Hình ảnh nhân vật ám ảnh trong game hướng dẫn tự sát Momo xuất hiện trên YouTube. |
Phát biểu với ICTnews mới đây, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho rằng, Cục Trẻ em đã vô trách nhiệm với vụ việc có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng trẻ em như vậy. Cho đến ngày hôm nay (4/3), trên trang web chính thức của Cục cũng không hề đăng một dòng cảnh báo nào tới phụ huynh và nhà trường liên quan đến việc các clip game có hình ảnh và âm thanh rùng rợn, đe dọa trẻ em đang lan truyền trên mạng xã hội.
“Ít nhất Cục trưởng Cục Trẻ em phải phát ngôn trên báo chí để cảnh báo, sau đó có công văn chính thức gửi tới các trường học. Nhưng đến giờ trên trang web của Cục không có lấy một dòng cảnh báo, như vậy là khá vô trách nhiệm”, ông Nguyễn Quang Đồng cho hay.
Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Quang Đồng cũng cho rằng, việc các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam yêu cầu mạng xã hội gỡ, chặn cũng không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Mà trước mắt chỉ có cách chủ động tuyên truyền, hướng dẫn trong các trường học và phụ huynh cảnh giác để bảo vệ trẻ em, học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cục Bảo vệ trẻ em cần ngay lập tức có một công văn thông báo trên toàn hệ thống giao dục để cảnh báo. Các cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước như VTV1, VOV cần phải được yêu cầu cảnh báo, truyền thông điệp mạnh mẽ trong công đồng.
Về dài hạn, cần phải có một hệ thống tham gia bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, Cục Bảo vệ trẻ em cần có một bộ phận chuyên trách cho vấn đề an toàn mạng (nhiều nước đã có hẳn một cơ quan riêng). Cơ quan này làm nhiệm vụ phản ứng nhanh với những trường hợp đe dọa an toàn người dùng, rồi hướng dẫn quy chuẩn an toàn, quy trình phản ứng và xử lý của các cơ quan nhà nước với các trường hợp đe dọa an toàn đó.
Đối với các mạng xã hội, cần phải hoàn thiện các công cụ chặn và lọc nội dung tiêu cực, về mặt pháp lý các quốc gia đều yêu cầu ngăn chặn các nội dung có ảnh hưởng xấu tới trẻ em. Nhưng trên thực tế các mạng xã hội hiện chỉ lọc bằng hai cách: Lọc bằng thủ công, con người kiểm duyệt nội dung và chặn. Cách 2 là dùng trí tuệ nhân tạo lọc tự động, các mạng xã hội đang chạy đua để phát triển công cụ này.
“Nội dung số giờ là toàn cầu, xu hướng tìm kiếm người dùng lan theo trend từ nước này sang nước kia. Do đó, quản lý nội dung số cần có sự chủ động, dùng truyền thông là công cụ chính, chứ không phải cơ quan nhà nước chỉ ra lệnh gỡ là xong là giải quyết được vấn đề, không phải gỡ xong là không còn lo lắng gì nữa. Truyền thông cần phải được dụng làm công cụ chính đối với mục tiêu bảo vệ người dùng Internet, bảo vệ trẻ em Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh.