- Nhà biên kịch Phan Thanh Tú, một trong những nghệ sĩ ký vào lá đơn kiến nghị xung quanh việc thất thoát 42 tỉ đồng ở Cục Điện ảnh khẳng định phải lên tiếng để khỏi xấu hổ với chính mình.
Cục Điện ảnh mất 42 tỉ: ai xấu hổ?
Cục Điện ảnh đánh mất 42 tỉ, nghệ sĩ tròn mắt
Nghệ sĩ bức xúc vì Cục Điện ảnh làm mất 42 tỉ đồng
Tôi làm việc trong ngành điện ảnh cũng gần suốt cuộc đời nhưng so với các bậc đàn anh thì còn chưa thấm vào đâu. Thân thiết với điện ảnh đủ để có nhiều bạn bè ở tất cả các hãng phim nhà nước. Vậy nên tôi biết cuộc sống của các nghệ sĩ điện ảnh đang còn rất nhiều khó khăn. Ai bươn chải đi làm thêm nhiều thì cuộc sống mới kha khá, còn những người chỉ thu nhập gói trọn ở cơ quan thì có thể nói rất… đói. Làm gì cũng phải tính đến từng đồng.
Tôi biết có những nhà biên kịch tuy có vài kịch bản phim ngắn được sản xuất trong một năm vẫn phải đi kèm học sinh học thêm. Có chị vào nghề được vài năm, viết lách cũng được nhưng vẫn phải nhịn ăn sáng, có khi nhịn cả ăn trưa, bụng cứ sôi sùng sục, cứ phải giở tờ báo kêu cho tiếng sột soạt át tiếng sôi bụng đi mà trong lòng vẫn yêu điện ảnh. Thật là bi hài kịch, nghĩ mà rớt nước mắt...
NBK Phan Thanh Tú
Việc Cục Điện ảnh làm thất thoát 42 tỉ đã làm cho tất cả giới điện ảnh bàng
hoàng, không thể tin nổi bởi trước đến nay chưa có vụ thất thoát quá lớn như thế
xảy ra. Đi đến đâu, gặp ai tôi cũng thấy họ nói về việc này. Sau khi vụ việc xảy
ra, thỉnh thoảng chúng tôi lại nghe được thông tin là các anh lãnh đạo cục bị
lừa, bị nó ký giả...
Nếu bị lừa thì chỉ bị một lần,
còn đây diễn ra trong vòng mấy năm. Nếu bị lừa một lần thì phải xem trách nhiệm
thuộc về ai và cẩn tắc, rút kinh nghiệm và không bao giờ để xảy ra nữa, giống
như nhà mình mất cắp thì phải làm ngay lại cửa hay thay khóa.
Ai cũng biết, lấy một đồng ở một cơ quan đều phải có vài chữ ký. Ra ngân hàng
lĩnh tiền của mình cũng phải trình đủ thứ nên việc chữ ký giả mà các vị trong
cuộc tung ra tôi nghĩ là khó khả thi. Sao có thể nói là chữ ký giả trong khi
tiền thì một "tấn" như vậy. Mà giả gì mà giả những 3 năm. Anh Minh thì tôi không
biết còn anh Lại Văn Sinh là người cùng cơ quan khá lâu, lại làm giám đốc Hãng
phim Tài liệu khoa học. Anh là người rất kỹ với người khác. Tôi nghĩ cậu kế toán
chả có chức vụ gì kia khó có thể lừa được anh Sinh Cục trưởng.
Vụ việc cứ để lâu như thế, ở đâu anh em cũng ì xèo. Nhưng mọi người lại yên tâm
vì lúc này chắc là Chính phủ đang bận bầu các đồng chí lãnh đạo mới nên phải sau
khi có Bộ trưởng mới thì chắc mới có sự mãn nhiệm gì đó. Tuy nhiên, Bộ trưởng
mới đã được cử từ lâu mà vụ việc vẫn chưa tiến triển gì, cứ như là ngành điện
ảnh chưa hề mất mát một đồng nào. Điều này càng làm cho các nghệ sĩ bức xúc.
Tôi nghĩ, chúng ta những người
đang được sống trong hòa bình hôm nay, chúng ta còn nợ hàng triệu chiến sĩ đã
chiến đấu, đã hy sinh, mất mát vì đất nước này. Ngành điện ảnh cũng còn nợ lịch
sử rất nhiều, còn cần phải làm nhiều bộ phim về cuộc kháng chiến vĩ đại và thần
thánh của dân tộc với bao xương máu của đồng bào đồng chí mà tới nay chúng ta
vẫn chưa làm được những bộ phim xứng tầm lịch sử.
