Bác sĩ Chiêm Quốc Thái suýt… sập bẫy
Thượng tá Nguyễn Đăng Nam - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM cho hay, hiện đang điều tra một số vụ việc lừa đảo qua mạng cực kỳ tinh vi, với thủ đoạn mới khiến nhiều người dù cảnh giác cao độ nhưng vẫn bị sập bẫy.
Phòng Cảnh sát hình sự cũng có khuyến cáo về những thủ đoạn này.
Mới đây, sáng 21/2 bác sĩ thẩm mỹ nổi tiếng Chiêm Quốc Thái nhận cuộc điện thoại từ số máy lạ, xưng là nhân viên chuyển phát bưu kiện. Qua điện thoại, người này nói là có hồ sơ gửi đến ông Thái.
Bác sĩ Chiêm Quốc Thái nhận được cuộc điện thoại của người xưng Công an và doạ ông liên quan đến vi phạm pháp luật |
Khi ông Thái hỏi thì đầu dây bên kia nói rõ là lệnh triệu tập của 1 cơ quan toà án tận Hà Nội vì bị 1 ngân hàng thưa kiện do có liên quan đến việc mở thẻ tín dụng, chi xài 45 triệu đồng nhưng không thanh toán.
Bác sĩ Thái nói rõ không có việc này thì đầu dây bên kia còn đọc rõ mã số hồ sơ tố tụng và kết nối máy cho ông Thái gặp cán bộ của Bộ Công an để trao đổi rõ hơn.
Liền sau đó, máy được kết nối với 1 người xưng là trung uý, công tác ở Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an. Qua một hồi nói chuyện, người này dẫn ông Thái đi xa, khi nói rằng ông có liên quan đến 1 vụ rửa tiền 8,6 tỷ đồng của 1 đường dây tội phạm mà Bộ Công an xác lập chuyên án để điều tra.
Người này liên tiếp đánh vào tâm lý, dọa dẫm. Bác sĩ Thái kể rằng, ông bắt đầu nhận ra chiêu thức lừa đảo nhưng tiếp tục hầu chuyện, xem chiêu trò của các đối tượng lừa đảo.
Trung uý thông báo, ông Thái cần phải lên cơ quan điều tra Bộ Công an ở Hà Nội để làm rõ vấn đề. Bác sĩ Thái nói hiện tại đang ở Sài Gòn thì vị này nói, sẽ giúp và yêu cầu ông khai báo toàn bộ các vấn đề liên quan qua điện thoại.
Lừa đảo qua mạng hiện có nhiều chiêu thức tinh vi khôn lường |
Người xưng trung uý còn dụ dẫn và nói rằng, nghi vấn những thông tin cá nhân của bác sĩ Chiêm Quốc Thái bị 1 tổ chức tội phạm sử dụng để tiếp tục thực hiện các hành vi lừa đảo khác. Vị này yêu cầu ông Thái giữ máy và sử dụng điện thoại khác để xác minh ở Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an.
Qua điện thoại, ông Thái nghe nội dung trao đổi của vị trung uý kia và cấp trên, rằng ông là đối tượng cực kỳ nguy hiểm, cần phải bắt ngay. Đến lúc này, bác sĩ Thái đã có phản ứng, yêu cầu vị trung uý cung cấp thông tin liên lạc của đơn vị đang làm việc thì cán bộ Công an dỏm doạ nạt.
Biết là gặp phải người cứng, có hiểu biết nên đối tượng cúp máy. Bác sĩ Chiêm Quốc Thái cũng cung cấp nội dung thông tin nói trên cho phòng Cảnh sát hình sự để phục vụ công tác điều tra các vụ lừa đảo qua mạng tinh vi.
Sếp hình sự chỉ điểm chiêu thức lừa đảo qua mạng tinh vi
Mới đây nhất ông N.V.A (ngụ Q.Tân Phú) nhận được điện thoại của người lạ có đầu số +800.692… Qua trò chuyện người này xưng cán bộ công an và đang điều tra 1 băng nhóm tội phạm quy mô, trong đó nghi ngờ ông A có liên quan.
Dù ông A trình bày cương quyết nhưng cán bộ công an từng bước dụ dẫn, yêu cầu ông phải chuyển khoản tiền có được, là 500 triệu đồng vào 1 tài khoản chỉ định để xác minh có phải tiền phạm pháp hay không, nếu không sẽ chuyển trả lại.
