Kết quả này sốc không chỉ với riêng Đức mà còn với Ban giám hiệu nhà trường. Thậm chí, cậu đã từng bị “mời lên hỏi chuyện” để làm gương răn đe, cảnh báo cho các học sinh giỏi được tuyển thẳng vào Trường ĐH Bách khoa những năm sau đó.

Cú sốc "đội sổ”

Lê Anh Đức (1998) là cựu học sinh lớp chuyên Tin của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Năm lớp 11, cậu từng giành giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Tin học; sau đó tiếp tục được tham dự kỳ thi Olympic Tin học châu Á Thái Bình Dương (APIO2016) vào năm lớp 12.

Với những nền tảng đó, Anh Đức quyết định lựa chọn Viện Công nghệ Thông tin & Truyền thông của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là “điểm đến” cho 5 năm đại học của mình.

{keywords}

Lê Anh Đức (1998) là sinh viên Viện Công nghệ Thông tin & Truyền thông của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội 

Tuy nhiên, sau một học kỳ đầu tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Đức lại cảm thấy “dường như đây là một sự lựa chọn sai lầm”.

“Thời cấp 3, em chỉ tập trung vào học môn chuyên, do đó vô tình bỏ qua những môn khác trên lớp. Việc được vào thẳng đại học cũng khiến em có tâm lý chủ quan, không có sự đầu tư kỹ càng và dành nhiều thời gian để ôn luyện bài vở”.

Khoảng thời gian mới bước chân vào trường, với Đức, là chuỗi ngày học tập khá chật vật.

“Kiến thức ở bậc đại học nặng và dồn liên tục; mỗi ngày đều có một lượng kiến thức mới được đưa ra. Do đó, nếu không tự trau dồi, chắc chắn mình sẽ bị bỏ xa”, Đức nói.

Quả thực, trong kỳ đầu tiên đó, cậu đã “trượt dài” với quá nửa số môn bị điểm F. Các môn còn lại, dù có thể qua, nhưng điểm của Đức cũng ở mức thấp nhất nhì lớp. Kết quả, cả học kỳ đó, Đức đạt điểm trung bình 1.0/4.0.

“Với em, đó là một cú sốc. Xung quanh em, các bạn đều học rất chăm chỉ và đạt được những thành tích tốt. Còn em vẫn mãi trầy trật để có thể qua môn. Những lần ngồi cùng bạn bè, em đều tự nghi ngờ về con đường mình đã chọn: “Liệu mình có đang đi sai đường không khi các bạn vẫn đang bay cao ở những ngôi trường khác? Hay mình thử chuyển sang học Kinh tế, Ngoại thương,… xem thế nào”.

Rơi vào cảm giác thất vọng tràn trề cũng là lúc Đức nghĩ mình cần phải nhìn nhận lại con đường này một cách nghiêm túc.

“Việc thay đổi môi trường sống từ một học sinh cấp 3 chỉ biết ăn và học, ra Thủ đô và phải tự lo mọi thứ khiến em thay đổi nhiều. Tất cả với em đều mới mẻ nên em muốn khám phá. Em cũng phát hiện ra nhiều thứ hay ho nên cứ thế chạy theo những điều đó.

Chỉ đến học kỳ 2 năm thứ nhất, em mới bắt đầu nhận ra chuyện “quay đầu là bờ”. Vì thế, em đã bắt đầu đọc và học lại từ những kiến thức nền tảng cơ bản nhất. Dần dần, mọi thứ cũng bắt đầu trở nên tốt hơn”, Đức nhớ lại.

"Cảm ơn Bách khoa đã cho tôi thất bại..."

Đến cuối năm thứ 2 đại học, Đức đã trả nợ được hết môn. Mọi thứ khá thuận lợi sau đó. Cậu cũng thường xuyên giành điểm số cao nhất ở các môn chuyên ngành.

{keywords}

Đức giành giải vô địch Samsung Software Challenge.

Biết đến Đức từ khi cậu còn học tập ở trường chuyên Phan Bội Châu, điều khiến PGS Đỗ Phan Thuận (Giảng viên Cao cấp bộ môn Khoa học Máy tính, Viện Công nghệ Thông tin & Truyền thông) ấn tượng là học trò xứ Nghệ luôn có một “đam mê lớn” và “quyết tâm cao”.

Vì thế, thầy Thuận mong muốn có thể dẫn dắt được Đức vào đội tuyển và tham dự cuộc thi lập trình quốc tế ICPC (International Collegiate of Programming Contest).

