Đơn kiện qua lại giữa Apple và Qualcomm mới đây đã dấy lên một viễn cảnh trong đó Qualcomm sẽ mất một phần lớn doanh thu hãng có được từ một trong các khách hàng lớn nhất của mình: Apple. Với Apple, iPhone của hãng cũng có nguy cơ đánh mất vị thế dẫn đầu nếu không có các công nghệ không dây của Qualcomm bên trong.

"Cuộc chiến giữa 2 công ty có vẻ như đang ngày càng nóng bóng thêm" - nhà phân tích Stacy Rasgon của Sanford C. Bernstein, nhận định. Apple cáo buộc Qualcomm đã lợi dụng vị thế thống trị thị trường của mình để tính giá bản quyền quá cao với các công nghệ không dây. Trong khi đó, Qualcomm tố nhà sản xuất iPhone chỉ là đang tìm cách để chỉ phải trả ít tiền hơn so với số tiền mà hãng đáng ra phải trả. Tranh chấp này đang đe doạ ảnh hưởng đến doanh thu của Qualcomm bởi trong thời gian kiện tụng, khoản tiền bản quyền mà Qualcomm nhận được từ Apple như trước đây sẽ bị hoãn trả.

Giá cổ phiếu Qualcomm giảm 2,1%, xuống còn 55,35 USD, sau khi thông tin đơn kiện được công bố. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 2 tháng qua. Điều này khiến nhà sản xuất chip di động lớn nhất thế giới đánh mất tới gần 14 tỷ USD giá trị thị trường - kể từ khi Apple đệ đơn kiện hôm 20/1. Với Apple, dù có rất nhiều thông tin lạc quan về thế hệ iPhone mới ra mắt cuối năm nay, thế nhưng giá cổ phiếu của hãng cũng giảm 1,1% xuống còn 141,63 USD.

Hầu hết chúng ta đều biết iPhone mang lại cho Apple những khoản lợi nhuận khổng lồ, thế nhưng, trên thực tế có nhiều công ty đối tác của "Táo khuyết" cũng giàu nhanh nhờ iPhone. Qualcomm là một trong số đó. Doanh thu Qualcomm đạt 24 tỷ USD trong năm ngoái. Trong năm 2011, năm đầu tiên Qualcomm cung ứng cho cho Apple, doanh thu công ty mới chỉ là 15 tỷ USD. Trong năm đó, iPhone tạo ra 46 tỷ USD doanh số cho Apple, và con số này tăng lên 137 tỷ USD trong năm tài chính gần đây nhất.

Tuy nhiên, sang 2016, lượng iPhone xuất xưởng lần đầu tiên tụt giảm. Điều này khiến Apple phải tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận chứ không chỉ tìm cách tăng trưởng. Apple gây áp lực nhiều hơn với các nhà cung ứng để tiết kiệm tiền, và cuộc chiến với Qualcomm chính là một phần của chính sách này. 2 công ty tố cáo rằng bên kia lừa lọc mình, mưu đồ không hợp pháp. Mọi tranh chấp xảy ra xuất phát từ các chi phí bản quyền mà Qualcomm bắt Apple phải trả. Mức phí này là một phần giúp Qualcomm trở thành một trong những nhà sản xuất chip có lợi nhuận cao nhất thế giới, nhưng đồng thời nó cùng "bào" mất một phần lợi nhuận mà Apple thu được từ iPhone.

"Apple phát triển trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới, phụ thuộc rất nhiều vào các công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của Qualcomm" - Qualcomm viết trong đơn gửi toà án. "Apple giành được thành công mà không phải đóng góp gì nhiều cho những cách tân của công nghệ mạng di động". Apple nói rằng, Qualcomm lợi dụng vị thế là nhà cung cấp chip smartphone lớn cũng như các bằng sáng chế liên quan để ngăn chặn sự cạnh tranh và thu về hàng tỷ USD phí bản quyền mà hãng không đáng được hưởng.

Dù với các linh kiện khác, Apple thường chọn nhiều nhà cung ứng khác nhau hoặc tự sản xuất; thế nhưng riêng với modem - một con chip thực hiện chức năng cơ bản của việc kết nối điện thoại với mạng (viễn thông) và internet - hãng phải phụ thuộc Qualcomm. Từ trước đó cho đến năm 2016, Apple phải dùng linh kiện của chỉ mình Qualcomm bởi hãng không có bất kỳ đối tác nào khác.