Các đối tượng lừa đảo làm giả lệnh bắt của cơ quan Tư pháp gửi đến nạn nhân nhằm làm cho họ hoang mang mà làm theo hướng dẫn, chuyển tiền |
Ông A cố thanh minh mình không vi phạm pháp luật nên làm theo sự hướng dẫn, chuyển tiền vào tài khoản đứng tên 1 phụ nữ. Ngay sau khi biết bị lừa, ông A đã đến Công an Q.Tân Phú để trình báo.
Cách thức lừa đảo qua mạng của các đối tượng chuyên nghiệp được cho là luôn có những thay đổi tinh vi, dù cho người cảnh giác cao độ cũng không tránh khỏi bẫy do chúng giăng ra.
Một nạn nhân khác ở TP.HCM là ông B.A.K, qua điện thoại bị 1 người xưng là cán bộ công an doạ ông có liên quan đến đường dây rửa tiền quốc tế. Sau màn dọa tinh vi, người này hướng dẫn ông K ra ngân hàng gần nhà mở tài khoản đứng tên chính ông, nhưng số điện thoại do người này cung cấp.
Chiêu thức này khiến ông K mất cảnh giác vì cho rằng tài khoản đứng tên mình, tiền chuyển vào đó.
Ông K đã chuyển 1 tỷ đồng và lần 2 thêm 150 triệu, nhưng rồi các đối tượng giấu mặt đã thực hiện nhanh thao tác Internet Banking để chuyển qua tài khoản của chúng và chiếm đoạt.
Trưởng phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam đưa ra những khuyến cáo đối với người dân về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua mạng |
Thượng tá Nguyễn Đăng Nam cho biết, thủ đoạn lừa đảo qua mạng trong các vụ việc như kể trên thực ra không mới, nhưng chiêu thức ngày càng tinh vi hơn.
Các đối tượng giả danh là cán bộ cơ quan Tư pháp, thậm chí chúng còn làm giả lệnh bắt khẩn cấp gửi đến cho nạn nhân để khiến họ hoang mang, lo sợ như cố thanh minh không liên quan đến hoạt động phạm tội do chúng vẽ ra như: buôn bán ma tuý, rửa tiền, lừa đảo… mà từ đó phải thực hiện theo các yêu cầu của chúng.
“Đã xuất hiện tình trạng các đối tượng nhắm đến nạn nhân là những người đang làm cán bộ nhà nước, ít hiểu biến pháp luật hay người thân của các cán bộ này", vị trưởng phòng Cảnh sát hình sự khẳng định.
Thượng tá Nam cho hay, thực tế điều tra các vụ lừa đảo qua mạng thế này rất khó khăn, bởi lẽ các đối tượng gây án giấu mặt, thực hiện chủ yếu trên mạng, thậm chí tài khoản nhận tiền từ nạn nhân là do chúng thuê người sử dụng giấy tờ để mở và giao cho chúng sử dụng.
Ngay sau khi nhận tiền của nạn nhân chuyển vào, chúng lập tức chuyển đến tài khoản ngân hàng khác trong nước hoặc nước ngoài.
Trưởng phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân có ý thức cảnh giác. Ông cũng khẳng định, các cơ quan Tư pháp nếu làm việc với người nào liên quan đến nghi vấn phạm pháp thì phải mời họ lên trụ sở làm việc trực tiếp, phải đúng trình tự thủ tục chứ không qua điện thoại.
Thượng tá Nguyễn Đăng Nam yêu cầu người dân không được chuyển tiền khi nhận được điện thoại của người lạ xưng là cán bộ công an, Viện KSND hay toà án.
Ngoài ra những người dân khi nhận được điện thoại thông báo có bưu kiện, quà gửi đến mà không có địa chỉ rõ ràng hoặc không rõ nguồn gốc thì không gửi tiền để bảo lãnh lấy quà về. Đó là một trong những thủ đoạn lừa đảo, đánh vào lòng tham của người dân.
Cặp đôi lừa đảo tung hứng khiến nhiều người sập bẫy
TAND TP Hà Nội hôm qua đưa bị cáo Trần Thanh Vĩnh (SN 1986, Phú Thọ) và Trần Thị Lan Anh (SN 1976, Hưng Yên) ra xét xử tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Linh An