Tối 11/6, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 do Cục NTBD (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) chủ trì đã khai mạc tại TP Thái Nguyên.

Liên hoan có 23 vở diễn, 19 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập tham gia. Số đoàn và vở diễn năm nay có sự sụt giảm, thấp hơn liên hoan năm 2021 (20 đơn vị, 26 vở diễn), thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. 

Một số ý kiến cho rằng sự sụt giảm này liên quan tới quy chế cuộc thi. Theo đó, chỉ đơn vị nghệ thuật kịch nói trong và ngoài công lập mới được tham gia. Quy chế cũng bắt buộc diễn viên đóng vai chính, thứ chính phải được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã tham gia biểu diễn nghệ thuật kịch nói liên tục từ 3 năm trở lên của đơn vị nghệ thuật có tư cách pháp nhân. Ngoài ra, tác phẩm tham gia liên hoan không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và của nước ngoài.

Nhiều ý kiến trong ngành không đồng tình vì quy định này sẽ khiến các trường đào tạo về lĩnh vực sân khấu kịch nói vắng bóng tại liên hoan. Trong khi đó, sinh viên theo học tại các trường là nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn, cần được trau dồi kỹ năng nghề nghiệp thông qua các cuộc thi.

Chia sẻ với VietNamNet về những lùm xùm này, NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục NTBD cho rằng, quy chế tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 được xây dựng trên tinh thần kế thừa từ những liên hoan trước. 

403398511_1045013536604204_8822495024154133149_n.jpg
Vở "Bến nước thời gian" của Nhà hát Tuổi trẻ diễn mở màn Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024. 

Theo bà Ly, quy định "không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài” đã có trong nội dung của quy chế Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021. Mục đích của quy chế nhằm khuyến khích các đơn vị nghệ thuật tập trung xây dựng những tác phẩm chất lượng cao, mang hơi thở cuộc sống đương đại, đi thẳng vào những vấn đề thời sự của đời sống.

"Việc sử dụng mốc thời gian năm 2005 để làm căn cứ các đơn vị nghệ thuật lựa chọn tác phẩm tham gia bởi nó là năm đánh dấu sự ra đời của Công ước 2005 do Đại hội đồng UNESCO bỏ phiếu thông qua. Công ước này có hiệu lực đã trở thành cảm hứng và cơ sở pháp lý để ban hành quy định pháp luật, chính sách nhằm bảo vệ và phát huy sự đa dạng trong biểu đạt văn hóa", bà Ly cho biết.

Về quy định "diễn viên đóng vai chính, thứ chính tham gia liên hoan phải là những người được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã tham gia biểu diễn nghệ thuật kịch nói liên tục từ 3 năm trở lên của đơn vị nghệ thuật có tư cách pháp nhân", bà Ly khẳng định cũng không nằm ngoài mục đích động viên khuyến khích và tạo điều kiện cho những nghệ sĩ yêu nghề, thường xuyên có hoạt động chuyên môn.

"Sự gắn bó, ổn định của diễn viên trong các đơn vị cũng đã tạo nên thương hiệu của đơn vị đó, tránh tình trạng vay mượn nghệ sĩ chỉ để đi dự thi lấy giải, lấy huy chương. 

Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 là hoạt động định kỳ do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức cho đối tượng là các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập có tư cách pháp nhân. Quy định này chúng tôi vẫn kế thừa quy chế năm 2021.

Hơn nữa, với đối tượng sinh viên ở các trường văn hoá nghệ thuật, họ đã có sân chơi riêng như hội thi tài năng học sinh, sinh viên tại cơ sở đào tạo văn hoá nghệ thuật toàn quốc do Bộ VHTTDL thường xuyên tổ chức nhiều năm qua", bà Ly thông tin.

Theo quyền Cục trưởng Cục NTBD, sau mỗi lần tổ chức liên hoan nghệ thuật, ban tổ chức luôn mong nhận được những ý kiến đóng góp tích cực từ các cơ quan quản lý, đơn vị truyền thông, nhà sáng tạo cũng như từ nghệ sĩ trực tiếp tham gia để rút những kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp ở các kỳ tổ chức sau.

Thậm chí, trong quá trình tổ chức liên hoan có thể xảy ra những rủi ro hoặc sự cố ngoài ý muốn. Căn cứ tình hình thực tế, ban tổ chức cũng sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL xem xét, quyết định, điều chỉnh cho phù hợp.

Trích đoạn trong vở "Bến nước thời gian"