Theo bài báo trên ESPN, có ba đại diện của khu vực Đông Nam Á tại Asian Cup 2019. Philippins ở vòng bảng gặp những đội quá mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc và Kyrgyzstan nên xách va li về sớm là điều không quá bất ngờ. Thái Lan đã lọt vào đến vòng 1/8, dẫn trước Trung Quốc một bàn nhưng rốt cuộc đã bại trận.
Chỉ còn Việt Nam lọt vào tứ kết – điều đó không chỉ tuyệt vời đối với đất nước mà với cả khu vực. Thật vậy, tất cả các nước Đông Nam Á nên được khuyến khích bởi thành tích của đội tuyển Việt Nam. Mới cách đây không lâu, bóng đá Việt Nam còn là một thứ gì đó hỗn độn, tai tiếng bởi tham nhũng và quản lý tài chính sai lầm. Trong Giải vô địch ASEAN, có những lời xì xào từ các đối thủ rằng Việt Nam may mắn có được một thế hệ vàng nhưng như nhà sản xuất phim nổi tiếng Samuel Goldwyn của Hollywood đã từng nhận xét: "Càng làm việc chăm chỉ, tôi càng nhận được nhiều may mắn". Việt Nam đã chú trọng đào tạo các tài năng bóng đá từ nhỏ với việc lập ra các học viện bóng đá. Điều này đã tạo ra lứa cầu thủ chuyên nghiệp, nhiệt huyết và tự tin không hề lo sợ khi đối đầu với các đối thủ lớn.
Tất nhiên, huấn luyện viên Park Hang-seo có đóng góp lớn trong thành công của bóng đá Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà người dân Việt Nam gọi ông trìu mến là "thầy Park", thậm chí coi ông như người hùng.
Trước mắt, sự chú ý của cả Đông Nam Á đang tập trung vào trận tứ kết Việt Nam – Nhật Bản sắp tới. Việt Nam không có lịch sử thành tích như đội quân Samurai Xanh (Nhật Bản), nhưng đường phố Hà Nội, Sài Gòn – những thành phố mà người dân rất bận rộn, ít khi quan tâm đến việc của người khác – sẽ lại được thống nhất trong màu đỏ.
Hiếm có một quốc gia nào có được niềm vui như vậy. Không có bí mật, chỉ có sự kiên nhẫn và chăm chỉ - một công thức có thể được nhân rộng ở những nơi như Philippines, Singapore, Malaysia và phần còn lại của Đông Nam Á, tờ báo thể thao ESPN kết luận.
Sau đọc bài báo này, độc giả Singapore chỉ biết ngán ngẩm cho đội tuyển nước nhà. Có người đổ lỗi rằng Singapore không có tài năng bóng đá như Việt Nam, cũng chẳng có môi trường để phát triển bóng đá. "Singapore thậm chí đã thuê chuyên gia từ Bỉ. Nhưng rất dễ để đổ lỗi cho Liên đoàn bóng đá Singapore nhưng có ai trả lời được có bao nhiêu ông bố bà mẹ ở Singapore chịu cho con chơi bóng hằng ngày từ sáng đến đêm?", một độc giả hỏi. Một độc giả khác chê sân vận động ở Singapore như rạp xiếc, bé tí, để chứng minh rằng Singapore không chịu đầu tư cho bóng đá.
Một độc giả khác vẻ chán nản: "Chả phải học gì cả... Bóng đá Singapore đã chết...! Người Singapore không thể chơi bóng đá. Chỉ có các chuyên gia cá cược bóng đá. Về cá cược bóng đá, Singapore là số 1 thế giới. Đội tuyển quốc gia chẳng có gì để tự hào. Những con sư tử ư? Bảo họ đọc bình luận của tôi để biết được thực tế".
Tuy nhiên, cũng có độc giả biện minh cho việc tại sao bóng đá Singapore không phát triển được như ở Việt Nam: "Ở Việt Nam, trở thành cầu thủ chuyên nghiệp có nghĩa là giàu có, quyền lực và danh vọng. Ở Singapore, một cầu thủ chuyên nghiệp được xem là nghề nghiệp thu nhập thấp và chỉ dành cho những người không đủ năng lực để vào các trường đại học".
Dù phê phán đội tuyển nước nhà như thế nào, cư dân mạng Singapore cũng không quên khen ngợi các cầu thủ Việt Nam có kỹ thuật tốt, tự tin. Họ tin tưởng ở trận tứ kết hôm 24/1 tới đây với Nhật Bản, đội tuyển Việt Nam sẽ giành chiến thắng.