LUNA từng là dự án tiền số phát triển nhanh chóng giữa giai đoạn thị trường ảm đạm. Tuy nhiên, điểm yếu trong thuật toán cùng mô hình rủi ro khiến dự án Terra tụt dốc. Theo các chuyên gia, nếu không thể sớm được giải cứu, LUNA có thể trở thành thảm họa lớn nhất lịch sử tiền mã hóa, cùng những hệ lụy không thể lường trước.
Stablecoin neo trên tài sản biến động có phải ý tưởng hay?
Mảng tiền số ổn định giá (stablecoin) đã tăng trưởng mạnh trong hai năm qua, đạt giá trị vốn hóa khoảng 186 tỷ USD. Hai loại stablecoin hàng đầu là Tether (USDT) và USD Coin (USDC) được neo tỷ giá với USD bởi khoản dự trữ tương đương bằng tiền pháp định. Đây là những stablecoin được phát triển theo hướng tập trung.
Terra sử dụng cơ chế đúc/đốt UST/LUNA nhằm neo giá stablecoin, mua nhiều BTC để bảo chứng tài sản. Ảnh: Terrians. |
Giải pháp của Terra và các mô hình tương tự là sử dụng cơ chế đúc/đốt token để neo giá stablecoin. Tuy nhiên, từ khi ra mắt, giao thức này đã bị đánh giá là có nhiều nguy cơ về tính bền vững khi chênh lệch tỉ lệ hay thị trường đi xuống.
“Stablecoin thuật toán bảo chứng bằng tiền số chưa bao giờ là ý tưởng hay bởi biến động giá lớn và sự thao túng của cá mập. Đặc biệt, khi thị trường, nhất là Bitcoin mất giá, giá trị tài sản đảm bảo giảm nhanh khiến stablecoin bị ‘unstable'”, ông Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên tài chính cao cấp, người sáng lập Trung tâm công nghệ tài chính và mã hoá Đại học RMIT nói với Zing.
Ông Anh Huy cho rằng xây dựng stablecoin trên một thị trường “bất ổn” như tiền số mà không có loại tài sản đủ đảm bảo sẽ là thảm họa thật sự với toàn ngành.
Trong khi đó, theo ông Mai Nghĩa, quản trị viên Cộng đồng Tradecoin Việt Nam với hơn 110.000 thành viên, Bitcoin là loại tài sản dự trữ tối ưu nhất có thể cho mô hình của Terra. “Trong tất cả các loại tiền số, trừ stablecoin, Bitcoin là loại tài sản có biến động giá ít nhất”, chuyên gia này nhận định.
Theo đó, mô hình sẽ hoạt động tốt nếu thị trường đi lên, BTC tăng giá, dự án có thể bán ra nhằm giữ mốc 1 USD cho UST và trả lãi trên nền tảng. Ngược lại, nếu thị trường giảm, Bitcoin có xu hướng biến động ít hơn altcoin.
Đồng quan điểm, ông Thuật Nguyễn, người sáng lập Kyros Ventures cho rằng vì là stablecoin thuật toán nên phải dự trữ một đồng tiền số phi tập trung. “Đáng tiếc, mô hình đổ sập từ giá Bitcoin, kéo theo một chuỗi domino thảm họa”, ông Thuật nói.
Terra đã sai từ Anchor Protocol
Những tháng qua, hệ sinh thái Terra tăng trưởng mạnh mẽ với số ví tạo mới lớn, lượng tài sản khóa cao. Trước khi sụp đổ, có hơn 30 tỷ USD trong nền tảng và Terra chỉ đứng sau Ethereum về lượng tài sản khóa. Động lực chính cho sự tăng trưởng này đến từ giao thức tiền gửi Anchor, với mức lãi suất cao, 20%/năm.
Ứng dụng duy nhất của UST là gửi tiền, nhận lãi ở Anchor Protocol. |
Giữa giai đoạn thị trường đi xuống, một giao thức tiền gửi bằng đồng ổn định, có lãi suất cao trở thành nơi trú ẩn nhiều nhà đầu tư tìm đến. Điều này khiến Anchor nhận dòng tiền lớn ở giai đoạn “downtrend”.
Tuy nhiên, đây chính là điểm yếu chết người, mấu chốt trong sự sụp đổ của mô hình TerraForm Labs xây dựng. Theo ông Mai Nghĩa, một đồng stablecoin sẽ ổn định khi có nhu cầu thực tế, áp dụng vào các ứng dụng cụ thể. Tuy nhiên, trước cú sập, tính ứng dụng của UST chỉ dừng lại ở một hình gửi tiền lấy lãi suất cao.
Có thời điểm, hơn 70% lượng UST nằm trên Anchor Protocol. Điều này cho thấy stablecoin này chỉ có một mục đích sử dụng duy nhất là gửi lấy lãi.
“Những đồng stablecoin khác có tính ứng dụng cao, dùng để hỗ trợ giao dịch, tích trữ… Trong khi đó, Terra tập trung phát triển UST như một công cụ kiếm lời khi gửi tiền và đội ngũ phải làm mọi thứ để giữ mốc 1 USD”, ông Nghĩa nói.
Theo đó, UST kém linh hoạt hơn so với các đồng stablecoin khác. Nên khi thị trường đi xuống, lo ngại tăng cao, nhà đầu tư sẽ rút UST về đổi qua LUNA và bán đi, nhận USDT, USDC, loại tài sản được bảo chứng tốt hơn. Điều này khiến nguồn cung LUNA tăng cao, kéo giá token đi xuống. Trong khi đó, nhu cầu cho UST cũng không còn, dẫn đến de-peg (mất mốc neo 1 USD).
