Duyên nợ... tàu hủ
Chị đang tất bật, múc từng chén tàu hủ rồi giao cho khách.
Nhận chén tàu hủ từ tay chị, chúng tôi trộn đều. Tàu hủ tan ra lẫn với đường và nước cốt dừa.
Múc một muỗng cho vào miệng. Một cảm giác thật miên man khó tả. Mùi thơm từ đậu nành, vị ngọt và nóng từ đường, một chút béo của nước cốt dừa, vị cay cay the the của gừng hòa lẫn tạo nên một mùi vị thơm ngon tuyệt vời.
Những vị khách đến với gánh tàu hủ của chị, ai nấy đều hết lời khen. 'Ngon lắm nhen chị, tụi em sẽ giới thiệu các bạn tới đây ủng hộ chị', một trong hai cô gái ngồi cạnh chúng tôi nói.
Những người khách không ngại quán gánh vỉa hè đến ủng hộ chị Hường. |
Chị là Nguyễn Thị Hường, 53 tuổi quê ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Gia đình chị nghèo, quanh năm chỉ bám ruộng đồng nên cuộc sống vất vả.
Theo nhiều người mách, chị rời quê vào Sài Gòn năm 1982 - lúc ấy mới 16 tuổi để mưu sinh. Lúc đầu chị đi giúp việc nhà rồi sau đó tập tành buôn bán. Chị sắm một đôi gánh, mua thêm một ít đồ dùng rồi đến lấy hàng từ một đại lý chuyên sản xuất tàu hủ. Bán được một thời gian, khách thì nhiều mà lời chẳng bao nhiêu vì phải lấy hàng qua đại lý. Chị Hường băn khoăn suy nghĩ, 'mình phải tự nấu mới có lời, mới giúp đỡ được gia đình ở quê'.
Cũng nhờ chút duyên may, chị quen được một người Việt gốc Hoa bán tàu hủ và nhờ người này, chỉ trong vài ngày, chị nắm được hết các bí quyết làm nên nồi tàu hủ ngon.
Từ đó, gánh tàu hủ của chị len lỏi khắp hang cùng ngõ hẹp. Từ Quận 8 chị sang Quận 5, Quận 11. Hương vị tàu hủ của chị không còn đặc trưng của người Hoa như lúc chị mới học. Chị chế biến thêm đường phèn - một đặc sản của quê nhà Quảng Ngãi để nấu nước đường. Chị thêm vài lát gừng và đặc biệt, nước cốt dừa đã làm cho chén tàu hủ trở nên thuần Việt.
Hàng ngày, chị mang đôi quang gánh nặng trĩu trên vai. Nhọc nhằn, vất vả nhưng bù lại, chị được khách hết lòng ủng hộ. Ở mỗi đoạn đường, cứ nghe tiếng rao của chị là cư dân ở đó biết mấy giờ. Họ thân tình với chị còn chị nặng nợ với họ. Hai mối quan hệ tạo nên sợi dây ràng buộc vô hình khó lòng dứt bỏ.
Gánh tàu hủ nuôi con nên người
Đi bán như thế được vài năm thì cha mẹ chị ở quê gọi về lấy chồng. Chị Hường đành gạt bỏ tất cả và cứ tưởng sẽ vĩnh viễn không trở lại Sài Gòn nữa. Thế nhưng sau khi sinh đứa con thứ 3 thì tình hình kinh tế trong gia đình gần như kiệt quệ.
Cả hai vợ chồng bàn tính, 'thôi thì ông ở nhà lo ruộng vườn, tôi vào Sài Gòn buôn bán kiếm sống. Vợ chồng cùng đồng ý và tôi quay trở lại với nghề tàu hủ'.
Múc tàu hủ vào chén. |
Lần này, gánh tàu hủ tiếp tục len lỏi khắp các nẻo đường trong thành phố. Và dĩ nhiên, gánh phải nặng hơn để đi được lâu hơn, bán được nhiều hơn.
Được vài năm như thế, có lẽ tuổi già ập đến, khả năng lê lết trong các con hẻm, trên những con đường của chị trở nên khó khăn hơn.
'Năm 2009 tôi đành phải dừng chân ngồi bán ở đường Trần Hưng Đạo (P.10, Q.5, Tp. HCM) đến tận bây giờ.
Hàng ngày, tôi bán từ 6h sáng đến trưa hết hàng mới về nhà. Tôi không còn gánh được nên đã đóng một chiếc xe đẩy, đặt đôi quang gánh lên đi cho tiện. Về đến nhà, cơm nước xong tôi bắt đầu ngâm 4kg đậu nành để đến tối đưa đi xay, sáng nấu tàu hủ. Ngoài ra tôi cũng phải chuẩn bị nhiều thứ để có thêm món chè đậu đen, chè trôi nước, sương sa hạt lựu v.v..
2h sáng, tôi bắt đầu nấu để đúng 6h có mặt tại địa điểm bán hàng. Tôi cố gắng làm tất cả mọi việc để khỏi thuê người tốn kém. Lợi nhuận thu được, tôi lo tiền cho con gái học đại học, con trai ở quê đang học cấp 2. Cũng may, đứa con trai lớn học xong cấp 3 thì xin được việc và đã đi làm. Còn thừa lại, tôi gửi về cho ông xã để phụ thêm mua phân bón trồng trọt.
'Sương sa hạt lựu của cô ngon quá' - một nữ sinh vừa ăn xong nói với chị. Chị mỉm cười: 'Ngon thì con rủ bạn tới ăn nữa nhé'. 'Dạ cô'. Lời qua tiếng lại ngọt ngào như vị ngọt của những sản phẩm mà chị Hường đang bán.
Những quầy hàng rong miễn phí ở Viêng Chăn
Nếu anh vẫn lấy tiền xe kem ngày hôm đó, anh sẽ thu về ít nhất 6 triệu đồng.
Trần Chánh Nghĩa