Sau 4-5 năm đèn sách, nhiều cử nhân, kỹ sư muốn có một “công việc trong mơ” nên chấp nhận bám trụ thủ đô, xoay đủ mọi công việc mưu sinh: Bán hàng thuê, chạy bàn... và làm công nhân.

Sau 2 năm tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế với tấm bằng giỏi tại Trường Đại học Giao thông - Vận tải, Lưu Thị Nga hào hứng làm hồ sơ nộp trực tiếp và qua thư điện tử, đi phỏng vấn nhiều nơi, nhưng đều chưa có kết quả. Hằng ngày, để có tiền trang trải cho cuộc sống, “cô cử” này phải chạy sô 2 ca: Sáng làm PG bán bột giặt quần áo ngoài chợ, chiều làm PG bán bỉm cho trẻ em ở cửa hàng tạp hóa. “Ra trường không có việc để làm, trong khi vẫn phải chi tiêu tiền thuê nhà, tiền ăn uống nên áp lực tâm lý rất nặng nề. Cả ngày chạy xô, nhưng tiền lương cũng chỉ được 150.000 đồng/ngày/2 ca nếu đạt doanh số, còn nếu không đạt lượng hàng mà nhà phân phối yêu cầu thì sẽ bị trừ 30% lương vào cuối tháng...” - Nga ngậm ngùi.

{keywords}

Lưu Thị Nga chạy xô làm PG nhiều ca/ngày để có tiền trang trải học hành.

Cùng chung cảnh, Lê Văn Thái - sinh viên Trường Đại học Điện lực - cũng đang sốt ruột vì chưa xin được việc. Thái đã xin chạy bàn cho một quán phở trên phố Duy Tân với mức lương 1,7 triệu đồng/ tháng. Thái chia sẻ: "Cùng lớp đại học có 60 bạn đã ra trường, nhưng số người có công việc tạm ổn chỉ được gần chục người, không kiếm được việc làm, một số bạn học lên cao học, còn đa số xin làm đủ việc linh tinh để chờ việc".

Nhiều sinh viên ra trường, hơn một năm chờ đợi nhưng cũng chưa xin được việc. Tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với tấm bằng loại khá, cô kỹ sư trẻ ngành CNTT Lê Thị Hà cũng như bao sinh viên cùng khóa rất mong sớm xin được việc làm, chạy vạy xin việc. Chỗ nào đăng tuyển Hà cũng nộp hồ sơ, nhưng hơn một năm qua chưa bao giờ cô nhận được tin vui. Để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống, Hà xin chạy bàn cho một quán bia trên đường Giải Phóng. Công việc vất vả, thường xuyên gặp khách say xỉn có những hành động bất lịch sự, được một thời gian Hà quyết định về quê làm công nhân may cho một xưởng may công nghiệp: “Mức lương hơn 3 triệu đồng/ tháng, phải làm việc 12 giờ mỗi ngày, ăn uống tự lo, nghĩ mà buồn cho công lao bố mẹ nuôi ăn học” - Hà tâm sự.

Cũng rời ghế giảng đường từ tháng 6.2013, cựu sinh viên Lê Văn Đỏ ngậm ngùi: “Với tấm bằng giỏi khoa lịch sử, cứ nghĩ ra trường sẽ thuận lợi, nhưng tìm được công việc đúng chuyên ngành bây giờ khó quá”. Việc xin giảng dạy ở một trường nào đó là rất khó khăn, hơn nữa không thể mãi cứ ăn bám bố mẹ, Đỏ đành ngậm ngùi cất tấm bằng loại ưu, đi làm bảo vệ với mức lượng vẻn vẹn 2 triệu đồng/tháng.

Thực tế, nhiều tân cử nhân, kỹ sư hào hứng làm hàng chục bộ hồ sơ, đơn xin việc, kiên trì tìm và tham gia các buổi phỏng vấn của các công ty tuyển dụng. Sau thời gian phấp phỏng chờ đợi, họ vỡ mộng khi chỉ nhận được những cái lắc đầu, không có hồi âm... Song cuộc sống buộc họ phải tìm một con đường khác để mưu sinh. Hạnh phúc vẫn ở đâu đó, họ tìm thấy niềm vui qua những công việc chân tay không phù hợp với chuyên môn.

Theo Lao Động