Anh Nguyễn Duy Thắng chia sẻ chuyện khởi nghiệp từ cành tre

Đam mê bút tre

Nhớ lại tuổi thơ khốn khó của mình, anh Nguyễn Duy Thắng quê ở Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) kể lại: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, khi ấy đi học không có tiền mua sách bút. Một lần tôi nhặt được 1 chiếc ruột bút ở sân trường, sau đó chặt cành tre để cắm vào để viết".

Thấy hay, nhiều bạn trong lớp đã nhờ anh làm hộ. Từ đó, anh Nguyễn Duy Thắng đã ấp ủ dự định sản xuất bút tre để bán.

Lớn lên, anh Nguyễn Duy Thắng theo học ngành thiết kế đồ hoạ tại Viện Đại học Mở Hà Nội. Trong thời gian học đại học, gia đình kinh tế rất khó khăn, để có tiền trang trải cho cuộc sống, anh làm bút tre đem bán.

“ Tôi về quê lựa chọn những cành tre thẳng, vừa vặn quanh nhà rồi đem lên trường để làm mỗi tối, rồi đi rao bán khắp phố cổ từ cửa hàng đến khách du lịch đi ngoài đường” - anh Nguyễn Duy Thắng nhớ lại.

{keywords}
Hơn 10 năm qua anh Thắng vẫn miệt mài với những chiếc bút tre

Những sản phẩm vỏ bút tre thời sinh viên của anh từng có mặt ở nhiều cửa hàng lưu niệm tại Hà Nội. Cuộc sống của anh Nguyễn Duy Thắng trở nên ổn định hơn từ bút tre. 

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư xuất sắc, đã xác định từ đầu anh Nguyễn Duy Thắng không chần chừ từ bỏ tất cả những cơ hội việc làm ổn định với quyết tâm khởi nghiệp từ bút tre.

Năm 2010, anh đem sản phẩm bút tre của mình đi dự thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và vinh dự được lọt vào nhóm 18 sản phẩm được giải của cuộc thi.

Nhiều người biết đến sản phẩm của anh, những đơn hàng cũng trở nên nhiều hơn. Thế nhưng nhu cầu tiêu thụ ở Hà Nội chỉ đủ nuôi sống anh thời sinh viên. Anh Nguyễn Duy Thắng quyết định tìm lối đi xa hơn cho sản phẩm của mình.

Không tự hài lòng với mình

Năm 2012, anh Nguyễn Duy Thắng tạm hoãn việc sản xuất của mình đến các tỉnh phát triển du lịch để tìm đầu ra cho sản phẩm.

{keywords}
Những chiếc bút được anh Thắng làm ra 

“Tôi đi đến các khu du lịch phát triển ở nhiều  tỉnh thành để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế,..."- anh Nguyễn Duy Thắng tâm sự.

Anh Nguyễn Duy Thắng mất khoảng 15 phút để hoàn thiện 1 chiếc bút và được bán với giá 35.000 đồng. Việc áp dụng kiến thức đồ hoạ vào sản xuất nên anh đưa ra thị trường sản phẩm có độ bền và tính thẩm mỹ cao.

Sau 1 năm rong ruổi, anh trở về quê và bắt tay vào sản xuất. Những chuyến hàng của anh bắt đầu có mặt ở nhiều nơi trên đất nước, phải thuê thêm người mới kịp hàng trả cho khách. Thế nhưng, khi sản xuất nhiều vấn đề khó khăn nhất bắt đầu nảy sinh.

Anh Nguyễn Duy Thắng cho hay, khi sản phẩm tiêu thụ nhiều nguyên liệu sản xuất phải lấy liên tục là những cành tre còn tươi, gửi cho khách bị khô, quắt, từng bộ phận rụng rời ra khách hàng gửi trả lại.

Từ những khó khăn, anh Nguyễn Duy Thắng lại một lần nữa lên đường đến những nơi nhiều tre như Thanh Hóa, Huế,… để học hỏi cách bảo quản tre của họ.

{keywords}
Bút tre được tạo ra từ những dụng cụ đơn giản

“Tôi đã học được cách bảo quản tre của nhiều nghệ nhân ở miền Trung, từ khâu lựa chọn, chặt hạ đến khâu sản xuất phải mất 2 năm mới cho ra sản phẩm” - anh Nguyễn Duy Thắng chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Duy Thắng, tre chỉ được chặt vào đúng tháng 10 và tháng 11 trong năm, khi ấy cành tre không quá già cũng không quá non. Sau khi chặt hạ, tre được tuyển chọn và đưa vào kho kín, khô ráo, sau 2 năm những cành tre đã ngót hết mới đem ra làm bút được.

Nhiều người biết đến anh hơn qua những sản phẩm chất lượng, không ít sản phẩm được các thương lái đem sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,… để bán. Anh Nguyễn Duy Thắng liên tục nhận được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.

{keywords}
Từng chiếc bút phải được trau chuốt tỉ mỉ

Anh Nguyễn Duy Thắng cho rằng, 1 sản phẩm phải gửi cả cái tâm mình vào đó nó mới có hồn, không những thế còn bền và đẹp nên tất cả các công đoạn đều phải làm bằng tay.

Những lúc cao điểm, anh Nguyễn Duy Thắng thuê người sản xuất công đoạn thô ở nhà như chọn tre, cắt, phơi,... Sau đó những cây bút được đích thân anh đem về lắp ráp.

“Để mọi người lắp ráp sẽ chạy theo số lượng, về lâu dài chất lượng sản phẩm sẽ bị giảm xuống nên công đoạn hoàn thiện phải đích thân tôi làm. Từng sản phẩm phải được trau chuốt, tỉ mỉ” - anh Nguyễn Duy Thắng nói.

Mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Duy Thắng cung cấp khoảng 3.000 chiếc bút tre ra thị trường. Trừ chi phí anh thu lãi vài chục triệu đồng.

Cũng theo anh Nguyễn Duy Thắng, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mặt hàng của anh lại đa số bán cho khách du lịch nước ngoài nên cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

"Đơn hàng giảm đáng kể nên tôi phát triển thêm các mặt hàng hữu dụng hơn như cốc, ống hút, thìa, đũa,..." anh Nguyễn Duy Thắng cho biết thêm.

{keywords}
Anh Thắng kể lại khoảng thời gian khốn khó của mình
{keywords}
Công đoạn lắp ráp là quan trọng nhất được anh tự tay làm lấy 
{keywords}
Hiện nay anh Thắng đang phát triển thêm những mặt hàng thân thiện với môi trường từ tre như cốc và ống hút

(Theo Dân Trí)