Sự kiện thường niên dành cho lập trình viên của Google và Apple vừa kết thúc, cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận di động của hai “ông lớn” trong làng công nghệ. Sau nhiều năm ganh đua thị phần, trận chiến giữa Google - Apple  đã thay đổi. Tham vọng của Google là kết nối hàng tỉ người dùng và mở rộng quy mô các dịch vụ cung cấp. Tham vọng của Apple lại muốn tạo ra công nghệ mang tính cá nhân hơn và giảm bớt sự lệ thuộc vào Google. “Địa bàn” chiến tranh đã mở rộng ra ngoài smartphone và dựa vào việc nền tảng nào thu hút người dùng tốt hơn.

Trận chiến kích hoạt (2009 – 2011)

Những ngày đầu trong chiến tranh smartphone đều là về thị phần. Báo chí tập trung vào hệ điều hành nào làm tốt hơn về doanh số. Google và đặc biệt là Andy Rubin, “cha đẻ” Android, tự hào công bố số thiết bị Android được kích hoạt mỗi ngày. Một trong những lần hiếm hoi Steve Jobs lên tiếng là trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh của Apple trong quý IV/2010 và dội cho Android một gáo nước lạnh. Ông chứng minh iOS là nền tảng đáng để phát triển ứng dụng hơn:

“Tuần trước, Eric Schmidt lặp lại rằng họ kích hoạt 200.000 thiết bị Android mỗi ngày và có khoảng 90.000 ứng dụng trong kho của họ. Để so sánh, Apple đã kích hoạt khoảng 275.000 thiết bị mỗi ngày trong trung bình 30 ngày qua, đỉnh cao là gần 300.000 thiết bị mỗi ngày. Hiện Apple có tới 300.000 ứng dụng trên App Store.

Không may là chưa có số liệu chắc chắn nào về con số điện thoại Android được xuất xưởng mỗi quý. Chúng tôi hi vọng các nhà sản xuất sẽ sớm báo cáo số thiết bị Android mà họ bán được hàng quý”.

Trận chiến không chỉ diễn ra trên thị trường và mặt báo mà còn lan sang phòng xử án khi Apple bắt đầu các đơn kiện chống lại hàng loạt công ty sử dụng Android làm nền tảng để cạnh tranh với Apple. Mục tiêu của Apple không phải là tiền mà chính là đánh vào thanh danh và làm chậm tốc độ của đối thủ. Thị phần là tất cả mọi thứ đáng nhắc đến trong những ngày đầu của smartphone.

Vương quyền của Samsung (2012 – 2013)

Giai đoạn 2012 – 2013 vô cùng thú vị với Apple vì Samsung trên đà phát triển mạnh mẽ với Android, tận dụng lợi thế của việc chưa có một mẫu iPhone màn hình lớn nào ra mắt và thiếu cạnh tranh ở phân khúc tầm thấp. Dù tỉ lệ người dùng Apple chuyển sang Samsung không ồ ạt, sự xuất hiện của một nhà sản xuất với năng lực phân phối lớn mạnh chính là tiếng chuông cảnh báo Apple. Trên truyền hình, hàng loạt quảng cáo công kích iPhone của Samsung được phát sóng. Chưa kể, cả hai đều đụng độ thường xuyên tại tòa.

Một bằng chứng cho thấy Apple lo ngại Samsung như thế nào là vào năm 2012, trước ngày Samsung ra mắt Galaxy S4 tại New York (Mỹ), Phil Schiller – Phó Chủ tịch Marketing toàn cầu của Apple – đã “dìm hàng” Android trên Thời báo Phố Wall.

“Android thường được xem như giải pháp thay thế miễn phí cho điện thoại phổ thông và trải nghiệm không thể tốt bằng iPhone… Khi lấy thiết bị Android ra khỏi hộp, bạn phải đăng ký tới 9 tài khoản khác nhau với các nhà sản xuất khác nhau để có được trải nghiệm như iOS”.

Điểm đáng chú ý thời điểm đó là Apple chỉ định vị Samsung như một đối thủ về phần cứng. Trong khi đó, Google chứ không phải Samsung mới là nguy cơ trong dài hạn khi Apple chứng kiến Samsung giành giật thị phần chủ yếu nhờ Android. Nếu không có Android, điện thoại Samsung “không có cửa” để so sánh với iPhone.

