Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Ngãi về việc bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo cử tri, việc bổ sung trên nhằm bảo đảm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện, phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đồng thời, cử tri kiến nghị Bộ GTVT nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 24, đoạn từ thị trấn Ba Tơ (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đến giáp xã Hiếu (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum).
Trả lời kiến nghị, Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở đề nghị của tỉnh Quảng Ngãi, Bộ đã giao Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, rà soát bổ sung đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, Bộ đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình rà soát, điều chỉnh theo quy định.
Về nâng cấp, mở rộng một đoạn Quốc lộ 24, Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quốc lộ 24 dài 225km, quy mô cấp III, 2-4 làn xe.
Hiện trạng đoạn tuyến cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, trong đó, đoạn Km0+000 - Km8+000, một số đoạn từ Km8 - Km165 (khoảng 57,2 km) và từ Km165+000 đến cuối tuyến (tại nút giao đường Hồ Chí Minh) đã hoàn thành đưa vào khai thác.
Một số đoạn xung yếu dài khoảng 41,8km được đầu tư từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã hoàn thành trong năm 2022.
Bộ GTVT nhận định, nhu cầu đầu tư đoạn Quốc lộ 24 (khoảng 57km) như cử tri đề nghị nhằm bảo đảm tính đồng bộ, phát huy hiệu quả tuyến đường là cần thiết.
Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể cân đối để thực hiện thêm các dự án mới (bao gồm cả Quốc lộ 24 đoạn còn lại).
“Căn cứ nhu cầu đầu tư theo kiến nghị, Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét bố trí vốn để triển khai đoạn tuyến khi có nhu cầu vận tải và điều kiện về nguồn lực.
Trước mắt, Bộ giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp các bên liên quan tăng cường công tác kiểm tra, rà soát và duy tu, sửa chữa đối với đoạn tuyến đáp ứng nhu cầu vận tải, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông”, Bộ GTVT nêu.