Bán xoài để mua thuốc, trả tiền xe

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip cụ bà khoảng 80 tuổi đến TP.HCM khám bệnh với hành trang là 15 quả xoài khiến nhiều người xúc động. Được biết, cụ bà sống tại tỉnh Bến Tre.

Trước đây, bà từng có thời gian điều trị bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy (Quận 5, TP.HCM). Sau khi bệnh tình thuyên giảm, cụ bà trở về quê nhưng vẫn phải thường xuyên trở lại bệnh viện tái khám.

Trong lần tái khám vào ngày 3/3, bà lặn lội bắt xe từ quê nhà lên TP.HCM từ sáng sớm. Hành trang bà mang theo trong lần đi khám bệnh này chỉ vỏn vẹn 15 trái xoài.

Sau khi thăm khám, cụ bà giở giỏ xách bằng vải bạt lấy số trái cây mang theo ra ngồi bán trên vỉa hè để có tiền mua thuốc, trả tiền xe về quê. Biết sự việc, một cô gái đã đến thăm hỏi, động viên và mua hết số trái cây trên.

{keywords}
Sau khi khám bệnh, cụ bà bày 15 trái xoài đem từ quê lên ra vỉa hè để bán lấy tiền mua thuốc, trả tiền xe. (Ảnh cắt từ clip).

Đoạn clip ghi lại hình ảnh cụ bà có gương mặt khắc khổ luôn miệng cám ơn, thậm chí “bắn” tiếng Anh với cô gái đã mua hết số trái cây của mình nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng.

Người xem không chỉ xúc động trước sự sẻ chia của cô gái mà còn cảm thấy ấm áp, yêu đời trước tinh thần lạc quan đến từ nụ cười hóm hỉnh của cụ bà. Ngay sau đó, đoạn clip đã được cộng đồng mạng chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ.

Được biết, người quay đoạn clip xúc động trên là chị Nguyễn Thị Phượng (SN 1994, TP.HCM), một “hot girl” thường xuyên hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn trên đường phố TP.HCM.

Sáng 3/3, trong lúc khám bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy, Phượng vô tình nhìn thấy cụ bà ngồi bán mấy trái xoài.

{keywords}
Cụ bà vui mừng khi được cô gái mua hết số xoài mang theo. (Ảnh cắt từ clip).

Tò mò, cô gái đến hỏi thăm thì được biết, bà bán xoài để có tiền mua thuốc, tiền xe về quê. Chị Phượng kể: “Những người xung quanh, bảo vệ bệnh viện kể, bà ngồi bán xoài từ sáng đến lúc tôi gặp nhưng không ai mua. Sáng, bà còn bị té giữa đường nữa”.

“Tôi đến hỏi thăm thì bà nói là bà mang theo 15 trái xoài từ quê lên để bán lấy tiền mua thêm thuốc, trả tiền xe về quê. Mong muốn bà sớm có tiền mua thuốc, về quê, tôi mua hết xoài và hỗ trợ bà một ít tiền”, cô gái chia sẻ thêm.

Cảm động trước lòng tốt của cô gái mới quen, cụ bà cẩn thận gói từng trái xoài vào giấy báo rồi luôn miệng cám ơn. Thậm chí, bà còn đùa bằng cách hỏi Phượng "có phải là người từ nước ngoài về hay không mà hào phóng quá".

{keywords}
Trước khi ra về, cụ bà chúc cô gái bằng những câu tiếng Anh khiến mọi người xung quanh bất ngờ, thích thú. (Ảnh cắt từ clip).

Sau đó, cụ bà chúc cô gái bằng một loạt câu tiếng Anh cùng những nụ cười đầy lạc quan.

“Bà nói tiếng Anh dễ thương và vui lắm. Tôi biết là bà đùa tôi thôi vì bà biết tôi cũng vừa khám bệnh xong, người đang mệt. Thế nên, bà cố tình đùa tôi bằng những câu tiếng Anh để tôi vui”, Phượng chia sẻ.

Hi vọng lòng tốt không bị chai sạn

Cô gái xinh đẹp, có nụ cười tỏa nắng sinh năm 1994 này không xa lạ gì với những hoàn cảnh khó khăn trên đường phố TP.HCM. Nhiều năm qua, Phượng âm thầm hỗ trợ những người tàn tật, không nơi nương tựa trên địa bàn thành phố.

