-Gần đây, dư luận xôn xao việc bản thảo cuốn sách "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" dù đã gửi bản thảo đi khắp các NXB hơn một năm qua nhưng vẫn chưa được ra đời. Báo VietNamNet đã có buổi trao đổi với ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và phát hành để làm rõ hơn về vấn đề này.

Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm tới việc bản thảo cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” của Công ty sách Trí Việt - First News đã kinh qua nhiều NXB trong hơn 1 năm qua nhưng vẫn chưa được xuất bản. Có ý kiến cho rằng, nó bị ‘ách’ ở Cục xuất bản, điều này có đúng không, thưa ông?

Tôi đánh giá Trí Việt-First News là một đơn vị sách tư nhân rất có ý thức vì đây là đơn vị đầu tiên đệ đơn ra tòa để kiện sách in lậu. Đây cũng là một đơn vị rất có ý thức đưa sách vào trong các nhà tù. Còn về cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” tôi cũng đã trao đổi với giám đốc Trí Việt – First News và biết cuốn sách cũng đã gặp khó trong xuất bản trong suốt một năm qua. First News đã đấu tranh bền bỉ để cho ra bằng được cuốn sách này. Ở đây sự nhiệt tình là rất rõ và tấm lòng là không nghi ngờ. Đây là một hành động hết sức khuyến khích và đáng khích lệ. Quan điểm cá nhân tôi với tư cách Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành hoàn toàn ủng hộ và không hề có ý kiến cản trở gì.

Nếu đã đụng chạm về một vấn đề thuộc chủ quyền biển đảo, tưởng nhớ đến tâm linh các liệt sỹ, tinh thần yêu nước thì cái đó không chỉ cá nhân tôi mà cả dân tộc đều ủng hộ. Cho nên, tiếng nói ngày hôm nay có nói ra về một vấn đề nào đó không hàm ý, thanh minh, đổ lỗi mà chỉ nhằm cung cấp thông tin để chúng ta nhìn ra phải làm gì tiếp theo. Chứ không nên đặt nặng vấn đề làm rõ trách nhiệm của ai. Bởi, trước một vấn đề rất chung của dân tộc đó là lòng yêu nước, đó là sự biết ơn với các anh hùng liệt sĩ thì những gì chúng ta làm chưa được sẽ cùng trao đổi để làm tốt hơn.

{keywords}
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành

Tôi xin khẳng định rằng, với tư cách là Cục trưởng Cục xuất bản, In và phát hành, cho tới thời điểm này, tôi chưa nhận được một chỉ đạo nào bằng văn bản hay chỉ thị bằng miệng về việc không cho cuốn này ra đời cả. Bằng chứng là đã 2 lần Cục xác nhận cho đăng ký xuất bản cuốn này, cụ thể:

Đề tài này đã được đăng ký xuất bản ở NXB Công an nhân dân (CV129/X19 ngày 19/9/2014), nhưng sau đó NXB đã xin rút lại bản đăng ký xuất bản cuốn sách này, đề nghị Cục không xác nhận đăng ký xuất bản.

Tiếp đến, NXB Thông tấn đăng k‎ý xuất bản nhưng đổi tên thành:"Gạc Ma trong trái tim Việt Nam" tại CV số 46/KHXB ngày 9/6/2015, nhưng do còn thiếu thông tin về đối tác liên kết nên Cục Xuất bản, In và Phát hành đã không xác nhận và yêu cầu NXB bổ sung thông tin về đối tác liên kết, theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau khi yêu cầu bổ sung thông tin, không thấy NXB này hồi âm lại.

Vào tháng 5/2015, Cục đã xác nhận đăng k‎ý xuất bản đề tài trên cho Nhà xuất bản Thanh niên (CV số 1709/ XN- CXBIPH ngày 1/4/2015) nhưng đến nay cũng chưa thấy cuốn sách ra đời. Chúng tôi đang chờ NXB nộp lưu chiểu nhưng chưa thấy.

