Hôm ấy, trời mưa lớn lắm, mọi người đều đi ngủ sớm. Tôi cũng vậy, đi ngủ sớm hơn mọi hôm vì trời mưa lớn làm không khí se lạnh dễ ngủ. Ấm áp trong chiếc chăn mềm, tôi vừa thiu thiu chìm vào giấc ngủ thì tiếng chuông của chiếc di động của tôi vang lên như xé ngang màn đêm tĩnh mịch.

Tôi vờ không nghe, nhưng chuông cứ đổ liên hồi. Mắt nhắm mắt mở tôi bò dậy mở máy nghe, đầu dây bên kia, cô em họ con ông bác xa với giọng cầu cứu: Chị gọi bác (là bố tôi) ra... hộ em với, vợ chồng em vừa bị đâm xe ở ngay gần nhà chị mà mấy gã thanh niên này đang dọa dẫm, em đang bế con nhỏ sợ quá. Chị bảo bác ra nhanh hộ em nhé”. Bên đầu dây bên kia tiếng mưa rơi lẫn tiếng người cãi vã to tiếng. Đến tận đến lúc chỉ còn nghe thấy những tiếng tút dài từ bên đầu dây bên kia, tôi vẫn chưa kịp định thần để hiểu chuyện gì vừa xảy ra.

Phải 5 phút sau, định thần ổn định lại, tỉnh táo hơn, tôi nghĩ về cú điện thoại vừa nhận. Nhìn ngoài trời, mưa gió vẫn rít lên từng cơn. Một mình trong bóng đêm, tôi không biết mình nên phải làm gì. Cuộc đấu tranh tâm lý diễn ra mãnh liệt trong đầu tôi. Nhà chỉ có 4 người, bố là người đàn ông duy nhất trong nhà lại hay đau ốm. Giờ giữa nửa đêm trời mưa giông gió rét thế này, mà bố lại đang ngủ có nên gọi bố hay không? Nghe giọng lớn tiếng qua điện thoại, mấy gã thanh niên ngổ ngáo kia chắc hẳn đang say xỉn nên hung hăng lắm. Thường ngày tôi hay đọc báo thấy các vụ đánh chém nhau hay xảy ra ban đêm khi vắng người lắm. Chỉ vì một va quyệt nhỏ mà có thể là nguyên nhân dẫn đến những vụ án nghiêm trọng. Mà cô em họ này mang tiếng là họ nhưng bắn đại bác chục năm cũng chẳng đến. Nhưng người ta đang gặp khó, mình mà từ chối giúp thì khó quá...

Cân nhắc, giằng co, những diễn biến đấu tranh tâm lý sôi sục trong tôi. Gọi bố ư, trời mưa to thế này, mấy gã thanh niên kia thì hung dữ lắm. Sợ từ “lỡ” xảy ra điều gì thì mình ân hận cả đời mất, không hiểu nó (cô em họ) đã gọi cảnh sát chưa, sao nó không gọi cảnh sát mà lại gọi cho mình chứ, khó xử quá. Nhưng cũng tội nghiệp nó, lại còn mang theo con nhỏ nữa chứ, mình sao thờ ơ được. Phân vân, bồn chồn tôi không biết nên làm thế nào trước cú điện thoại này. Bần thần, tôi quyết định mò mẫm xuống lầu gọi bố. Một thoáng lo lắng, bố mặc áo mưa phóng xe đi trong cơn mưa dữ dội và bầu trời đen kịt. Trước lúc bố đi xe, mẹ dặn kỹ phải bình tĩnh xử lý và gọi điện về cho mẹ con đỡ lo lắng.

Từ lúc bố đi xe ra khỏi nhà, 3 mẹ con ngồi lặng im “canh” chiếc di động mong bố gọi về. Một tiếng đồng hồ trôi qua thật chậm dãi và nặng nề, chiếc di động vẫn nằm yên không hề nhúc nhích.Mẹ lo lắng đứng ngồi không yên, cô em gái phút chốc lại an ủi mẹ rằng bố là người điềm đạm, chắc sẽ giải quyết mọi việc nhẹ nhàng thôi, mẹ đừng lo.

Mãi hơn nửa giờ tiếp sau, một tiếng chuông điện thoại vang lên như phá tan không khí nặng nề cùng tiếng mưa rơi rả rích, bố bảo mọi người cứ đi ngủ tiếp đi, ở đây bố đã giải quyết ổn thỏa rồi. Bố làm nốt một vài thủ tục nữa sẽ về sau. Như trút đi mọi gánh nặng lo lắng, hai chị em tôi trở về phòng, riêng mẹ vẫn đứng ngồi không yên đợi bố về.

Mặc dù điện thoại là công cụ giúp ta giữ mối liên hệ với mọi người nhưng đôi khi chính nó lại đặt ta vào những tình huống khó xử. Và mỗi khi có một tiếng chuông vang lên giữa đêm vắng lại khiến cho ta có cảm giác rùng mình cùng nỗi băn khoăn về điều gì xảy ra vậy...?

Bất cứ bạn là ai, ở đâu, hãy chia sẻ những câu chuyện buồn vui, kinh nghiệm sử dụng liên quan đến các thiết bị, dịch vụ công nghệ thông tin truyền thông của bạn với ICTnews.  

Câu chuyện của bạn phải chưa đăng ở bất cứ đâu, kể cả blog. Tác giả phải chịu trách nhiệm về tính xác thực cũng như bản quyền của bài viết.

Các bài viết gửi về hòm thư ictnews@mic.gov.vn

Hàng tháng, ICTnews cùng nhà tài trợ chính FPT sẽ trao giải nhất cho bài viết có số độc giả bình chọn nhiều nhất và một giải thưởng cao nhất hàng năm cho bài viết chiến thắng chung cuộc có số bình chọn cao nhất trong năm. Giải thưởng cho Câu chuyện của bạn tháng Sáu sẽ là một chiếc di động Nokia 2626. Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn ngay từ bây giờ cùng ICTnews.