Cuộc tiếp xúc cử tri nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc để tìm giải pháp khắc phục khó khăn, giải quyết bất cập hiện nay của ngành y tế, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân, ổn định kinh tế xã hội một cách lâu dài sau đại dịch.

Kiến nghị tiêm vắc xin cho trẻ em càng sớm càng tốt

GĐ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM Nguyễn Thanh Hùng nêu thực tế, hàng ngày bệnh viện nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của phụ huynh. Họ bày tỏ sự lo lắng cho trẻ em trước tác động của dịch Covid-19, nhất là khi TP.HCM dự kiến mở lại các trường học vào tháng 1/2022.

Đứng về góc độ chuyên khoa, lãnh đạo bệnh viện tha thiết đề nghị sớm tiêm vắc xin cho trẻ em.

Trên thế giới, học sinh đi học đã nhiễm Covid-19 rất nhiều, riêng tại nước Mỹ, trong đợt dịch thứ tư, chỉ trong hai tuần cuối tháng 9 có hơn 500.000 trẻ em nhập viện.

Nhìn về Việt Nam, theo ông Hùng, trẻ em cả nước có hơn 25 triệu. Tại TP.HCM trẻ trong độ tuổi tới trường là hơn 1,8 triệu. Khi đã tiêm phần lớn vắc xin cho người lớn thì "làn sóng nguy hiểm" sẽ dồn vào trẻ em.

Ông đề nghị đưa chương trình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em vào chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Cần sớm đẩy nhanh chủ trương này để bảo vệ sức khỏe cũng như an toàn cho trẻ em trước đại dịch Covid-19.

{keywords}
Lễ khai giảng ở TP.HCM tháng 9 vừa qua. Ảnh: Thanh Tùng.

GĐ Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết cũng đồng tình đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho trẻ em.

Trên thế giới, các nước đang triển khai tiêm ngừa cho trẻ em dưới 18 tuổi và cả dưới 12 tuổi (ở một số nước). Việc tiêm cho trẻ đã được chứng minh an toàn, hiệu quả.

“Tôi đề nghị với Chủ tịch nước và Đoàn ĐBQH sớm có ý kiến này để Bộ Y tế triển khai chương trình tiêm vắc xin cho trẻ càng sớm càng tốt”, GĐ Bệnh viện Hùng Vương nêu ý kiến.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Giải đáp các kiến nghị của cử tri, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế  đang xây dựng kế hoạch và dự kiến cuối tháng 10 triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em 12-17 tuổi, sau đó sẽ dần mở rộng ra các độ tuổi khác.

5 kiến nghị của ngành y tế TP.HCM

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, Sở đang xây dựng kế hoạch “Nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM" trình UBND TP. Qua đó, ngành y tế đưa ra 5 nhóm kiến nghị với đoàn ĐBQH.

{keywords}
 

Một là chính sách để phát huy hiệu quả y tế cơ sở. Trong đó có chính sách thu hút nhân lực cho các trạm y tế, giao chỉ tiêu số lượng người làm việc cho trạm y tế theo quy mô dân số tại phường, xã, thị trấn và tính đặc thù của địa bàn.

Hai là chính sách thu hút y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch, tham gia mô hình điều trị F0. Theo đó, cơ sở tư nhân được thu một số loại chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc Covid-19.

Ba là kiến nghị một số sửa đổi liên quan đến Luật khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về mô hình bác sĩ gia đình, khám bệnh chữa bệnh từ xa; đề xuất cho bác sĩ đa khoa khi mới tốt nghiệp chưa có chứng chỉ hành nghề được tham gia điều trị F0 tại cộng đồng và thực hành tại y tế cơ sở để xét cấp chứng chỉ hành nghề. 

Người dân có thể khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế, không phân biệt mức giá chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc. Cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về mô hình bác sĩ gia đình, khám bệnh chữa bệnh từ xa, chăm sóc sức khỏe tại nhà và khung giá thu phí dịch vụ.

Bốn là về chế độ cho nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch.

Cuối cùng là cơ chế tài chính cho cơ sở y tế công thực hiện tự chủ gặp khó khăn do tác động của đại dịch. Trường hợp cơ sở y tế đã sử dụng hết các nguồn tài chính hiện có theo quy định nhưng không đủ đảm bảo thì ngân sách nhà nước hỗ trợ để đảm bảo các nội dung chi cho cơ sở y tế.

Hồ Văn - Trần Thường

Chủ tịch nước: Đỉnh dịch TP.HCM đã qua nhưng không được chủ quan

Chủ tịch nước: Đỉnh dịch TP.HCM đã qua nhưng không được chủ quan

Đỉnh dịch ở TP.HCM đã qua nhưng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được chủ quan khi số người tử vong còn cao, người bệnh nặng đang điều trị còn nhiều.