Mong muốn lập nghiệp tại nơi mình sinh ra, Nguyễn Văn Đoàn (SN 1986) ở thôn Kỳ Sơn, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã trở về quê bám đồng, bám vườn. Nhờ vậy, chàng trai trẻ là cử nhân ngoại thương này có khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Dự tính, năm nay tổng thu nhập sẽ đạt hơn 1 tỷ đồng, cao hơn năm ngoái....

Tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đoàn được nhận vào làm việc tại một doanh nghiệp có mức lương cao. Thế nhưng, công việc bận rộn đã cuốn những người trẻ vào guồng, nhiều tháng trời Đoàn không có dịp về thăm nhà. Có về cũng chỉ trong thời gian ngắn ngủi đã phải trở ra Hà Nội để đảm đương nhiệm vụ. 

{keywords}

Chàng cử nhân ngoại thương Nguyễn Văn Đoàn đang thu hoạch chanh 4 mùa. Nhờ trồng chanh và táo ngọt, mỗi năm anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Riêng năm nay dự tính, số tiền thu nhập sẽ lên tới 1 tỷ đồng.

Trong một lần xem chương trình "Sinh ra ở làng" trên truyền hình, cậu cử nhân đã có thay đổi. Đoàn rất khâm phục những tấm gương vượt khó, dám nghĩ, dám làm của những người trẻ ở quê hay vùng khó khăn, hẻo lánh. Xét về các điều kiện, quê anh cũng có nhiều thuận lợi để lập nghiệp như đất rộng, chất đất phù hợp với nhiều loại cây ăn quả. Vì vậy, Đoàn lẳng lặng mang hành lý về nhà. Đoàn chia sẻ: “Khi biết tôi bỏ việc, mẹ đã khóc rất nhiều. Còn bố thì nói, làm lụng vất vả cũng chỉ để các con được ăn học, vậy mà giờ lại về làm vườn để người làng cười chê à? Cả tháng trời trong nhà không khí nặng nề bởi bố mẹ rất buồn vì tôi”. 

Trước tình thế ấy, Đoàn lại khăn gói ra Hà Nội làm việc. Được hơn hai tháng do không yêu thích công việc đang làm, anh lại quay về thuyết phục bố mẹ. Đoàn đã làm tất cả công việc trong gia đình, không kể sớm tối, nắng mưa cùng mẹ đi nhổ mạ, cấy lúa; cùng bố chăm cây, cuốc đất, cắt cỏ trong vườn. Gần bố mẹ, Đoàn thủ thỉ trò chuyện, tâm sự về nguyện vọng của mình. “Bố mẹ nghĩ cho tôi đi cùng để biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vất vả như thế nào, rồi chán, nhanh chóng trở ra Hà Nội làm công việc theo chuyên ngành được học.

Tuy nhiên, thấy tôi chăm chỉ, hào hứng với ruộng đồng, phân tích có lý, bố mẹ đã đồng ý cho tôi ở quê làm vườn”, Đoàn nói. Đầu năm 2013, Đoàn trồng hơn 1.000 cây đu đủ. Đất lạ, cây cho quả to, được giá, trừ chi phí, thu được hơn 100 triệu đồng. Vụ sau, nhận định đu đủ sẽ không được giá, Đoàn bàn với gia đình không trồng nữa. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn nhất quyết trồng 2.000 cây. Đúng như Đoàn dự báo, giá đu đủ thấp, may mắn sản phẩm thu về đủ bù chi phí.

Sau lần ấy, người thanh niên đã nhận được sự tin tưởng của gia đình, bố đã giao toàn bộ công việc làm vườn cho Đoàn. Nhờ một phần vốn của gia đình trợ giúp và vay ngân hàng, Đoàn lên kế hoạch mở rộng diện tích sản xuất bằng việc thuê lại hơn 2ha cánh đồng cao, khó khăn về nước tưới của người dân thôn Phượng Hoàng, thôn Tè gần nhà. Đoàn tâm sự: “Đu đủ xuống thấp, nhiều người nhận thấy khó khăn từ làm vườn đã tạo cho tôi cơ hội thuê đất thuận lợi. Các hộ đều đồng ý ngay khi tôi đặt vấn đề trả hơn một tạ thóc/sào/năm. Dù vậy, tôi cũng phải mất gần hai tháng để dồn đổi, ghép các thửa với nhau bảo đảm hợp lý, thuận canh tác”.

