Công việc bắt đầu trước khi mặt trời mọc ở phía nam Gobi. Mùa hè đã tàn ở đây nhưng bầu trời vẫn rộng và sáng trước những ngày đen tối của tháng lạnh sắp đến.
Đây là cuộc sống hàng thập kỷ của những người chăn gia súc Nergui Narantsetseg và Munkhtuul Banzragc, một cặp vợ chồng đến từ vùng sa mạc gần biên giới Mông Cổ với Trung Quốc.
Vài trăm con dê đi lại gần khu định cư của họ. Cuộc sống của cặp đôi xoay quanh chiếc lều mái vòm truyền thống được gọi là ger. Họ ngủ trên chiếc container vận chuyển di động. Cặp đôi cũng sở hữu thêm một chiếc Toyota Prius, phương tiện mới dành cho những người chăn gia súc luôn di chuyển, theo CNA.
Khi Nergui đi xe máy vòng quanh, vợ anh Munkhtuul cố tình lội qua đàn dê. Trong vòng vài phút, họ tóm gọn một con và đem đi giết thịt. Đó là một cuộc vây bắt bất đắc dĩ, đem lại thức ăn trong một thời gian ngắn cho cặp vợ chồng và 2 người giúp việc của họ.
Thực tế của Gobi
Cuộc sống thật đơn giản và khắc nghiệt, nó luôn ở trong vùng đất rộng lớn gần như không có gì đặc biệt của Gobi.
Nhưng vài năm qua, những thử thách đối với sự kiên cường của con người ngày càng tăng.
Cát ngày càng mở rộng trong một hiện tượng gọi là sa mạc hóa. Nguồn nước khan hiếm do thời kỳ hạn hán ngày càng tồi tệ và bão cát thường xuyên hơn gây xói mòn nhiều. Biến đổi khí hậu, nắng nóng thường xuyên chính là thủ phạm chính.
Điều này đặt tương lai của truyền thống chăn nuôi du mục, xương sống nền sản xuất lương thực của Mông Cổ trong tình trạng nguy hiểm.
Nergui và Munkhtuu vốn có nhà ở cách xa hàng trăm km, sâu hơn về phía nam. Ở đó, điều kiện trở nên quá khó khăn, buộc họ phải đưa ra lựa chọn cách đây gần 2 năm là đến những đồng cỏ đầy hy vọng hơn ở phía bắc.
"Ở Gobi, thật khó để trở thành người chăn gia súc. Trong 3 năm qua, chúng tôi không gặp bất kỳ trận mưa nào. Chúng tôi thường phải di chuyển cùng với một số động vật của mình", anh nói.
Gia đình họ thường phải tìm đến những đồng cỏ phong phú hơn nhưng sa mạc vẫn sẽ theo đuổi họ như một cái bóng.
"Nếu trời mưa, chúng tôi sẽ quay lại. Nếu không, không có cách nào để chúng ta quay trở về. Sa mạc hóa ở khắp mọi nơi", anh tâm sự.
Gobi là sa mạc lớn thứ 6 trên thế giới, trải dài vào phía bắc Trung Quốc. Phần lớn sa mạc không phải là cát mà là địa hình đá, khiến nó trở thành môi trường khắc nghiệt đối với thực vật và động vật hoang dã. Đây cũng là sa mạc phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Batjargal Zamba, Đặc phái viên của Mông Cổ tại Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết: "Biến đổi khí hậu khiến Mông Cổ dần trở nên khô hạn hơn. Lượng mưa giảm, không còn những cơn mưa thấm vào lòng đất nữa. Kết quả là tình trạng sa mạc hóa gia tăng".
Trên toàn cầu, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sa mạc như thế nào là một vấn đề đang được theo dõi chặt chẽ.
Căng thẳng nhiệt có thể sẽ nghiêm trọng hơn nhiều ở các khu vực sa mạc vào cuối thế kỷ này.
Dân số toàn cầu sống ở các vùng đất khô hạn dễ gặp khó khăn về nước, hạn hán và suy thoái môi trường sống. Dự đoán số người ảnh hưởng đến 178 triệu người vào năm 2050, nhiệt độ ấm lên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong vòng 80 năm qua, nhiệt độ ở Mông Cổ đã tăng 2,25 độ C, gấp khoảng 3 lần so với mức trung bình toàn cầu. Ngay cả các tỉnh cách xa Gobi cũng đang cảm nhận tác động. Con người cũng đang góp phần làm cho tình hình ngày càng xấu đi.
Sự can thiệp
Chính phủ Mông Cổ có một số ý tưởng chính sách trước những thách thức hiện tại, tập trung vào các lĩnh vực chính gồm quản lý tài nguyên nước cũng như suy thoái đất. Một số giải pháp bao gồm trồng cây, cải thiện dòng chảy của sông.
Dự án gần đây có tên Blue Horse nhằm tăng cường khả năng tiếp cận nước ở Gobi. Họ xây dựng các đường ống mới đến khu vực và thiết lập các hồ chứa đa năng trên những con sông lớn.
Những người chăn gia súc Gobi đang di chuyển và di cư liên tục. Khối lượng công việc của người chăn gia súc tăng nhiều hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ của những gia đình. Họ không thể ở bên nhau lâu dài vì đàn ông sẽ di chuyển cùng gia súc, còn phụ nữ ở lại chăm sóc trẻ em và người già.
Tương lai bấp bênh
Munkhtuul Banzragch, 41 tuổi, cảm nhận rằng cô đang trải qua những ngày cuối cùng của mình trên bãi cát Gobi. Cô ứa nước mắt khi nghĩ rằng con cái sẽ không đi theo con đường của mình.
Họ sẽ không theo truyền thống chăn gia súc du mục, kế sinh nhai đang bị mất đi và điều đó khiến người mẹ 3 con càng day dứt. Hiện nay, nhiều người trong thế hệ trẻ đang quay lưng lại với cuộc sống cực nhọc này.
"Không đứa con nào của chúng tôi muốn trở thành người chăn gia súc. Đây cũng là những thời điểm rất khó khăn. Làm sao một đứa trẻ có thể nghĩ rằng sống ở nông thôn là ổn khi chúng phải chứng kiến hạn hán trong 2 năm liên tiếp? Chúng tôi hỏi chúng có muốn ở quê không, câu trả lời đều là không", cô nói.
Một ngày nào đó, Munkhtuul và chồng cô sẽ từ bỏ công việc này. Đó là thực tế mà Munkhtuul thừa nhận. Nhiều người trong hoàn cảnh như cô cũng đã từ bỏ mảnh đất để đến một cuộc sống bấp bênh không kém ở nơi đô thị.
Nhưng với cô, ngày đó vẫn chưa đến. "Tôi tin rằng tôi không thể là chính mình nếu không chăn gia súc", cô nói.
Hành trình sống sót trên sa mạc của nữ nhà báo phải uống nước tiểu của chính mình
‘Tôi đã phải uống nước tiểu của mình. Tôi lấy nước tiểu bằng một lọ paracetamol và giữ chúng trong chai. Nó khiến tôi nôn oẹ nhưng ít nhất, tôi có thêm một chút nước’.