Sau đó đại diện công ty Trí Việt - First News có điện thoại cho tôi nói rằng cơ quan chủ quan không đủ năng lực để thẩm định nội dung. Với thiện chí mong muốn cuốn sách sớm ra đời, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có Công văn số 2139/CXBIPH-QLXB ngày 16/4/2015 hướng dẫn Công ty TNHH Văn hóa và Sáng tạo Trí Việt - First News chuyển bản thảo để đăng ký đề tài trên tại NXB Quân đội nhân dân. Tôi nghĩ đây là NXB có độ tin cậy lớn nhất về vấn đề này.

Tuy nhiên, Công văn chỉ mang tính khuyến nghị, quyền đăng ký và quyết định xuất bản vẫn thuộc về nhà xuất bản. Cho đến nay, không thấy NXB Quân đội nhân dân đăng ký đề tài này.

Như vậy, qua quá trình xác nhận đăng ký xuất bản đề tài “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” như đã nêu trên, có thể khẳng định, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản. Nhân dân có quyền thắc mắc tại sao cuốn sách lâu không được xuất bản nhưng cũng không nên vì thế mà suy diễn.

Vậy theo ông, cuốn sách đang ách ở khâu nào?

Về mặt cơ sở pháp lý, khi nhìn vào vấn đề ai cũng thấy bức xúc nhưng phải nhìn một cách khách quan. Theo luật quy định rõ ràng quyền ký quyết định xuất bản và phát hành là của Giám đốc, Tổng biên tập và không ai có thể thay thế họ. Và họ phải có trách nhiệm chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân về quyết định xuất bản một cuốn sách về nội dung chính trị. Do đó ở đây Giám đốc hay Tổng biên tập là người có toàn quyền in và phát hành cuốn sách và cũng là người chịu trách nhiệm toàn phần.

Về mặt quy trình, với một bản thảo thì NXB là người thẩm định và quyết định sẽ biên tập, in và phát hành cuốn sách. Nếu được họ sẽ gửi tên cuốn sách tới Cục xuất bản để đăng ký. Vì vậy, ở đây Cục Xuất bản, In và Phát hành không hề tiếp xúc với bản thảo, và cũng không có quyền yêu cầu NXB trình bản thảo. Lại càng không có quyền bác bản thảo của họ. Do đó, bản thảo chỉ đến được cấp cao nhất là giám đốc, tổng biên tập NXB và họ chính là những người chịu trách nhiệm cao nhất.

Cục Xuất bản, In và Phát hành chỉ có vai trò khi cuốn sách ra đời phải nộp lưu chiểu cho Cục. Và trong 10 ngày Cục được giao nhiệm vụ đọc xác suất chứ không phải đọc tất cả. Sau 10 ngày nộp lưu chiểu nếu thấy sai sót, Cục xuất bản, In và Phát hành sẽ yêu cầu dừng để sửa chữa. Đặc biệt, nếu có những vi phạm nghiêm trọng sẽ yêu cầu NXB ngừng phát hành. Ở đây có thể hiểu là mỗi tác phẩm khi đã in thành sách mới được đưa về Cục Xuất Bản, in và phát hành dưới dạng sách lưu chiểu.

Bản thảo cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức độ đăng ký xuất bản. Vậy nên Cục cũng không có quyền yêu cầu các đơn vị phải xuất bản, in cuốn sách. Thương lượng và trao đổi thì có thể nhưng để mà yêu cầu bằng pháp luật là không thể. Vì luật không cho phép. Có người không hiểu, cũng đặt câu hỏi sao Cục không thành lập Hội đồng. Điều này có thể có nhưng phải là sau khi cuốn sách đã được hoàn thiện. Mà chưa kể Hội đồng lập ra chỉ là để tư vấn có tính chất tham khảo chứ hoàn toàn không có quyền quyết định. Còn với trường hợp này, người có quyết định ở đây phải là lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông chứ không phải là Hội đồng. Tuy nhiên, ở đây muốn lập Hội đồng phải là những cuốn sách đã in và nộp lưu chiểu. Chứ ở mức độ bản thảo là quyền của NXB.

Có nghĩa là, vấn đề lớn nhất vẫn đang nằm ở các NXB thưa ông?