Kế hoạch sản xuất đã chuẩn bị kỹ càng từ trước, ngay khi có đất mới, chàng thanh niên cùng người thân ngày ngày bám vườn, lên luống khoanh vùng trồng cây. Theo Đoàn, làm vậy mới nhanh chóng thu hồi vốn bởi thời gian mướn đất chỉ trong 10 năm. Nếu không khéo xoay xở sẽ chẳng có lời lãi gì đã đến hạn phải trả đất. Có người khuyên anh trồng chanh đào bởi đang được giá nhưng qua nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, Đoàn đã chọn trồng chanh 4 mùa và táo ngọt bởi ít hộ có, tiêu thụ thuận lợi. Anh đến những địa chỉ uy tín ở tỉnh Tuyên Quang, Long An để mua cây giống chất lượng. Năm 2016, từ táo, chanh thương phẩm, bán giống cây, Đoàn thu về gần 900 triệu đồng.

Đoàn bật mí: “Hiện tôi đang khảo nghiệm một số giống táo được coi là có chất lượng ngon nhất hiện nay, quả to nặng tới 0,6kg, giá bán cao mà ở Việt Nam hiếm nơi có. Nếu thành công, tôi sẽ thay thế toàn bộ vườn táo bằng giống mới. Bên cạnh đó, tôi cũng đang lựa chọn thuê thêm những vùng đất mới để mở rộng diện tích”.... 

Thời điểm này, vườn cây xanh tốt, được trồng theo hàng, thẳng lối, trải dài ngút ngát. Những quả chanh đậu thành từng chùm nặng trĩu, hoa. Giữa vườn, chủ nhân thiết kế bể chứa để pha phân bón tưới cho cây. Các ống nước lắp dọc theo rãnh để tiện cho việc cung cấp nước. Đoàn dự tính, năm nay tổng thu nhập sẽ đạt hơn 1 tỷ đồng, cao hơn năm ngoái. Chỉ cho khách điều đặc biệt của giống chanh 4 mùa, Đoàn hứng khởi: “Lúc nào trên cây cũng có đủ thứ gồm hoa, quả non và quả thu hoạch nên có sản phẩm bán quanh năm. Hiện nay, chanh có giá 8-10 nghìn đồng/kg, dịp Tết hoặc sang Giêng, giá chanh cao gấp 3-4 lần so với hiện tại”.

Có không ít sinh viên sau khi ra trường quyết bám trụ lại thành phố để làm việc hoặc ly nông để vào những khu, cụm công nghiệp vì gia cảnh khó khăn. Tuy nhiên, Đoàn lại quan niệm khác, nếu biết tận dụng những lợi thế ở quê thì làm giàu không khó. Vì vậy, Đoàn đã vận dụng linh hoạt những kiến thức về quản trị được trang bị vào làm vườn. Theo Đoàn, học kinh doanh để nhận định, phân tích thị trường đã giúp anh làm vườn khá thuận lợi. Đoàn bảo, nếu chỉ đơn thuần có kỹ thuật trồng trọt chưa đủ bởi đầu ra của sản phẩm mới quan trọng, dự báo được thị trường cần gì chứ không phải bán những gì mình có. Làm kinh tế không nên chạy theo phong trào mà phải tạo được sự khác biệt, giữ chữ tín bằng chất lượng mới thành công.

Bởi vậy, dù nhiều nơi nông sản khó bán nhưng sản phẩm của gia đình Đoàn luôn “chạy”, được thương nhân đến tận nơi thu mua, thậm chí tự hái quả, chủ nhân chỉ cần cân, tính tiền.

(Theo Nongnghiep)