Căn nhà ở số 10 (đường Nguyễn Sinh Cung, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) chứa hàng nghìn cổ vật. Để có tài sản vô giá này, anh Nguyễn Hữu Hoàng (47 tuổi, quê huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đã mất 30 năm để sưu tầm.

{keywords}
'Ông trùm đồ cổ' Nguyễn Hữu Hoàng giữa các bộ trang phục cung đình nhà Nguyễn.

Anh Hoàng bắt đầu đam mê cổ vật từ khi mới 15, 16 tuổi.

“Đó là những năm tháng tôi chập chững bước vào con đường tìm hiểu cổ vật. Ban đầu, do tầm hiểu biết còn hạn hẹp nên tôi cũng chưa biết được cái nào là đồ cổ, tôi chỉ thấy thích chúng”, anh nói.

{keywords}
Anh sưu tập trên 100 bộ trang phục cung đình nhà Nguyễn.

Nghỉ học phổ thông, anh Hoàng học nghề thợ khảm. Làm nghề độ 2-3 năm, anh thành thạo và kiếm ra tiền. Anh dốc tiền kiếm được mua những món đồ xưa cũ về chơi.

Anh mê đồ cổ đến mức, lúc khoảng 20 tuổi, bỏ xe đạp lên xe đò, anh ra TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) rồi đạp xe đến các huyện huyện Gio Linh, Cam Lộ… lên núi, xuống biển, từ làng này qua làng nọ để săn tìm. Thành quả sau mỗi chuyến đi, anh Hoàng thu được cả ba lô đồ cổ.

{keywords}
 Đồ sứ men lam được anh Hoàng rất yêu thích.

“Mua về, tôi ngồi phân loại. Cái gì bán được, tôi bán lấy tiền tái đầu tư và kinh phí đi lại. Một số đồ tôi giữ lại.

Mỗi vùng có một kiểu cổ vật khác nhau. Thời đó, đồ trong dân còn nhiều, đặc biệt các làng có người làm quan trong triều đình, còn lưu lại những đồ vật của cung đình xưa ban thưởng…”, anh Hoàng nói.

Sang Lào tìm mua đồ cổ

30 năm, anh Hoàng ngược xuôi đi tìm giá trị xưa, có cái mua được, có cái không mua được nhưng cũng tăng thêm kiến thức cho bản thân. 

{keywords}
Chiếc tô của chúa Nguyễn Phúc Chu.
{keywords}
Chiếc dĩa vẽ cảnh chùa Túy Vân có bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị nói về cảnh chùa.

Đi quanh miền núi Khe Sanh, Lao Bảo… anh Hoàng tìm được những món đồ mà không nghĩ ở đó có như: Trang phục cung đình triều Nguyễn, gồm áo vua, áo quan đại thần, áo vị tướng…

"Chiếc hoàng bào này có liên quan đến câu chuyện lịch sử như cuộc bôn tẩu của vua Hàm Nghi cùng đoàn quần thần. Bây giờ chưa có gì chứng minh rõ ràng nên tôi chưa dám nói đó là áo của vua Hàm Nghi”, anh Hoàng chia sẻ.

Anh Hoàng kể tiếp, chiếc áo quý giá đó mua được từ già làng 92 tuổi ở bản Ka Túc, thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị).

{keywords}
Anh Hoàng thừa nhận mình có duyên với cổ vật.

"Già làng nói rằng, những hiện vật này được thế hệ trước mua ở dưới làng Cùa (huyện Cam Lộ, Quảng Trị). Thông tin này phù hợp với sự kiện vua Hàm Nghi ra đóng quân đầu tiên ở Tân Sở. Khi bị lộ phải chạy đi, tôi nghĩ vua và các quan đại thần chỉ mặc thường phục, chứ không mặc áo rồng phụng để tránh bị lộ”, anh Hoàng cho hay.

Phát hiện được chiếc áo quý này, anh Hoàng nhờ những người trong làng thuyết phục, già mới bán.

Không giữ làm của riêng, anh chuyển nhượng 41 cổ vật cho Bảo tàng TP.HCM. Ngoài ra anh còn tặng thêm 9 đồ vật - là những trang phục vua, quan, cung nữ thời nhà Nguyễn… cho bảo tàng.

"Bảo tàng bảo quản lâu dài, có cách quảng bá tốt hơn và để công chúng thưởng ngoạn", anh nói.

{keywords}
Hàng nghìn hiện vật là tài sản quý giá của anh Hoàng.

Trong số hàng trăm câu chuyện quanh việc tìm kiếm, sưu tầm đổ cổ, hành trình qua nước bạn Lào để mua chiếc áo của một võ tướng triều Nguyễn cũng khiến anh Hoàng không thể quên.

Khoảng năm 2006, nghe thông tin tại bản người Lào sinh sống bên kia sông Sê Pôn lưu giữ chiếc áo cổ này, anh mang theo 40 triệu đồng, vượt sông Sê Pôn qua Lào để tìm mua. Tuy nhiên, khi gặp, chủ nhân chỉ cho xem chứ không muốn bán.

“Phải dùng nhiều cách thức, đi lại mấy lần, thuyết phục, cuối cùng họ mới đồng ý bán. Đến khi trả tiền xong, ôm áo lội sông về. Tối đó tôi rất sung sướng, đem áo ra xem cả đêm không ngủ được”, anh Hoàng kể.

Chuyện chờ cả gần chục năm trời để mua được một món đồ cổ không phải là câu chuyện hy hữu với anh Hoàng. 

“Trong nghề này, tôi thấy cái cơ bản nhất vẫn là chữ "duyên" với cổ vật. Nếu không có duyên, đồ vật sẽ không tới", anh Hoàng nói.

Xem thêm video: 'Bệnh viện sách cổ' đầu tiên tại Việt Nam

Quang Thành

Bí ẩn món đồ thiêng, giới đồ cổ mê nhưng không mua được ở Lâm Đồng

Bí ẩn món đồ thiêng, giới đồ cổ mê nhưng không mua được ở Lâm Đồng

Có người đưa ra mức giá trên trời, ông K’Mun Sơn có làm trăm mùa lúa cũng không có được số tiền nhiều như vậy. Thế nhưng, ông vẫn một mực từ chối bán.