Mỗi ngày, sau giờ làm, cô gái thường một mình rong ruổi trên các tuyến đường trong thành phố. Tại đây, Phượng gặp rất nhiều mảnh đời khó khăn, cần được giúp đỡ.

Phượng chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, tôi chỉ mong ước lớn lên sẽ là người giàu có, thành đạt. Sau này, khi trải qua mọi chuyện, tôi chỉ mong muốn được là người sống bình yên. Vì chẳng thể bù đắp được cho những người thân nên tôi chọn cách sống cho đi”.

{keywords}
Đối với nhiều cảnh đời khó khăn trên đường phố TP.HCM, cô gái được biết đến như hot girl thích làm thiện nguyện lặng thầm.

“Sinh ra trong gia đình nông thôn chân chất, mỗi khi thấy những hoàn cảnh khó khăn, tôi thấy được hình ảnh của cha mẹ mình. Thế nên, khi gặp ai khó khăn, tôi đều cố gắng giúp đỡ. Nếu vượt quá khả năng, tôi sẽ lan tỏa, nhờ mọi người chung tay”, cô gái tâm sự thêm.

Suốt những năm tháng rong ruổi, giúp đỡ người nghèo, Phượng gặp gỡ rất nhiều mảnh đời đáng thương. Thế nhưng cô gái ấn tượng xót xa hơn cả trước tình cảnh các em bé phải theo bà, theo mẹ đi nhặt ve chai ở bãi rác.

Trong những lần gặp gỡ ấy, Phượng thường lặng lẽ chia sẻ nỗi khó khăn, cực nhọc của họ. Trước khi chào tạm biệt ra về, cô không quên động viên họ cố gắng vững tin, vươn lên trong cuộc sống.

{keywords}
Phượng thường rong ruổi, hỗ trợ những người vất vả mưu sinh trên đường phố.

Những tháng ngày TP.HCM bắt đầu gồng mình chống dịch, khu phong tỏa, cách ly mọc lên khắp nơi. Không thể một mình giúp đỡ bà con khó khăn, Phượng kêu gọi bạn bè, hội nhóm thiện nguyện quyên góp quà, thực phẩm rồi chở đi phát cho người cần.

“Thời điểm ấy, tôi và các bạn chung tay hỗ trợ khu phong tỏa, cách ly. Chúng tôi chia nhau, tỏa đi các nơi phát thực phẩm. Lúc ấy cứ đi thôi, tôi cũng không nghĩ đến việc mình nhiễm bệnh. Chỗ nào cần, kêu cứu là chúng tôi chở đến. Giờ nghĩ lại tôi mới thấy sợ”, cô gái tâm sự.

Khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, Phượng lại đi làm và tiếp tục hành trình thầm lặng hỗ trợ người khó khăn. Mỗi lần giúp đỡ hoàn cảnh nào đó, cô đều ghi lại hình ảnh, clip để làm kỷ niệm.

{keywords}
Cô gái trong những lần đi hỗ trợ, phát thực phẩm cho khu phong tỏa cách ly thời điểm TP.HCM chống dịch Covid-19.

Thế rồi nhiều “kỷ niệm” của cô khiến cộng đồng mạng xúc động, lan tỏa chia sẻ rộng rãi. Clip về cụ bà bán xoài để mua thuốc là một trong những “kỷ niệm” như thế.

Phượng nói: “Như mọi clip khác, clip về cụ bà bán xoài, tôi đăng lên mạng xã hội cũng chỉ để làm kỷ niệm. Tôi cũng không ngờ câu chuyện lại được mọi người đón nhận, chia sẻ như vậy”.

“Tôi luôn mong những điều tích cực sẽ được lan tỏa trong cộng đồng và hi vọng lòng tốt sẽ không bị chai sạn trong xã hội ngày nay. Nếu được thì hãy cứ cho đi và như thế, tình người sẽ còn mãi”, cô gái chia sẻ thêm.

Bài: Hà Nguyễn

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông lão vá xe đêm xúc động vì lần đầu được người dưng tặng áo, cho tiền

Ông lão vá xe đêm xúc động vì lần đầu được người dưng tặng áo, cho tiền

Nhận chiếc áo ấm cùng số tiền nhỏ từ nhóm bạn trẻ, ông lão vá xe đêm rưng rưng xúc động. Sống cơ cực đến gần hết đời người, đây là lần đầu tiên ông được người dưng tặng áo, cho tiền.