– Đàn gia cầm ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) xét nghiệm phát hiện virus cúm A/H7N9. Chỉ cách Việt Nam một đường biên giới, trong bối cảnh nạn buôn bán gia cầm lậu vẫn tiếp diễn, nguy cơ dịch xâm nhập Việt Nam đang cận kề.


Trao đổi với báo chí ngày 11/2, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tính tới thời điểm này Trung Quốc đã ghi nhận 330 trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có 65 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân mắc cúm từ đầu năm 2014 tới nay có xu hướng gia tăng.
 
{keywords}
HTML clipboard

Tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc (TQ) tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và tăng cao so với năm 2013


Trong khi đó, tỉnh có đường biên giới chung với Việt Nam là Quảng Tây (Trung Quốc) đã có xét nghiệm cho thấy có virus cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm.

Các khu vực khác như Hong Kong, Đài Loan cũng đã ghi nhận những ca mắc sau khi trở về từ Trung Quốc đại lục. Hiện Tổ chức y tế thế giới (WHO) chưa khuyến cáo hạn chế đi lại nhưng đã khuyến cáo người dân không nên đến các chợ gia cầm.

Ông Phu đánh giá trong bối cảnh trên, việc Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9 nào “là một sự cố gắng lớn” nhưng cũng chưa thể biết là có thể giữ được đến mức độ nào.
Dịch sởi không bất thường

Về bệnh sởi đang trở lại ở nhiều địa phương, ông Trần Đắc Phu cho biết việc cách ly ca bệnh sởi là cần thiết nhưng khó. Vì thế cần tổ chức tiêm vét như thế nào cho phù hợp. Tháng 8 tới ngành y tế cũng sẽ tổ chức chiến dịch tiêm vắcxin sởi, rubella cho tất cả trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Cũng theo ông Phu, dịch sởi đang diễn ra không có gì bất thường, mà theo đúng chu kỳ 3-5 năm của dịch. Hiện nay tỷ lệ tiêm phòng sởi của cả nước đạt cao. Nếu tiêm mũi 1 thì khoảng 85% trẻ có miễn dịch, nếu tiêm thêm mũi 2 thì tăng lên 90%. Như vậy mỗi năm dư ra 5-10% trẻ tiêm rồi nhưng vẫn mắc, đến chu kỳ dồn lại thì thành dịch.

“Điều khó khăn hiện nay là dịch cúm A/H7N9 xảy ra trên đàn gia cầm song lại không có biểu hiện trên đàn gia cầm như với cúm A/H5N1. Nếu dịch vào Việt Nam, với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát như hiện nay thì công tác phòng, chống sẽ gặp khó”, ông Phu nhận định.

Để ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam, ông Phu cho rằng việc cần làm tốt là quản lý được dịch trên đàn gia cầm, đặc biệt là công tác phòng, chống gia cầm nhập lậu.

Hiện trong kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H7N9, 4 tình huống dịch vẫn diễn biến đúng như dự báo, công tác phòng chống vẫn tiếp tục (giám sát người nhập cảnh bằng máy đo nhiệt độ từ xa, giám sát người bị viêm phổi tại các bệnh viện, lấy mẫu gửi kiểm nghiệm và triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm tại các tỉnh).

Thời điểm này có nhiều loại cúm cùng hoạt động. Ông Phu cho biết cả WHO lẫn Việt Nam đang theo dõi có xuất hiện chủng mới không, lấy mẫu phân tích độc lực từng chủng (cả chủng cũ) để xem virus có biến đổi gene thành chủng có độc lực cao hay không.

clipboard Về dịch cúm A/H10N8, GS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết thời gian vừa qua ngành y tế đã xét nghiệm rất nhiều các ca bệnh viêm phổi nặng ghi ngờ do nhiễm virus cúm gia cầm, tuy nhiên cho đến thời điểm này tại Việt Nam vẫn chưa có trường hợp nào nhiễm cúm H10N8 ở người.

Thủ tướng Chính phủ: Phấn đấu không để cúm A/H7N9 xâm nhập

Ngày 10/2/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014

Công điện của Thủ tướng có yêu cầu Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là các bệnh dịch có nguy cơ bùng phát trong mùa Đông - Xuân, phấn đấu không để bệnh cúm A/H7N9 và các dịch bệnh nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh du lịch, tại các lễ hội; bảo đảm nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh.

Cẩm Quyên