Việc phụ thuộc vào Apple để có doanh thu cũng đang là "con dao 2 lưỡi" với một số công ty. Dialog Semiconductor Plc, công ty cung ứng chip quản lý năng lượng cho Apple, mới đây vừa gặp phải một "cú shock" lớn. Sau khi một nhà phân tích khuyến cáo rằng Apple sẽ cắt giảm việc sử dụng chip của công ty này, giá cổ phiếu của Dialog lao dốc không phanh, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 16 năm. Hồi đầu tháng này, hãng Imagination Technologies Group Plc cũng chịu cảnh tương tự, phải chứng kiến cảnh giá cổ phiếu giảm 69% sau khi hãng thiết kế chip đến từ Anh này nói rằng Apple sẽ dừng sử dụng các sở hữu trí tuệ của mình trong các sản phẩm mới. Khi điện thoại Galaxy của Samsung trở thành đối thủ chính của iPhone trên thị trường smartphone, Apple nhanh chóng "nghỉ chơi" với Samsung và chuyển qua chọn đối tác sản xuất chip mới là TSMC của Đài Loan.

Dù vậy, dừng hợp tác với Qualcomm sẽ là một quyết định khó hơn cho Apple. Khi bán ra iPhone 7 hồi năm ngoái, Apple đã tìm cách "dìm hàng" hiệu năng con chip Qualcomm bên trong smartphone này - theo đơn kiện Qualcomm gửi lên toà án. Lý do là bởi, một số phiên bản iPhone không dùng chip modem của Qualcomm mà sử dụng chip của Intel. Apple lo sợ rằng, nếu xảy ra sự so sánh giữa iPhone chip Qualcomm sẽ và iPhone chip Intel, phía bên Intel sẽ lép vé hơn rất nhiều. Apple đã thông báo cho Qualcomm rằng công ty không nên đem 2 phiên bản này ra so sánh với nhau, đe doạ dùng marketing để tấn công Qualcomm, và khuyến cáo rằng sẽ dừng vai trò cung ứng của công ty - theo những gì hãng sản xuất chip ghi trong đơn kiện.

Hồi tháng 11 năm ngoái, khi xuất hiện các báo cáo về việc phiên bản iPhone 7 dùng chip Intel có hiệu năng kém hơn bản dùng chip Qualcomm, Apple phản hồi rằng giữa 2 phiên bản "không có sự khác biệt rõ rệt" về hiệu năng.

Qualcomm là công ty sở hữu các bằng sáng chế cơ bản trong lĩnh vực công nghệ di động hiện đại. Hãng dùng các sở hữu trí tuệ này để buộc các công ty sản xuất điện thoại phải trả cho mình một phần từ tiền bán máy, bất kể nhà sản xuất có dùng chip xử lý của Qualcomm hay không. Công ty tố cáo Apple đã đi "mách lẻo" với các công tố viên trên thế giới, tố cáo hãng lạm dụng vị tế thị trường. Điều này đã dẫn tới các đơn kiện Qualcomm ở nhiều quốc gia, từ Mỹ cho tới Hàn Quốc, và đe doạ đến mô hình kinh doanh bản quyền của công ty này.

Theo đơn kiện Apple gửi lên toà án hồi tháng 12 năm ngoái, Apple bị nợ hàng tỷ USD từ số tiền bị Qualcomm tính giá đắt trong một "mưu đồ bất hợp pháp" mà Qualcomm thực hiện để điều khiển thị trường chip điện thoại.

Qualcomm xem cuộc chiến này là một đàm phán thương mại về phí bản quyền, nhưng trên cơ sở pháp lý. Hãng vẫn nhận định rằng vẫn sẽ có những cách giải quyết khác nếu như Apple thừa nhận vai trò của các công nghệ Qualcomm sở hữu và đồng ý trả tiền. "Cách thứ hai để giải quyết những việc như thế này là qua các thảo luận và giải pháp thương mại. Chúng tôi rõ ràng không muốn có bất kỳ tranh chấp nào xảy ra" - trưởng bộ phận Pháp lý của Qualcomm cho biết.