Hàng loạt đại gia đầu ngành tiếp tục xuất hiện, mang đến cơ hội tỷ USD cho các nhà đầu tư và cũng là cú huých đưa thị trường lên tầm cao mới.
Ngay sau khi ông lớn trong ngành truyền thông, truyền hình đầu tiên Yeah1 niêm yết với mức giá chào sàn cao kỷ lục 300.000 đồng/cp, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết sẽ đưa toàn bộ hơn 2,3 tỷ cổ phiếu POW lên niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE).
Những bữa tiệc tỷ USD chưa dừng lại và quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng bùng nổ. Việc TTCK Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market) sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian bởi quy mô và chất lượng ngày càng được cải thiện.
Ngày 26/6, PV Power - doanh nghiệp cung cấp sản lượng điện đứng thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đã tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2018 với những kế hoạch khá ấn tượng: niêm yết HOSE trong năm 2018, chia cổ tức bằng tiền mặt, đầu tư nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 bằng nguồn vốn từ lợi nhuận tích lũy và đạt lãi trước thuế 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm (sau khi đã đạt gần 1,4 ngàn tỷ trong nửa đầu năm).
PV Power hiện có 5 nhà máy điện tham gia thị trường và hoạt động hiệu quả vượt trội nhờ nhu cầu tiêu dùng điện vượt xa so với cung. Cả 2 dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 được Thủ tướng đồng ý có tổng công suất lắp đặt khoảng 1.500 MW. Nhơn Trạch 3 và 4 đều sử dụng nguồn khí nhập khẩu mà không phải là khí thiên nhiên và sẽ trở thành trung tâm phụ tải của miền Nam với 3 khu vực lớn là TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
PV Power có lợi thế về doanh thu và lợi nhuận trong tương lai khi mà thị trường điện cạnh tranh đang hình thành. Trong tương lai, khi mà tỷ lệ phát điện cạnh tranh cũng như nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao, các nhà máy cũ mới của PV Power sẽ ghi nhận nhiều nguồn lợi lớn.
Tại đại hội, lãnh đạo PV Power cho biết công ty dự kiến niêm yết cổ phiếu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong giai đoạn cuối năm 2018. Ngoài ra, công ty cũng sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 3% trong nửa cuối năm.
Trước đó, 31/1, PV Power đã đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công với việc chào bán công khai 468 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ với giá khởi điểm 14.400 đồng/cp.
Hiện tại, Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) vẫn còn nắm giữ gần 80% vốn điều lệ PV Power. PetroVietnam và PV Power sẽ tìm kiếm cổ đông quan trọng để bán vốn PV Power.
Sau cú ra mắt tỷ USD của PV Power đầu năm mới 2018, một loạt ông lớn khác cũng đã chào hàng như: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam ( VRG ); Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3).
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - doanh nghiệp chủ quản của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã IPO bán thành công hơn 240 triệu cổ phiếu vào hôm 17/1. BSR cũng đã đưa cổ phiếu lên UPCOM hồi đầu tháng 3 với giá chào sàn tăng trên 35%.
PV Oil - doanh nghiệp đứng thứ 2 về thị phần bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam cũng đã đưa cổ phiếu lên UPCOM hôm 7/3.
Gần đây, TTCK cũng chứng kiến những cú chào sàn khủng như: Techcombank (với gần 1,2 tỷ cổ phiếu, và sắp phát hành thêm cổ phiếu thưởng tỷ lệ 200%), Vinhomes, FPT Retail, TPBank,...
Với hàng loạt doanh nghiệp lớn bán đấu giá cổ phần, TTCK sẽ đón nhận thêm một nguồn cung hàng rất lớn, đáp ứng được sức cầu khổng lồ từ các nhà đầu tư nước ngoài.
TTCK Việt Nam gần đây vẫn chịu áp lực và khối ngoại bán ròng. Tuy nhiên, áp lực này nhỏ hơn nhiều so với TTCK các nước khác. TTCK Việt Nam tích cực hơn chủ yếu là do kinh tế ổn định, đồng VND không mất giá mạnh, lạm phát thấp, tăng trưởng được duy trì cao và triển vọng trong tương lai vẫn khá tốt.
Mặc dù vậy, thanh khoản ở mức thấp khiến thị trường hồi phục chậm.
Trong phiên 26/6, VN-Index giảm 7,5 điểm sau 2 phiên hồi phục khá mạnh. Nhiều cổ phiếu blue-chips đang là trụ cột nâng đỡ thị trường như nhóm ngân hàng, bất động sản,...
Theo đánh giá của nhiều CTCK, TTCK đang trải qua thời kỳ lình xình và phân hóa. Sự lình xình này khiến nhiều NĐT cảm thấy chán nản. Theo BSC, với thanh khoản yếu như hiện nay, NĐT có thể đứng ngoài thị trường và chờ những tín hiệu cho thấy dòng tiên quay trở lại để tham gia mở vị thế.
Trong khi đó, SHS cho rằng, thị trường có thể hồi phục trở lại với mục tiêu là ngưỡng 990 điểm. Theo SHS, thanh khoản vẫn giữ ở mức thấp với chỉ hơn 2.700 tỷ đồng khớp lệnh trên sàn HOSE là do một phần dòng tiền đã dịch chuyển sang thị trường phái sinh giúp thanh khoản của tháng gần nhất vượt mức 100.000 hợp đồng. Khối ngoại cũng có động thái mua và bán ròng nhẹ trong hai phiên qua. Tất cả những điều trên cho thấy thị trường đang ở trong giai đoạn tích lũy với thanh khoản cạn kiệt, sự phân vân cũng như chán nản của nhà đầu tư có xu hướng tăng dần.
Kết thúc phiên giao dịch 26/6, VN-index giảm 7,5 điểm xuống 983,02 điểm; HNX-Index giảm 1,07 điểm xuống 110,92 điểm. Upcom-Index tăng 0,13 điểm lên 52,15 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu cổ phần. Giá trị đạt gần 4,1 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Hơn 1 tỷ USD kẹt trong nhà đất, đại gia Sài thành đau đớn nhận ra sai lầm
Ông trùm nhà ở xã hội Trương Anh Tuấn nhận thấy sai lầm tỷ USD sau khi doanh nghiệp ở đáy trong gần một thập kỷ.
Phá lệ 10 năm: Nữ đại gia mất 250 tỷ lo vụ lớn ngàn tỷ
Vợ chồng ông Lê Văn Quang-Chu Thị Bình lần đầu tiên phá lệ trong hơn 1 thập kỷ để lo vụ lớn ngàn tỷ và hướng tới giấc mơ tỷ USD đã đề ra từ trước đó.
Nhảy vào 100 mảnh đất vàng, đại gia bạo chi hàng ngàn tỷ
Thị trường chứng khoán giảm mạnh, hàng loạt các cổ phiếu xuống đáy. Nhưng đây lại là thời điểm thuận lợi để các đại gia tung trăm, ngàn tỷ để thâu tóm các doanh nghiệp làm ăn tốt hoặc có quỹ đất vàng lớn.