Được dư luận rất quan tâm, nhưng
chưa nhiều người biết rõ về nguồn gốc của cụ rùa hồ Gươm…
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Đình Đức, thời gian gần đây, một chuyên gia nước ngoài đã liên hệ với ông để xin các tài liệu, hình ảnh mới nhất về cụ rùa hồ Gươm để trình bày tại một hội thảo khoa học tại Singapore. Tuy nhiên, ông Đức đã từ chối vì chuyên gia này từng tuyên bố cụ rùa hồ Gươm là loài giải Rafetus Swinhoei ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Lý giải về xuất xứ của cụ rùa hồ Gươm, ông Đức cho biết, vào thời Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, không thấy ai nói rằng ở hồ Lục Thủy (nay là hồ Hoàn Kiếm) có rùa to. Chỉ đến khi vua Lê Lợi lên ngôi thì mới có chuyện rùa ở hồ Gươm.
“Có lẽ Lê Lợi đã đem rùa từ Thanh Hóa ra thả ở Hồ Lục Thủy vì trong sách cổ có nói, xưa kia ở Vũng Sung (thuộc sông Lương, Lam Kinh, Thanh Hóa) có một loài rùa to bằng chiếc chiếu đôi, vào mùa sinh sản, rùa quần nhau làm đục cả nước. Lại có chuyện kể rằng, khi Lê Lợi chạy giặc ở Lam Kinh thì có một con ba ba rất to đi sau xóa dấu vết, sau được Lê Lợi phong thần ba ba.
Ảnh Hoàng Long
Theo ông Hà Đình Đức, nếu cụ rùa hồ Gươm có gốc gác ở Hà Nội thì hồ Tây và các hồ ở Hà Nội cũng phải có, bởi hồ Gươm và hồ Tây cùng có nguồn gốc từ dòng sông Cái cổ (sông Hồng).
Về thông tin rùa hồ Gươm là loài giải Thượng Hải, Trung Quốc, ông Đức cho biết, ông đã sang Thượng Hải để làm việc với một bảo tàng tự nhiên ở đây.
Theo ông Đức: “Nhìn vào hai bức ảnh sọ của con Rafetus leloii (tên khoa học của rùa hồ Gươm) và con Rafetus swinhoei (giải Thượng Hải) thấy hoàn toàn khác nhau: cái tù, cái nhọn; cái ổ mắt bầu dục, cái ổ mắt tròn; tỷ lệ ổ mắt so với sọ khác nhau; xương chẩm cái như thìa, cái gờ nhỏ; phía hàm dưới cái gần hình thang, cái nhọn; hình thái của mai cũng khác nhau”.
Sau nữa, ông Đức khẳng định, để xác minh nguồn gốc nòi giống của loài rùa hồ Gươm, cuối năm 2004, Viện Công nghệ Sinh học đã xét nghiệm ADN để so sánh rùa hồ Gươm với các loài rùa khác và kết luận “rùa hồ Gươm là một loài rùa mới, thuộc dòng rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ”.
Ông Đức cho biết thêm, ở các vùng lòng hồ thuộc sông Hồng, sông Mã, sông Đà từ xưa đã tồn tại loại rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ và Viện Công nghệ Sinh học còn lưu lại một số mẫu tiêu bản. Qua nghiên cứu, phân tích cũng khẳng định rùa hồ Gươm không phải là loại giải Thượng Hải (Rafetus swinhoei).
“Phân tích nguồn gen cũng cho thấy rùa hồ Gươm là độc nhất vô nhị nên tôi kết luận cụ rùa hồ Gươm là loài rùa mới và đặt tên khoa học là Rafetus leloii (Lê Lợi)”, Phó giáo sư Hà Đình Đức cho biết.
Được biết, một số nhà nghiên cứu về loài rùa như Tiến sĩ Peter Maylan (Đại học Eckerd); Giáo sư Kraig Adler (Đại học Cornell - Mỹ) đã đồng ý với quan điểm của ông Đức rằng rùa hồ Gươm thuộc loài rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ, loài thứ 5 có ở Việt Nam và cũng là loài thứ 23 trên thế giới.
Theo
Việt Chiến
Thanh Niên