Trao đổi với VietNamNet trưa nay, ông Võ Lê Nhật - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết thông tin trên.
Cụ Lê Thị Dinh. |
Theo ông Nhật, sau khi biết thông tin cụ bà Lê Thị Dinh từ trần, ngay trong sáng nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cử cán bộ sang tư gia của cụ Dinh để chuẩn bị tang lễ.
“Ý nguyện của gia đình ban đầu là nhờ đơn vị hỗ trợ cử hành làm tang lễ nhưng do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế đông người nên lễ tang sẽ do dòng tộc chủ trì”, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ.
Ông Nguyễn Như Trị (con trai của cụ Dinh) cho biết, cách đây 3 năm, cụ Dinh bị ngã và nằm liệt giường, sức khỏe yếu, được con cháu chăm sóc tại nhà.
“Thời gian gần đây, mẹ tôi sức khỏe yếu dần, không tiếp xúc được với nhiều người. Do tuổi cao, sức yếu, đến 13h45 ngày hôm qua (21/2), mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng”, ông Trị chia sẻ.
Cũng theo con trai của cụ bà Lê Thị Dinh, lễ an táng của cụ sẽ được gia đình, dòng họ tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng năm Tân Sửu (28/2).
Tài liệu lịch sử ghi lại cho biết, năm lên 8 tuổi, khi đang theo học trường Đồng Khánh, bà Lê Thị Dinh được Thánh Cung Hoàng hậu (vợ vua Đồng Khánh) gọi vào cung.
Đến năm 15 tuổi, khi Thánh Cung qua đời, bà Lê Thị Dinh chuyển sang hầu Đức Từ Cung - vợ vua Khải Định. Ở trong cung, là một người khéo tay nên bà Dinh cũng được tin tưởng để làm các loại mứt, bánh Huế vốn rất cầu kỳ và tinh xảo.
Mỗi tháng bà Lê Thị Dinh được trả 6 đồng tiền lương (có thể mua được 600 lon gạo).
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đức Từ Cung chuyển về cung An Định, sau đó về sống tại 147 Phan Đình Phùng (TP Huế), bà Lê Thị Dinh tiếp tục theo hầu.
Là cung nữ nhưng đồng thời cũng là con cháu hoàng tộc (cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến, em trai thứ ba của vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh), nên sau khi Đức Từ Cung qua đời, bà Lê Thị Dinh chuyển đến phủ Kiên Thái Vương để lo hương khói cho các vị vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi và Khải Định.
Cũng tại Phủ Kiên Thái Vương, từ năm 1997 có thờ thêm vua Bảo Đại.
Cung nữ cuối cùng
Nhà nghiên cứu văn hóa Huế - Trần Đại Vinh cho biết, bà Lê Thị Dinh được xem là cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn và “sự ra đi của bà là một mất mát lớn”.
“Bà Lê Thị Dinh là người có mặt trong suốt cung đình triều Nguyễn thời kỳ cuối nên có sự am hiểu kỹ về phong tục sống, cách trang điểm, các lễ nghi, lễ phục trong triều. Là người cụ thể tiếp cận được các cung cách của cung đình.
Sự ra đi của bà là rất đáng tiếc. Tuy nhiên, cũng may mắn, trong khoảng thời gian bà còn minh mẫn, bà cũng đã nhiều lần mở lòng để các nhà nghiên cứu, chuyên gia có dịp tiếp cận, hiểu rõ về một đoạn trong lịch sử phong kiến triều Nguyễn”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh chia sẻ.
Quang Thành
Kho cổ vật có một không hai của 'ông trùm' xứ Huế
Có duyên với cổ vật, nhất là trang phục cung đình triều Nguyễn, anh Hoàng dành cả đời để đi tìm những giá trị xưa cũ.