu đồng, tước quyền dùng giấy phép lái xe 4 - 6 tháng)…
Nghị định cũng ra quy định mới về xử phạt đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/ 1l khí thở bị phạt tước Bằng từ 10 - 12 tháng và phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng (trước đây không bị phạt tiền, không bị tước bằng)…
Nghị định bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ. Theo đó, người điều khiển xe thô sơ có thể bị phạt từ 400.000-600.000 đồng.