Cách đây khoảng 1 tuần, ông Lê Văn Tám, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Linh đã làm việc với một đơn vị may mặc ở Tây Ninh. Nhà máy này có công suất rất lớn với hàng ngàn lao động, nhưng cũng đứng trước áp lực khi đưa sản phẩm may mặc vào thị trường châu Âu. Bởi, thị trường này yêu cầu phải sử dụng năng lượng sạch, trong khi nhà máy đang dùng than đốt hơi. 

"Điều này cho thấy, sử dụng khí LNG là lựa chọn phù hợp với cam kết của quốc gia tại COP28, giúp doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta đáp ứng yêu cầu sử dụng năng lượng xanh của nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, sử dụng LNG làm điện khí cũng sẽ giải quyết tình trạng thiếu điện, đồng thời góp phần giảm phát thải CO2, bảo vệ môi trường", ông Lê Văn Tám cho hay.

Câu chuyện trên được ông Tám chia sẻ tại một sự kiện ngày 7/3. Đó là việc AG&P LNG - công ty hàng đầu về kho cảng và cơ sở hạ tầng LNG hạ nguồn (một công ty con của tập đoàn Nebula Energy), thông báo đã mua 49% cổ phần kho cảng LNG Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kho cảng LNG Cái Mép do Công ty TNHH Hải Linh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn tại Việt Nam làm chủ đầu tư, đã hoàn thiện xong phần đầu tư xây dựng, sẵn sàng đưa vào chạy thử và vận hành thương mại vào tháng 9 năm nay.

Thị trường mới đầy tiềm năng

LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến âm 162 độ C sau khi đã loại bỏ các tạp chất. LNG có thành phần chủ yếu là methane, khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ. Điều này khiến LNG trở thành nhiên liệu sạch nhất so với các loại nhiên liệu truyền thống.

Ở các quốc gia khác, LNG được sử dụng cách đây vài chục năm. Còn tại Việt Nam, theo ông Sam Abdalla - Giám đốc điều hành Nebula Energy kiêm Phó Chủ tịch AG&P LNG, khí LNG là điều rất mới mẻ. 

“Chúng tôi hết sức coi trọng khi là đơn vị đầu tiên đưa LNG vào Việt Nam. Chúng tôi đánh giá cao và trân trọng cơ hội hợp tác với Công ty TNHH Hải Linh, đồng thời hân hạnh được đóng góp vào tiến trình xanh, chuyển đổi xanh của Việt Nam”, ông Sam Abdalla chia sẻ khi nói về thương vụ hợp tác này.

Ước tính giá trị đầu tư của kho cảng Cái Mép là 500 triệu USD, AG&P LNG hiện nắm 49% cổ phần.

kho cang LNG.png
AG&P LNG mua 49% cổ phần kho cảnh LNG Cái Mép mở ra chương mới cho chuyển dịch năng lượng sạch ở nước ta.

Đề cập đến thị trường năng lượng sạch Việt Nam, ông Karthik Sathyamoorthy - Giám đốc điều hành AG&P LNG, nhìn nhận, so với quy mô thị trường hiện tại và phát triển trong tương lai thì thấy tiềm năng còn rất lớn. 

“Cộng 2 kho cảng hiện nay thì còn rất nhỏ so với nhu cầu thị trường. Trước mắt, trong 4-5 năm tới chưa chắc đã có kho cảng nào”, ông nói và nhấn mạnh, Việt Nam có mục tiêu rất nghiêm túc về chuyển đổi sang năng lượng sạch. Chính phủ đã ban hành quy hoạch năng lượng đến năm 2030 với ước tính khí thiên nhiên hoá lỏng là 10-15 triệu tấn/năm.

Trong nhu cầu dự kiến này, AG&P LNG mong muốn đóng góp được 5 triệu tấn, bắt đầu bằng việc hợp tác với Công ty TNHH Hải Linh, sau đó sẽ cung cấp cho các nhà máy điện khác của Việt Nam. Nếu có thể sẽ cùng Hải Linh xây dựng thêm một kho cảng LNG ở miền Trung.

kho-cang-lng.jpg
Kho cảng LNG Cái Mép sẽ vận hành thương mại từ tháng 9 năm nay.

Chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn "xanh” 

Ông Lê Văn Tám, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Linh cho biết, đây là liên doanh đầu tiên giữa doanh nghiệp Việt với một đối tác nước ngoài trong thị trường LNG. Với sự hợp tác này, ông khẳng định có thể đẩy nhanh hơn quá trình khởi động, vận hành cảng và các hoạt động kho cảng LNG, cũng như phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về LNG tại Việt Nam.

Kho cảng LNG Cái Mép được kết nối qua tuyến ống với tổ hợp các nhà máy điện có quy mô lớn nhất Việt Nam, khu công nghiệp Phú Mỹ, với công suất điện khí là 3,9 GW. Cảng này có vị trí chiến lược gần Đồng bằng sông Cửu Long và có ba bể chứa trên bờ với tổng sức chứa 220.000 m3 LNG, có hệ thống giao nhận có thể nạp LNG vào bồn chứa và xuất LNG cho các tàu nhỏ hơn. 

Với 14 trạm nạp xe bồn cho CNG và LNG, kho cảng LNG Cái Mép kết nối thuận tiện với nhiều đường cao tốc để có thể cung cấp nguồn LNG đáng tin cậy cho một số khu vực trọng điểm gần đó.

Theo ông Karthik Sathyamoorthy, kho cảng LNG Cái Mép sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường an ninh năng lượng, mở ra một chương mới cho hành trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. 

Nằm ở vị trí chiến lược, kho cảng LNG Cái Mép sẽ cung cấp nguồn LNG đáng tin cậy cho nhiều nhà máy điện trong khu vực lân cận, bao gồm nhà máy điện Hiệp Phước do Công ty Hải Linh đang xây dựng, và các ngành công nghiệp tại khu vực phía Nam. Đội ngũ cán bộ AG&P LNG đã và đang làm việc chặt chẽ với đội ngũ kho cảng LNG Cái Mép để có thể đưa cảng đi vào vận hành từ quý 3 năm 2024. 

“Chúng tôi rất vinh dự được hợp tác và đưa LNG vào thị trường Việt Nam một cách nhanh chóng và an toàn”, ông chia sẻ. Song, ông cũng thừa nhận thách thức chính của các dự án điện khí LNG tại Việt Nam hiện nay là các khung pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật còn trong quá trình xây dựng và chưa đầy đủ. 

“Chúng tôi cũng coi đây như là một cơ hội, cơ hội được là những người đầu tiên trên thị trường khá mới mẻ này, được đóng góp ý kiến, tham gia vào việc xây dựng khung khổ pháp lý đối với lĩnh vực khí hóa lỏng này”, ông nhấn mạnh.

Trao đổi rõ hơn về vai trò của khí LNG, ông Lê Văn Tám cho rằng, nhu cầu sử dụng điện ở nước ta ngày càng tăng. Đến thời điểm này, điện than thế giới đã dừng đầu tư, tiềm năng xây dựng nhà máy thuỷ điện công suất lớn ở Việt Nam gần như đã hết. 

Để đáp ứng nhanh, đảm bảo vấn đề môi trường thì điện khí là phương án ưu Việt khi vừa đủ điện lại đưa đến giá thành tốt nhất cho người tiêu dùng. 

Ngoài ra, ở một số quốc gia hiện nay yêu cầu sản phẩm phải sản xuất ra từ năng lượng sạch. Các doanh nghiệp Việt đang rốt ráo chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn cũng như quy chuẩn “xanh” trên thị trường.