PGS. TS Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ đào tạo (Bộ VHTT&DL) chia sẻ với VietNamNet đã nắm rất rõ thực trạng và những bất cập, hạn chế trong công tác phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, nhất là khâu đào tạo.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Bộ đã và đang xây dựng các nghị định quy định về đào tạo đặc thù đối với các lĩnh vực VHNT, đặc biệt là công tác đào tạo tuyển sinh và chế độ, chính sách cho đội ngũ lý luận, phê bình VHNT; đưa lý luận phê bình vào danh mục đặt hàng đào tạo các ngành hiếm, khó tuyển gồm: nhóm ngành văn hóa-văn học, mỹ thuật, nghệ thuật trình diễn.
Bộ cũng hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030, Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành nghề chuyên sâu đặc thù lĩnh vực nghệ thuật nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, trong đó có chuyên ngành lý luận phê bình.
"Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 trong đó có đào tạo, bồi dưỡng 100 chuyên gia, cán bộ chuyên môn về biên kịch, lý luận và phê bình, giám tuyển, giám định thuộc các lĩnh vực điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và giám định cổ vật... Bộ cũng đang chỉ đạo cho Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ...", PGS. TS Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Để khắc phục khoảng trống về đào tạo một thế hệ lý luận, phê bình VHNT trẻ, PGS.TS Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng, cần khai thác nguồn nhân lực đang có và đầy tiềm năng từ lực lượng những học viên trình độ cao học ở các chuyên ngành đạo diễn, diễn viên, nhà quay phim...
"Khi tốt nghiệp, họ đã được trang bị đầy đủ kiến thức về lý luận và nghiên cứu khoa học, đây chính là những hạt nhân có thể làm được công tác lý luận, phê bình", ông Thi khẳng định.
Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ hiến kế, muốn phát triển đội ngũ phê bình văn học tương lai, cần quan tâm đầu tư bồi dưỡng ngay từ khi học sinh ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Chính ở nơi ấy đã có thể bắt gặp những mầm mống đầu tiên, cây bút có năng khiếu thẩm bình vượt trội so với mặt bằng.
Sau cấp độ nhà trường phổ thông, lên đến bậc đại học, các thầy cô cần quan tâm bồi dưỡng và phát triển với đối tượng là sinh viên thuộc các ngành văn học/ngôn ngữ học trên cả nước ở tất cả các cơ sở đào tạo.
Cuối cùng, việc lan tỏa văn hóa đọc (đặc biệt là với tác phẩm văn học) ở mọi nơi mọi lúc chắc chắn là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của lý luận phê bình văn học.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần tạo ra một môi trường sáng tạo, thân thiện và cởi mở để khuyến khích sự phát triển của các tác giả và nhà văn trẻ.
Các cơ sở đào tạo về VHNT cũng cần cải thiện và đa dạng hóa, giúp tác giả, nhà văn trẻ có thể trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết để phát triển sự nghiệp của mình.
Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Việc chia sẻ, việc giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật cho công chúng, đặc biệt là người trẻ rất cần thiết, để mọi đối tượng có thể thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật trong môi trường nghệ thuật lành mạnh.
"Công chúng cũng là một thành tố quan trọng của nghệ thuật. Công chúng không chỉ là người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, họ cũng chính là người thẩm định giá trị của chúng.
Công chúng vừa là đối tượng hưởng thụ lại cũng vừa là chủ thể tái sáng tạo nghệ thuật bằng khả năng nhận thức tác phẩm cũng như trí tưởng tượng của mình.
Mỗi người thưởng thức không phải bao giờ cũng có cảm thụ giống nhau đối với một tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, trong thời đại phát triển ngày càng cao như hiện nay, muốn hiểu được các giá trị của một tác phẩm nghệ thuật nói chung, của một tác phẩm nghệ thuật hiện đại nói riêng thì người thưởng thức phải được trang bị trình độ tri thức nhất định", nhạc sĩ Đức Trịnh phân tích.