Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đang được triển khai thực hiện tại Thanh Hoá từ nửa cuối năm 2022.

Kinh tế - xã hội trong vùng DTTS và miền núi đã có bước phát triển

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi và miền núi tỉnh Thanh Hóa gồm 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi, với 174 xã, thị trấn/1.551 thôn, bản, khu phố. Toàn vùng có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là: Mường, Kinh, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú. 

Ngay sau khi Trung ương phê duyệt các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các Chương trình mục tiêu quốc gia và chỉ đạo thành lập ở cấp huyện, cấp xã.

Nhờ đó, đến nay, kinh tế - xã hội trong vùng DTTS và miền núi đã có bước phát triển; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 6%/năm, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trong vùng được cải thiện rõ rệt; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư tăng cường và nâng cấp. Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có chuyển biến tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo 11 huyện miền núi giảm còn 11,04%; Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn 14,75%. Thu nhập bình quân đầu người của vùng năm 2023 đạt 39,605 triệu đồng, ước năm 2024 đạt 42,62 triệu đồng/người/năm.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

100% các xã, thôn bản trong vùng DTTS và miền núi đều có điện lưới quốc gia. Đến đầu tháng 10.2024, khu vực 11 huyện miền núi của tỉnh có 73/163 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), dự kiến đến năm 2025 có 109/163 xã đạt chuẩn NTM. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố trở lên, 88% số xã của tỉnh, 65% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM. Công tác phát triển sản phẩm OCOP từ các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị được quan tâm.

Bên cạnh đó, tình hình văn hóa - xã hội vùng miền núi tiếp tục chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân ổn định. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm. Nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào DTTS được phục dựng và bảo tồn; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí được triển khai thực hiện đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc, đẩy lùi, xóa bỏ dần hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

Phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS và miền núi

Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2024 - 2029, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu chung, đó là: Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS và miền núi; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong vùng, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với miền xuôi; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nhất là khu vực biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Cùng với việc phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2024 - 2029, tỉnh Thanh Hóa tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong vùng, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với miền xuôi; đặc biệt, giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn.

Tỉnh Thanh Hóa xác định các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm theo tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025 từ 1,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân hằng năm 3% trở lên; phấn đấu 30% huyện nghèo (huyện Thường Xuân, huyện Bá Thước), 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.