Có thông tin là bản thảo này đã qua nhiều NXB nhưng vẫn chưa được in. Tôi thì thấy thế này, không phải NXB nào khi tiếp cận bản thảo đều phải in, bởi có thể bản thảo đó phải phù hợp với tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ được ghi trong giấy phép của từng NXB. Rất có thể bên Trí Việt có đưa bản thảo đến các NXB, nhưng không đúng chức năng nhiệm vụ nên người ta không triển khai và chuyện này cũng có thể hiểu được.

Nhưng cũng có những NXB có chức năng như NXB Trẻ, NXB Thanh Niên, NXB Công An, NXB Quân Đội người ta có quyền làm và từ chối khi bản thảo không đáp ứng nhu cầu về mặt chuyên môn.

Về mặt quản lý kinh tế, họ cũng có quyền từ chối những bản thảo mà khả năng tài chính của họ không cho phép. Một cuốn sách in ra không cần thẩm định khác hẳn một cuốn phải lập hội đồng thẩm định.

Cho tới giờ, tôi vẫn chưa tiếp cận bản thảo đó nên không biết bản thảo đó như thế nào nhưng các NXB đã từ chối thì chắc có 3 lý do: Chất lượng bản thảo chưa đạt niềm tin để giám đốc, tổng biên tập ra quyết định xuất bản; Có thể có NXB chưa có chức năng nhiệm vụ trong giấy phép hoạt động; Có thể có NXB tích cực tham gia, quá trình hợp tác người ta không hợp tác nữa là do người ta không có điều kiện để thẩm định nội dung hoặc như thế nào đó,...Chứ không nên đổ cho các NXB là không có ý thức với vấn đề biển đảo.

Vậy, cuốn sách này sẽ không được xuất bản?

Hiện nay, Cục Xuất bản, In và Phát hành có Công văn số 1180/ XN- CXBIPH ngày 14/3/2016 đã xác nhận đăng ký xuất bản cho NXB Văn học đề tài “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” - Nhiều tác giả, Thiếu tướng Lê Mã Lương chủ biên.

Chúng ta cần phải làm gì để sau này, có những cuốn sách như thế này được ra đời sớm hơn thưa ông?

Để tránh những cuốn sách có giá trị bị tồn đọng, tôi cũng có đề nghị với Bộ TT&TT cho phép 3 tháng họp các Giám đốc, Tổng biên tập các NXB để trao đổi rà soát nhưng việc làm được và chưa được. Những cuốn sách hay đang bị ách ở khâu nào... Chúng tôi mời công khai báo chí họp. Trong buổi họp đó sẽ thống nhất ưu tiên những cuốn sách mang tính chính trị. Có thể Cục sẽ ủng hộ bằng cách cử đội ngũ biên tập mạnh đến các NXB để cùng nhau cho ra được những cuốn sách chất lượng.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Tình Lê

Sách về biển đảo được ưu tiên đặc biệt: 

Từ tháng 01/2010 đến ngày 14/3/2016, toàn Ngành đã xuất bản được gần 200 cuốn, với khoảng 350.000 bản về đề tài trên. Việc xuất bản những đề tài này không chỉ được các nhà xuất bản, công ty sách, nhà sách tư nhân đầu tư kinh phí mà Đảng, Nhà nước còn đầu tư kinh phí thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước hàng năm và sẽ tiếp tục được quan tâm, đầu tư xuất bản thông qua các chương trình, dự án khác.

Riêng đối với đề tài liên quan đến Gạc Ma, cho đến nay đã có 02 cuốn sách được xuất bản (Cuốn “Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm - Hải chiến Gạc Ma Trường Sa năm 1988 - NXB Văn học, 2014”; Cuốn “Chủ quyền biển đảo là thiêng liêng và bất khả xâm phạm - Đi qua Gạc Ma đến đảo Sinh tồn- NXB Thanh niên, 2014”). Ngoài ra, những nội dung liên quan đến trận chiến Gạc Ma năm 1988 cũng được đề cập rải rác trong khá nhiều các cuốn sách đã được xuất bản và phát hành về đề tài bảo vệ biên giới lãnh thổ.

Những cuốn sách trên đã được bạn đọc, dư luận đánh giá cao, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biển đảo Việt Nam và cổ vũ, động viên tinh thần yêu nước, giáo dục lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ bạn đọc.