Quảng Bình có 9 xã nằm trên tuyến biên giới Việt – Lào, với 01 cửa khẩu quốc tế, 01 cửa khẩu quốc gia và 01 cửa khẩu phụ, chưa kể hệ thống đường mòn lối mở… Đây là điều kiện thuận lợi để giao thương hàng hóa với các địa phương khác trong cả nước và nước bạn Lào. Tuy nhiên, vị trí địa lý thuận lợi cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự, đặc biệt là các đối tượng tội phạm về ma túy lợi dụng để vận chuyển ma túy từ Lào vào Quảng Bình rồi đưa đi các tỉnh khác để tiêu thụ.

Để tăng cường phòng, chống ma túy, Công an tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là địa bàn miền núi, biên giới. Ngăn ngừa từ xa, ngăn chặn tận gốc là những giải pháp đề ra trong công tác phòng chống ma tuý ở các bản vùng cao huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Bản Ploang xã Trường Sơn nơi có khoảng 60% đồng bào Bru - Vân Kiều sinh sống là địa bàn tiếp giáp với nước bạn Lào 43 km. Bà con 2 nước thường xuyên qua lại giao lưu hàng hóa, thăm thân nên các đối tượng lợi dụng mua chuộc bà con vận chuyển ma túy. 

W-anhminhoa-1.png
Bản Ploang xã Trường Sơn nơi có khoảng 60% đồng bào Bru - Vân Kiều sinh sống là địa bàn tiếp giáp với nước bạn Lào.

Xác định yếu tố quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, từ tháng 4/2022, Công an huyện Quảng Ninh đã phối hợp với UBND xã Trường Sơn, Công an xã Trường Sơn, Cùng với bản Rìn Rìn, Mặt trận bản Ploang ra mắt mô hình “Bản biên giới không có ma túy”.

Theo Thiếu tá Trương Thanh Hải, Phó trưởng Công an xã Trường Sơn, việc xây dựng mô hình nhằm để bà con biết được phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy. Tuyên truyền cho người dân biết các dạng chất ma túy và phòng tránh. Qua đó, phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc và quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm.

Lực lượng công an xã đã trực tiếp xuống địa bàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân, tuyên truyền để bà con đồng bào dân tộc trong bản hiểu về tác hại của ma túy cũng như các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lôi kéo, xúi giục, mua chuộc bà con tham gia vận chuyển ma túy… Dân bản hiểu, tin nên đã chủ động trong việc nhắc nhở nhau, giám sát những đối tượng lạ đi vào bản làng.

Sau hơn một năm xây dựng và đi vào hoạt động mô hình “Bản biên giới không có ma túy”, tình hình an ninh trật tự nói chung và tình hình tội phạm ma túy nói riêng ở trên địa bàn các bản giáp biên giới Việt - Lào chưa có yếu tố phức tạp xảy ra, bà con nhân dân đều ký cam kết thực hiện tốt mô hình này.

Đến thời điểm hiện tại, địa bàn biên giới xã Trường Sơn không có người nghiện ma túy, cũng chưa phát hiện đối tượng nghi vấn qua lại biên giới để buôn bán ma túy. Tuy nhiên, công tác kiểm soát, phòng ngừa vẫn được triển khai chặt chẽ.

Trao đổi với VietNamNet, Thượng tá Hoàng Giang Nam, Trưởng Công an huyện Quảng Ninh thông tin: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng mô hình này tới một số bản ở xã Trường Sơn cùng nhiều xã khác trên địa bàn huyện, như vừa qua là xã bãi ngang Hải Ninh cho kết quả khá tốt.

Để đẩy mạnh công tác phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Công tác biên giới tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch; tạo dựng sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch tại các địa phương biên giới; phát triển du lịch đảm bảo khai thác có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên, bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; khuyến khích, ưu đãi đầu tư vào du lịch, nhất là các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; tăng cường kêu gọi, xúc tiến đầu tư nguồn vốn trong nước, ngoài nước, của các thành phần kinh tế nhằm tạo nguồn lực tổng hợp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân triển khai những dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại trong vùng biên giới; tăng cường chính sách phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu, xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu để tăng cường giao lưu hàng hóa và phát triển kinh tế…

PV