Không khiến thầy Thuận thất vọng, năm 2016, Anh Đức vô địch ICPC vòng quốc gia Việt Nam; sau đó là Hạng 3 ICPC Asia Singapore Regional 2018; xếp thứ 2 tại ICPC Asia Can Tho Regional 2020,…

Cậu cũng từng xếp thứ hạng 41/135 tại vòng chung kết ICPC World Finals danh tiếng; giành cúp Bạc Olympic Tin học sinh viên Việt Nam 2019 và vô địch Samsung Software Challenge,…

Chứng kiến học trò từng bước trưởng thành nhưng cũng không ít lần thất bại, thầy Thuận cho rằng: “Bách khoa đầu tư và khuyến khích, nhưng không có ưu tiên nào cho các bạn thi Olympic trong việc học ở trường. Do đó, không ai có thể giúp em vượt qua được khó khăn này ngoài chính sự tự chiến thắng bản thân và vươn lên”.

{keywords}

Anh Đức và các sinh viên đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham dự ICPC World Finals 2019

Ngày 6/9, Lê Anh Đức là một trong số những sinh viên được vinh danh tại Lễ tốt nghiệp năm 2021 của Viện Công nghệ Thông tin & Truyền thông. Gửi lời chia sẻ đến thầy cô và các bạn, Anh Đức xúc động nói: “Cảm ơn Bách khoa đã cho tôi thất bại. Cảm ơn gia đình, thầy cô và bạn bè đã giúp tôi đứng lên”.

Sau 5 năm học với nhiều thách thức, trong lễ bảo vệ tốt nghiệp, Đức đạt giải Sinh viên trình bày tốt nhất hội đồng lớp Kỹ sư tài năng, nhận giải thưởng Best Presentation Award của Viện Công nghệ Thông tin & Truyền thông, tốt nghiệp với tấm bằng Giỏi và trở thành Kỹ sư phần mềm tại một công ty công nghệ của Singapore ngay khi vừa tốt nghiệp.

Nhìn lại quãng thời gian đã qua, cậu cho rằng, “học tại Bách khoa đã tôi luyện cho em ý chí đào sâu, nghiên cứu để giành được một thành tích nào đó. Bách khoa khắc nghiệt, nhưng cũng nhờ đó, em biết mình vẫn có thể vượt qua nếu như có sự nỗ lực hơn”.

Lê Anh Đức cho rằng, Covid-19 gây ảnh hưởng về nhiều mặt, nhưng lại là cơ hội cho các sinh viên ngành Công nghệ thông tin. Để có thể tìm được một công việc như ý trước khi ra trường, theo Đức, việc tham gia vào các cuộc thi cũng là cách để các công ty biết và chủ động tìm đến mình.

Ngoài ra, có thể trực tiếp liên hệ tới các công ty, doanh nghiệp mà mình mong muốn ứng tuyển.

“Với những sinh viên mới ra trường, em nghĩ rằng cần tập trung thời gian để lấy kinh nghiệm thực tế. Ban đầu, mình có thể tìm đến những “bến đỗ” sẵn sàng chấp nhận việc mình bắt đầu từ con số 0. Khi đã học được nhiều thứ, mình sẽ tiếp tục lặp lại quá trình ấy, dần dần hồ sơ sẽ dày dặn thêm và có thêm nhiều kinh nghiệm ở các vị trí khác nhau. Cơ hội việc làm từ đó cũng sẽ rộng mở hơn cho các tân cử nhân”.

Thúy Nga

9X thấm thía 'học để làm gì' sau 1 năm gap year

9X thấm thía 'học để làm gì' sau 1 năm gap year

Đỗ vào ĐH Ngoại thương, nhưng Tú quyết định tạm dừng việc học sau 1 năm để đi tìm mục tiêu sống của bản thân.

Thất bại đầu tiên của nam sinh “luôn gặp thành công”

Thất bại đầu tiên của nam sinh “luôn gặp thành công”

 - "Xã hội Việt Nam còn thiếu sự tôn trọng cho thất bại. Đây là hệ quả của việc giáo dục vẫn coi trọng kết quả hơn quá trình. Cố gắng và tiến bộ chưa bao giờ là tiêu chí đánh giá học sinh".

Từ cú sốc đầu đời đến công việc mơ ước tại Google

Từ cú sốc đầu đời đến công việc mơ ước tại Google

 Huỳnh Anh Huy hiện đang là kỹ sư phầm mềm cao cấp ở Google với 8 năm gắn bó ở tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.