Mấy năm trước, tôi cùng nhóm biên kịch của Hãng phim TLKH được phân công viết 12
tập phim về chiến tranh Việt Nam. Cơ quan giục khẩn trương nên chúng tôi phải
thức đêm hàng tháng để viết cho xong. Kịch bản đã được duyệt lâu mà chờ mãi phim
không được làm. Thấy giám đốc hãng tôi nói là bộ phim Chiến tranh Việt Nam này
là do đạo diễn Lại Văn Sinh là tổng đạo diễn, anh Sinh là Cục trưởng bận, chưa
"tính" được người làm nên cuối cùng số tiền cấp về cho Hãng để làm phim đành
phải trả về trên.
Nghe nói giờ đây số tiền 42 tỉ đã
mất thì bộ phim cũng coi như bỏ đi. Thấy mà đau xót. Công sức cả tháng viết
không được tính công nữa là một chuyện, còn bộ phim lịch sử lớn lại bỏ cả đi thì
tính sao đây? Vậy mà những người liên quan, có trách nhiệm trực tiếp đến 42 tỉ -
tiền của nhân dân, tiền của nhà nước, được cấp để làm những bộ phim trong đó có
những bộ phim về lịch sử, về cuộc cách mạng oai hùng của dân tộc ta lại vẫn nhởn
nhơ, vẫn lãnh đạo cả một ngành, vẫn hàng ngày "răn dạy" giới nghệ sĩ, mà đại đa
số là những con người chân chính, thì thử hỏi còn ra làm sao?
Khi tôi nhìn thấy hình ảnh một nghệ sĩ nhân dân đã về hưu từ lâu, không còn được
hưởng gì nữa quyền lợi từ 42 tỉ (nếu nó chưa bị đánh cắp) đạp xe đi lấy chữ ký
của anh em nghệ sĩ, tôi cảm thấy hổ thẹn với chú ấy. Chúng tôi còn trẻ hơn, lại
có xe máy mà không làm được như chú ấy. Còn việc ký vào tờ đơn thì quá đơn giản.
Nó là mong muốn của không chỉ những người đã ký vào tờ đơn mà của đa số nghệ sĩ
rồi.
Ở ta bây giờ người ta hay nói câu này: "Cái gì không mua được bằng tiền thì mua
được bằng nhiều tiền". Phim ảnh cũng hay nói như vậy. Nghe câu đó mà đau xót vô
cùng. Vậy nên một số nghệ sĩ đã lên tiếng. Tôi vô cùng khâm phục họ. Và tôi thấy
cần lên tiếng để không xấu hổ với chính mình.
Tôi vẫn luôn tin vào sự sáng suốt của cấp trên, của những cơ quan có trách
nhiệm. Không vì quan hệ nể nang cá nhân hay vì lý do nào khác mà lại để cho sự
việc này "chìm xuồng" như một nghệ sĩ đã nói. Đối với lĩnh vực văn học nghệ
thuật, nếu anh để sai đi thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Lòng tin vào Đảng
và Nhà nước của giới nghệ sĩ điện ảnh và của đông đảo nhân dân đang chờ các cấp
xử lý sớm trường hợp thất thoát 42 tỉ đồng ở Cục Điện ảnh.
Hiện
tại đã có các nghệ sĩ sau ký tên vào đơn kiến nghị: Các NSND Trần
Phương, Thế Anh, Đoàn Dũng, Nguyễn Khắc Lợi, Nguyễn Lương Đức;
PGS.TS.NSƯT Trần Duy Hinh, TS điện ảnh Nguyễn Thị Việt Nga, đạo diễn Vũ
Trụ, biên kịch Phan Thanh Tú... Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, sau khi VietnamNet đăng tải loạt bài các nghệ sĩ lên tiếng về vụ thất thoát 42 tỉ đồng, chiều 26/8, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái đã xuống Cục Điện ảnh làm việc và quyết định cho hai lãnh đạo Cục Điện ảnh thôi làm trưởng, phó ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam 2011 sắp tới. Theo đó, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái sẽ đảm nhiệm vị trí trưởng ban tổ chức LHP Việt Nam 17. TS, nhà lý luận phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan, Cục phó Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ VHTTDL, người trước đây từng là trưởng phòng nghệ thuật Cục Điện ảnh sẽ làm phó BTC. |
Hạnh Phương
(ghi)