Trận chiến mới

Nền tảng người dùng iPhone đang dần tiến tới con số 500 triệu và có vị trí chắc chắn trên các thị trường như Mỹ (thị phần 40%), Anh (40%) và Trung Quốc (25%). Bất kỳ lo ngại nào về việc iOS sẽ bị Android làm lu mờ tương tự kỷ nguyên Windows đều lắng xuống. Nền tảng iOS sở hữu lượng người dùng trung thành, thu hút không ít lập trình viên ủng hộ, trong đó có cả Google, Facebook và Twitter.

Từ Google I/O 2015, có thể thấy Google cần tới iOS và 475 triệu người dùng iPhone để mô hình kinh doanh thành công. Giả định doanh số iPhone tiếp tục tăng trưởng 10-20% trong vài năm tới, gần như không nhà phát triển nào có thể bỏ qua tiềm năng của một hệ sinh thái 600 – 700 triệu người dùng được.

Trong khi đó, dường như Google đã có bước đi sai lầm khi hạn chế Google Maps trên iOS vài năm trước, đẩy Apple đến cảnh phát triển ứng dụng bản đồ riêng. Có lẽ khi ấy, Google cho rằng iOS là nền tảng yếu kém.

Hiện tại, cuộc chiến Apple – Google đã vượt ra ngoài biên giới smartphone. Khi đi vào bất kỳ cửa hàng nào và phải chọn lựa giữa iPhone hay smartphone Android, khách hàng đều nhìn thấy dịch vụ của Google trong cả hai. Ngoài ra, mức giá giữa iPhone và “dế” Android cao cấp cũng ngang bằng nhau. Dù Google có thể xuất sắc trong các sáng kiến liên quan đến máy học, nó không phải yếu tố quyết định khi mua điện thoại.

Apple, Google và câu chuyện tương lai

Apple muốn nằm ở giao điểm của nghệ thuật lẫn công nghệ. Giới thiệu các trải nghiệm công nghệ cá nhân đòi hỏi Apple phải duy trì kiểm soát các biến số để mang đến thứ tốt nhất cho người dùng. Apple cũng kiểm soát cả việc phát hành nội dung như phim, nhạc đến người dùng. “Táo khuyết” không cần sở hữu hay sản xuất nội dung nhằm thực hiện mục tiêu của mình, thay vào đó, họ trở thành người môi giới giữa chủ sở hữu và khách hàng để có không gian bổ sung thứ gì đó mới mẻ hơn. Sau đó, hãng có thể mở rộng trải nghiệm đó sang Android để thuyết phục họ chuyển sang iOS.

Một cách khác để Apple duy trì trải nghiệm người dùng là nắm bắt các cảm xúc liên quan đến sự xa xỉ. Như đã chứng minh trên Apple Watch, phụ thuộc vào vật liệu và kiểu dáng như sự phân biệt duy nhất giữa thiết bị 400 USD và 17.000 USD, nó tạo ra thứ cảm xúc mà Android hay bất kỳ nền tảng nào khác không thể có được.

Trong khi đó, tham vọng của Google đối với dịch vụ đám mây ngày càng được thể hiện rõ và hướng về Facebook hơn là Apple vì mô hình kinh doanh của công ty phụ thuộc vào việc xử lý các vấn đề kỹ thuật thông qua dữ liệu. Google muốn tất cả người dùng smartphone sử dụng sản phẩm của mình, bất kể đó là trên iOS hay Android. Google đang  áp dụng tương tự như cách Facebook “bung” ứng dụng cốt lõi ra thành một bộ ứng dụng. Nói cách khác, Google muốn ở giao điểm của công nghệ và khoa học máy tính.

Google I/O cho thấy Google cần Apple và iOS. Lờ đi nền tảng người dùng giá trị như vậy, đặc biệt khi các công ty khác như Facebook đang tận hưởng vị trí nổi bật trên nền tảng, có thể hủy diệt tham vọng của Google. Mặt khác, Apple cũng cần Google vì các dịch vụ của họ đều phổ biến trong cộng đồng người dùng iOS.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ Apple, có lẽ công ty không muốn ở vào vị trí như “người vận chuyển” iPhone và bộ ứng dụng của công ty khác. Việc kiểm soát toàn bộ trải nghiệm người dùng sẽ quyết định đến kết cục của cuộc chiến giữa Apple và Google.

Nếu trước đây Apple phụ thuộc vào Google thì nay, hãng tìm kiếm Internet ngày càng lệ thuộc vào iOS, còn nền tảng Android dần trở nên tách biệt và kém hiệu quả hơn trong sứ mệnh của Google. Câu hỏi then chốt ở đây là Apple sẽ làm thế nào để giảm phụ thuộc vào dịch vụ của Google khi có những dấu hiệu cho thấy công ty đang tích cực thay thế giải pháp của Google bằng giải pháp tự phát triển.