Mục đích làm đường vành đai là để các luồng phương tiện có thể di chuyển từ hướng này tới hướng khác của thành phố, từ tỉnh này tới tỉnh khác mà không xung đột với luồng phương tiện di chuyển trong trung tâm của đô thị.

Hàng dài ô tô nối đuôi nhau nhích từng chút một trên đường vành đai 3 (Ảnh: Đình Hiếu) 

Tuy nhiên, thời gian qua, các cửa ngõ, nút giao trên những điểm đầu đường vành đai tại Hà Nội, TP. HCM thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc mỗi dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5, Tết Dương lịch, Âm lịch. 

Thậm chí, vào giờ cao điểm mỗi ngày, những con đường tưởng chừng là “lối thoát” cho hàng ngàn phương tiện lại trở thành nỗi ám ảnh của không ít chủ xe.

Đường vành đai thiếu liên thông

Trả lời VietNamNet, chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh: Quy hoạch các công trình giao thông trong đó có đường vành đai đang thiếu sự liên thông và không khoa học. 

“Các đường vành đai không nối kết, không có đường liên thông với nhau. Thậm chí việc nối kết giữa đường vành đai với các đường khác cũng rất khó khăn. Đó chính là nguyên nhân gây ùn tắc, không chỉ trong những dịp cao điểm lễ tết mà ngay cả ở những giờ cao điểm mỗi ngày”, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh. 

Ông dẫn chứng, giống như làm một cái cống, một cái mương phải tính nước đến đổ về đâu. Đường vành đai phải tính đến lối thoát cho các dòng xe, phương tiện.  Thế nhưng, trên thực tế hiện nay, các đường vành đai không kết nối với nhau. 

 “Chính đường vành đai lại gây ra ùn tắc nhiều hơn. Vì xe dồn vào đó mà không có đường thoát”, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh. 

Đáng lưu ý, theo TS. Thuỷ, việc nhà chức trách làm đường vành đai nhưng lại "quên" một việc rất quan trọng là mở rộng đường ở các cửa ngõ thành phố. 

“Ví dụ như cửa ngõ về đường 5, cửa ngõ ra Pháp Vân - Cầu Giẽ, tôi đã đề nghị rất nhiều lần về việc khoảng 20km đầu tiên phải mở rộng ra để đón phương tiện rất lớn trong những ngày lễ, ngày Tết. Đây là những nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc. Nhưng, việc này không ai lắng nghe”, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho hay. 

Trong khi, ùn tắc  tại đường trên cao nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa được giải quyết triệt để thì Hà Nội lại làm tiếp cầu cạn vành đai 3 vượt hồ Linh Đàm. Trong đó, có cầu vòm sắt dành cho xe máy với kỳ vọng sẽ giảm tải lưu lượng giao thông cho nút giao Thanh Xuân và nút giao Pháp Vân.

TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải (Ảnh: N. Huyền)

Cầu vòm sắt được kỳ vọng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng, khu vực bán đảo Linh Đàm; khép kín đồng bộ tuyến đường vành đai 3 khu vực hữu ngạn sông Hồng. Tuy nhiên, đến nay dù đã hoàn thành nhưng cầu sắt vẫn chưa đi vào hoạt động.

Ông cho rằng, muốn quy hoạch đường vành đai cần phải có biểu đồ về lưu lượng vận tải hành khách thay đổi qua từng năm và dự báo trong tương lai. 

“Lúc đó, chúng ta mới xem xét nơi đó có cần làm đường vành đai hay không? Khi làm đường vành đai 3 ở Hà Nội, đã không tính toán tốt cho nên hiện nay, mỗi năm tăng hơn 40 vạn xe, đường vành đai 3 không đáp ứng được nhu cầu thực tế”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh. 

Cần có tổng công trình sư chịu trách nhiệm 

Mạng lưới giao thông hiện nay với hơn 350.000km trong đó đường cao tốc khoảng hơn 1.500km, quốc lộ 20.000km, còn lại là đường giao thông nông thôn. 

Với mạng lưới giao thông khổng lồ như vậy, theo TS. Nguyễn Xuân Thủy phải có sự điều hành một cách khoa học, trách nhiệm, đặc biệt, cần phải có người chịu trách nhiệm.

Ông cho rằng những người làm đường vành đai đó phải chịu trách nhiệm trước nhà nước về vấn đề thời hạn, chất lượng, hiệu quả chứ không thể làm xong là hết trách nhiệm. 

Theo đó, việc tính toán, lập quy hoạch giao thông đòi hỏi phải là người có tư duy logic. Việc liên thông giữa các đường vành đai phải có một tổng công trình sư được Thủ tướng chỉ định. 

"Tôi cho rằng phải có người chịu trách nhiệm trước nhà nước về mạng lưới giao thông của các đô thị trong đó có Hà Nội, TP.HCM. Người đó phải giải được bài toán: Hệ thống giao thông trong đó có đường vành đai liên thông như thế nào? Điều này được giải thích bằng mũi tên, bằng các ký hiệu về sự liên thông. Phải tính toán được dòng người đổ về đâu.

Ví dụ, tuyến Nguyễn Trãi, mỗi ngày ước tính khoảng 40 vạn người, một giờ cao điểm có thể lên tới 10 vạn người. Những cái đó phải vẽ thành biểu đồ, từ đó mới kiến giải được nơi nào cần vành đai, nơi nào không cần vành đai”, TS. Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ.