Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), căn cứ quy định tại Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về PCRT (Nghị định 74), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 1002/QĐ-NHNN ngày 08/7/2005 về việc thành lập Trung tâm Thông tin PCRT trực thuộc NHNN. Theo đó, Trung tâm Thông tin PCRT là đơn vị sự nghiệp, có con dấu riêng để giao dịch, có chức năng làm đầu mối để tiếp nhận, xử lý thông tin và thực hiện các nhiệm vụ liên quan được quy định tại Nghị định 74.

Để đáp ứng yêu cầu về công tác PCRT trong tình hình mới, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 476/QĐ-NHNN ngày 07/3/2007 về việc thành lập Trung tâm Thông tin PCRT. Theo đó, Trung tâm Thông tin PCRT là đơn vị trực thuộc NHNN, có con dấu riêng, có chức năng làm đầu mối tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin PCRT và giúp Thống đốc thực hiện nhiệm vụ quy định tại Nghị định 74.

Tiếp theo, Trung tâm Thông tin PCRT cùng với 3 đơn vị khác là Thanh tra Ngân hàng, Vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác hợp nhất thành Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Theo Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trung tâm Thông tin PCRT được đổi tên thành Cục PCRT thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 12/6/2014 thay thế Quyết định số 83/2009/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN. Theo đó, Cục PCRT tiếp tục là một đơn vị trực thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg ngày 12/6/2019 thay thế Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 12/6/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN. Theo đó, Cục PCRT tiếp tục là một đơn vị trực thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Ngày 29/8/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, đã công bố Dự thảo Đề án thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền, trên cơ sở tổ chức lại Cục Phòng, chống rửa tiền (trước đây thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) thành Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN. Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân và trình Thủ tướng Chính phủ.

Đầu mối tham mưu

Theo NHNN, hiện tại, Cục Phòng, chống rửa tiền đang là đơn vị đầu mối tham mưu cho các cấp trong nhiều việc, như: xây dựng thông tư của Thống đốc NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền (giai đoạn 2021 - 2025) và thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền (giai đoạn 2018 - 2022)...

Cục Phòng, chống rửa tiền còn đảm nhiệm công tác tiếp nhận thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và các thông tin khác nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền; phân tích, xử lý báo cáo, thông tin nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc tội phạm khác liên quan đến rửa tiền theo quy định của pháp luật.

Cục Phòng, chống rửa tiền còn thực hiện theo quy định của pháp luật và theo phân cấp, ủy quyền của Thống đốc NHNN trong việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác liên quan đến rửa tiền. Cục Phòng, chống rửa tiền cũng phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan có chức năng thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Trong các báo cáo mà đến nay Cục Phòng, chống rửa tiền xây dựng, có báo cáo phân tích chiến lược phân tích xu hướng của nhóm tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ trực tuyến, gửi đến các Bộ, ngành có liên quan và các Vụ, Cục có liên quan của NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; báo cáo chiến lược về chuyển tiền quốc tế ra khỏi hoặc vào Việt Nam.

Theo đánh giá của các cơ quan tiếp nhận thông tin chuyển giao, đặc biệt là các đơn vị thuộc Bộ Công an, thông tin giao dịch đáng ngờ do Cục Phòng, chống rửa tiền cung cấp đã góp phần quan trọng vào công tác điều tra các vụ án, đặc biệt liên quan đến các tội phạm nguồn của tội phạm rửa tiền, như: đánh bạc, chuyển tiền bất hợp pháp, lừa đảo; các vụ việc liên quan đến thuế, hải quan. Nhờ đó, cơ quan chức năng đã tiến hành truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Các thông tin chuyển giao của Cục Phòng, chống rửa tiền cho các cơ quan có thẩm quyền còn giúp các cơ quan quản lý nhà nước xác định những dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý, để từ đó có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời; thực hiện công tác thanh tra, giám sát, tuyên truyền, đào tạo trong việc triển khai các quy định của pháp luật và chuyển cho cơ quan chức năng thụ lý hồ sơ để khởi tố, truy tố, xét xử.

Bên cạnh việc chuyển giao thông tin chủ động từ kết quả xử lý báo cáo giao dịch đáng ngờ, trong những năm gần đây, số lượng lượt văn bản của các cơ quan chức năng đề nghị Cục Phòng, chống rửa tiền phối hợp cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra, giám sát, thi hành án gia tăng nhanh chóng. Theo phản ánh của các đơn vị tiếp nhận, thông tin, tài liệu do Cục Phòng, chống rửa tiền cung cấp là kênh thông tin vô cùng hữu ích, hỗ trợ tích cực cho các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Qua đó, giúp các cơ quan, đơn vị này nhanh chóng xác định được mục tiêu, đối tượng; giảm đáng kể thời gian trinh sát, xác minh, điều tra; giúp các cơ quan quản lý nhà nước xác định được những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Theo thống kê, từ năm 2009 đến tháng 6/2023, Cục Phòng, chống rửa tiền tiếp nhận khoảng 19.400 báo cáo giao dịch đáng ngờ; trong đó, có rất nhiều đề nghị liên quan đến các vụ án lớn gây chấn động dư luận thời gian vừa qua.

Cục Phòng, chống rửa tiền đã chuyển giao thông tin cho cơ quan chức năng gần 8.694 báo cáo, liên quan đến khoảng 1.262 vụ việc, giúp cơ quan điều tra thu thập nhiều bằng chứng, chứng cứ thuyết phục trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Như Sỹ và nhóm PV, BTV