“Terra cũng đã nhìn ra vấn đề và tìm cách phát triển thêm nhiều sản phẩm để sử dụng UST hơn. Đồng thời, họ mua nhiều loại tài sản dự trữ nhằm cứu mốc 1 USD. Tuy nhiên, dự án không đủ thời gian để phát triển hệ sinh thái, tránh bị ảnh hưởng khi cung tăng mạnh như những ngày qua”, ông Mai Nghĩa nhận định.
Lãi suất 20% trên Anchor Protocol không khác gì đa cấp
Một vấn đề khác trên Anchor Protocol là lãi suất cao trong khi số tiền được cho vay chiếm tỉ lệ ít vì hệ sinh thái chưa hoàn thiện. Trước cú sập, Anchor nhận về 14 tỷ USD của người dùng nhưng chỉ cho vay 3 tỷ USD. Chênh lệch 11 tỷ USD là phần họ cần tự trả lãi.
Anchor trả lãi suất tiền gửi cao nhưng không có mô hình kinh doanh rõ ràng. |
Ngoài ra, mức lãi suất mà Anchor cho vay cũng thấp hơn con số 20% mà họ trả cho người gửi. Nếu đặt lãi suất quá cao, sẽ không có người muốn vay tiền từ nền tảng. Do đó, các chuyên gia cho rằng mô hình Anchor Protocol xuất hiện nhiều lỗ hổng về tài chính. Để duy trì mức trả lãi, Anchor liên tục phải trích quỹ và kêu gọi thêm từ Terra. Trước cú sập, quỹ dự trữ để trả lãi trên giao thức chỉ còn duy trì được khoảng 40 ngày.
“Để có tiền trả lãi, giải pháp là luôn có dòng tiền mới chảy vào để nạp thêm vào hệ thống. Mô hình này khá giống đa cấp, chỉ tốt khi khi thị trường không đi xuống và mang lại lợi ích cho người tham gia. Nếu nhu cầu đã cạn, việc sụp đổ là sớm muộn”, ông Mai Nghĩa chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Thuật Nguyễn cũng cho rằng việc trả lãi 20% mà không có cơ sở thỏa đáng là một dấu hiệu của mô hình ponzi. “Anchor là trung tâm thanh khoản của UST, nhưng không có mô hình kinh doanh bền vững để bảo chứng cho mức lãi cao”, ông Thuật nói.
Thảm họa tiền số lớn nhất sau Bitconnect
Ngày 18/1/2018, nền tảng giao dịch Bitconnect thông báo ngừng cho vay, kết thúc một trong những dự án đa cấp tiền số lớn nhất. Giá token BCC của Bitconnect giảm 91% chỉ trong một ngày. Sau hơn 4 năm mới lại có token trong nhóm 10 đồng tiền số có mức giảm sút lớn như vậy. Sáng 12/5, LUNA được giao dịch quanh mốc 0,4 USD/đồng, giảm 96% so với 24 giờ trước đó.
LUNA giảm về dưới 1 USD, phần lớn vốn hóa của token đã bốc hơi. Ảnh: Coinmarketcap. |
Theo các chuyên gia nhận định, đây là sự kiện sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến thị trường tiền số trong thời gian tới. Từ lúc vấn đề de-peg của UST bắt đầu, hơn 600 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường tiền số, theo dữ liệu từ Coinmarketcap. Loạt stablecoin khác như USDT, USDD, USN cũng bị rơi về mốc dưới 1 USD dù biên độ nhỏ hơn.
Ryan Selkis, nhà sáng lập của nền tảng phân tích blockchain Messari cảnh báo tác động của sự kiện này có thể vượt xa ngoài sức tưởng tượng. “Nếu Terra sập, quy mô tổn thất sẽ bằng một nửa vụ Enron. Một điều đáng quan tâm hơn là chúng ta đang đứng bên vực thẳm pháp lý”, Ryan Selkis nói trên mạng xã hội. Vụ Enron mà chuyên gia này nhắc đến là sự việc phá sản lớn nhất lịch sử nước Mỹ.
Ngoài tác động kinh tế, nhiều người lo lắng về ảnh hưởng tâm lý của cú sập Terra để lại. “Mọi người sẽ nhìn vào Terra và nghĩ rằng tiền mã hóa thật tệ. Những lời ca tụng về tính sáng tạo của chuỗi khối đều trở nên vô nghĩa”, Arthur Breitman, nhà sáng lập dự án Tezos nhận định.
Ngày 10/5, trước khi cú sập sâu diễn ra, trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã nhắc đến sự kiện đồng TerraUSD (UST) de-peg. Bà cho rằng điều đó có thể gây ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính Mỹ và kêu gọi ban hành khung pháp lý cho stablecoin, để giám sát lĩnh vực này.
Sáng 12/5, Coindesk dẫn tin từ một tài liệu rò rỉ cho thấy Ủy ban châu Âu đang ủng hộ đề xuất cấm các loại stablecoin trong khu vực. Đề xuất này được đưa ra bởi những lo ngại stablecoin được sử dụng để thay thế tiền pháp định. Đồng thời, cú sập của hệ sinh thái Terra cũng phần nào gây ảnh hưởng đến quyết định.
Thông tin về loại tiền số trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền mã hóa chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
(Theo Zing)